Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 11/4/2013
E-mail     Bản in

Ông Lưu Văn Chài “liều” xẻ núi làm đường
(NDĐT) - Với địa hình đồi núi sông suối hiểm trở, từ trước đến nay không ai dám nghĩ mở đường từ bản Nà Váng ra bản Nà Bản ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn). Nhưng ông Lưu Đình Chài - một nông dân nghèo ở Nà Váng đã làm được, giúp cả bản đổi đời.
 
Ông Lưu Đình Chài trên con đường vào bản Nà Bản.
 
Bao đời nay, đồng bào Mông, Dao ở bản Nà Váng cam chịu cuộc sống nghèo khó, vất vả và tụt hậu vì không có đường giao thông. Người dân mua phân bón về, mang sắn, chuối ra chợ bán phải gánh trên vai, nhà nào có ngựa thì dùng ngựa thồ.

Những năm gần đây, Nà Váng có vài chiếc xe máy, nhưng chủ nhân rất ít đi, vì nguy hiểm, đường mòn nhỏ hẹp, dốc cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cao. Tắc nhất là gỗ trên rừng trồng không bán được. Nhiều nhà phải dùng trâu, sức người nhọc nhằn kéo gỗ dọc suối ra đến đường ngoài Nà Bản thì mới có người mua, nếu thuê là bị lỗ. Vì vậy, rừng trồng bát ngát từ hàng chục năm trước không được khai thác hiệu quả.

Thấu hiểu tình cảnh đó, từ lâu ông Lưu Đình Chài đã nghĩ đến việc mở một con đường rộng cho ô-tô từ ngoài Nà Bản vào được Nà Váng. Nhưng ông thường xuyên bị vợ ngăn cản, bởi kinh tế gia đình còn khó khăn. Người dân Nà Váng thì cho rằng ông Chài “liều”, suy nghĩ của ông là “không tưởng”, vì mở đường phải mất hàng trăm triệu đồng, còn sức dân trong bản thì quá mong manh so với địa thế hiểm trở, núi cao vực sâu.

Cho đến đầu năm 2012, ông Chài hạ quyết tâm làm con đường từ Nà Váng ra Nà Bản. Ông cho rằng con đường sẽ giúp gia đình mình và dân bản đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hoá thuận lợi, khai thác “kho vàng” rừng trồng, các em học sinh không bỏ học và rất nhiều tiện ích khác nữa.

Vợ không đồng ý, đa số dân trong bản bàn lùi, nhưng ông Chài được người cháu ruột là Lưu Đình Cừ ủng hộ nhiệt tình. Song, quyết tâm của ông Chài gặp khó khăn không nhỏ, đó là mỗi năm gia đình chỉ thu được hơn hai tấn ngô, gần hai tấn thóc và khoảng mười triệu tiền bán lợn, khoai, sắn, chuối.

Hỏi khi bắt đầu làm đường có bao nhiêu tiền? Ông Chài đáp “chỉ có mỗi hai triệu đồng thôi”. Vậy lấy gì mà làm? Ông Chài thản nhiên: “Cháu Cừ góp thêm, phần lớn số tiền có trong tay là tôi vay làng xóm, vay anh em họ hàng để thuê máy xúc mở đường. Tổng kết lại hết hơn 80 triệu đồng thì làm xong con đường vắt qua sườn núi, rộng hơn bốn mét, dài hơn một cây số nối ra Nà Bản”.

Cảm kích trước hành động này, trong quá trình mở đường, ông Chài được ông Lưu Đình Ngưu ủng hộ năm triệu đồng, vài người khác ủng hộ hai đến ba chục, một trăm nghìn đồng. Gia đình các ông Hà Văn Trình, Hà Văn Chuồn, Vương Văn Học... hiến đất cho tuyến đường mở qua.

Con đường mang tên ông Chài

Ngày “khánh thành”, nhân dân Nà Váng vui mừng, đặt tên là “đường ông Chài”. Ông Chài tâm sự: “Tôi mong muốn có được con đường rộng rãi, xe máy, xe-tô đi đến tận bản từ rất lâu rồi. Vất vả, khó khăn bây giờ nhưng mình để lại cho con cháu một con đường là giúp nó thoát nghèo, thoát khổ. Mỗi khi thấy ô-tô đi lại qua cửa nhà mình và những gia đình trong bản, mình thấy rất vui vì thành quả đạt được đã giúp ích cho bà con trong thôn, mang lợi cho mình".

Hôm đến Nà Váng, đi trên “đường ông Chài” dài hơn một km, rộng hơn bốn mét, có đoạn xẻ qua núi, hai bên vách sừng sững mới thấy quyết tâm mở đường của ông Chài cao đến mức nào.

Đến nhà, có hẹn trước nên ông Chài đón chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, sàn nhà làm bằng tre, vầu, vách bưng bằng gỗ tạp và phên nứa. Vợ ông đi rừng chặt chuối, chở ra đường lớn bán cho thương lái, con trai cả của ông đang đi khai thác gỗ thuê, con trai thứ hai đi bộ đội, cô con gái út đi làm đồng.

Ông Chài cho biết, ngoài việc làm ruộng, trồng rừng, gia đình còn nuôi một con lợn nái mỗi năm đẻ hai lứa, ông thường bán đi một nửa lợn con, còn lại để nuôi bán lợn thịt. Ông tính toán: “Để trả nợ hết số tiền vay mở đường, tôi sẽ tăng cường chăn nuôi và bây giờ ô-tô đến tận chân rừng, tôi sẽ khai thác hai ha rừng trồng đem bán thì sẽ trả hết nợ mà vẫn còn thừa, trước đây làm gì dám nghĩ đến khai thác rừng trồng mang bán”.

Chủ tịch UBND xã Đôn Phong Trịnh Xuân Thành cho biết: “Gia đình ông Chài chưa có của ăn của để, nhưng việc làm của ông và ông Lưu Đình Cừ được cấp uỷ, chính quyền đánh giá rất cao, bà con trong xã cảm phục. Việc mở được con đường ra Nà Bản không chỉ mang lại lợi ích cho cả bản Nà Váng mà cộng đồng dân cư trong vùng cũng được hưởng lợi, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công cuộc vận động xây dựng nông thôn mới với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội”.

Ông Lưu Đình Chài được Huyện uỷ Bạch Thông biểu dương là điển hình trong huyện về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo THẾ BÌNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)