Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 11/2/2012
E-mail     Bản in

Nhà văn LƯU TUẤN HÙNG
Nhà văn Lưu Tuấn Hùng,sinh 1936,nguyên quán: Hà Nội,trú quán : Số 7 Võ Thị Sáu, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định.Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định.Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà văn LƯU TUẤN HÙNG

- 1950 – 1953 vào Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, sang Trung Quốc học tập.
 
- 1956 chuyển ngành làm phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam,rồi phóng viên – biên tập báo Nam Định,Sông Đào,Nam Hà,Đài phát thanh Nam Hà,Đài PTTH Hà Nam Ninh,Phó trưởng ban biên tập Đài PTTH Nam Hà.
 
- 1999 nghỉ hưu.
 
- 1998 – 2011 là phóng viên quay phim Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
 
Lưu Tuấn Hùng đang tác nghiệp
Khen thưởng:
 
- Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba.
- Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
- Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
 
Giải thưởng:
 
- Giải thưởng chuyên văn Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2009 cho tập truyện ngắn Đường đời mênh mông.
 
- Giải A truyện ngắn Bài ca hắc hải của Hội hữu nghị Việt – Xô 1987.
 
- Giải truyện ngắn của Ty văn hóa Nam Đinh, Sở văn hóa Nam Định cho “Chị Tám đổi thùng” giải Ba 1962, “Con chép vàng” giải Ba 1963,  “Anh chủ nhiệm của tôi” (thơ) giải ba 1996.
 
- Huy chương Bạc Đài TH Việt Nam vỡ chèo “Tấm cám” đồng tác giả dàn dựng với Vân Chi năm 1994.
 
- Huy chương Bạc phim Văn Cao viết Tiến quân ca và Nguyễn Hữu Tiến vẽ cờ đỏ sao vàng của đài TH Việt Nam (đồng tác giả với Đỗ Phú Nhuận) năm 1997.
 
- Giải Tư Hội VHNT Nam Định và Sở NN&PTNT năm 2000 cho bút ký “Dòng nước ngọt ngào”.
 
Tác phẩm chính :
 
- Đường đời mênh mông / Lưu Tuấn Hùng – Hội Nhà văn, 2009.
 
- Các truyện ngắn, bút ký : Bài ca Hắc Hải, Chị Tám đổi thùng, Con chép vàng, Dòng nước ngọt ngào...
 
- Các tác phẩm thơ : Anh chủ nhiệm của tôi, Xóm bài thơ, Tiếng vọng Tây hồ, Chùa làng...
 
- Kịch bản, Lời bình, Đạo diễn các phim truyền hình: Chiều thứ bảy, Tốt mã, Nhà thơ Đoàn Văn Cừ...
 

CHÙA LÀNG

 

Ni sư tu ở chùa làng

Nhặt khoan nhịp mõ chiều vàng chuông ngân

Trước thềm hoa đại trắng ngần

Ngày rằm mùng một chốn gần nẻo xa

Dòng người nô nức trẻ già

Lên chùa niệm Phật di đà tụng kinh

Riêng tôi thao thức dáng hình

Ni sư dành lộc phần mình cho tôi

Một lần chỉ một lần thôi

Nắm tay sư nữ bồi hồi trong tim

Má người bừng đỏ lặng im

Ni cười trong mắt tôi nhìn thấy tôi

Chùa gần mà thấy xa xôi

Trăng nghiêng đêm vắng mây trôi về ngàn

Lạy trời ban phép cải trang

Chiều chiều quét lá chùa làng cùng sư.

 

TIẾNG VỌNG TÂY HỒ

 Một thoáng quê xưa trở về Hà Nội

Kiếp lênh đênh năm tháng qua rồi

Riêng ai nhớ kinh thành ngày ấy

Tà áo bay chiều thả sóng hồ Tây

Chụm tay hứng cốm Vòng thơm thảo

Một miếng chung trái ổi chín Nghi Tàm

Vành trăng khuyết đưa em về phố vắng

Gió thì thầm theo nhịp guốc bên hè

 

Hà Nội bây giờ dòng đời hối hả

Mất đâu rồi chiều tím cầm tay

Lạc nơi nao dạo gót chiều thay lá

Chuông Trấn Vũ thương ngọn gió heo may

Chưa nhạt phai giọt buồn khóe mắt

Chiều biệt ly chim mỏi cánh trời xa

Đời gió mưa quên lối cũ không về

Em đợi hoài bao mùa thu rơi lá

Trăng úa đêm dài thấm lạnh sương xa

Buông số phận theo cánh buồm không bến

Bước qua sông cánh bèo dạt mây trôi

Những canh tàn ấp ủ niềm trông ngóng

Đợi anh về đợi hết cả mùa mưa

Chợt qua thềm bóng ai về phố cũ

Bến Tây Hồ bến vọng tình xưa.

 

XÓM BÀI THƠ

 Con sóng vào đưa tôi về phố biển

Núi Bài Thơ trầm tư lắng hồn thơ

Mây lãng đãng theo người đi đi mãi

Phương trời xa chưa một lá thư về

Còn chi đâu chỉ còn lại trong mơ

Xóm Bài Thơ ngày ấy ngây thơ lắm

Gặp nụ cười cũng nghiêng nón quay đi

Vịnh nhớ chăng hai bóng người nghiêng ngả

Mây vờn trăng bồng bềnh suốt canh tàn

Em thổn thức bao mùa xa quê cũ

Nhớ dòng kênh đôi bờ lúa lên hương

Khói rơm chiều lãng đãng mái tranh quê

Diều sáo chơi vơi gọi gió đêm hè

Ngày ấy em đi vùng mỏ xa xăm

Miền đất lạ gieo neo mưa tầm tã

Cánh chim non bão vùi dập bao lần

Đêm phố biển sóng chập chờn thao thức

Xóm Bài Thơ lạc bước một khách thơ

 

Nỗi nhớ nào đưa tôi về phố biển

Quen lối xưa sân vắng quạnh hưu

Một thoáng vui chợt đến, chợ qua nhanh

Bà mẹ già tóc pha màu sương lạnh

Mẹ rưng rưng: - “Em nó lấy chống xa”

Tôi ngửa mặt thương chim chiều mỏi cánh

Gửi hồn thơ theo ngọn gió bay qua

Núi nghiêng mình tiễn một người viễn xứ

Đời nổi trôi không bờ bến sân ga.

 

TRÁI BÀNG VUÔNG

Truyện ngắn - Lưu Tuấn Hùng

Biển đảo Trường Sa về khuya. Sóng rướn mình như ôm cả bầu trời đêm hè đầy sao lấp lánh. Gió và sóng triền miên đồng ca lời ru êm ả đưa các chiến sĩ hải quân và những người dân trên phố đảo vào giấc ngủ bình yên. Từ đài quan sát trên đảo, anh chiến sĩ trẻ Minh Thanh quàng khẩu AK ngang ngực, tay cầm máy quan sát lia đường ngắm toàn cảnh biển lấp lánh trong đêm. Xa xa những đốm sáng từ các tàu cá mải mốt săn cá ngừ đại dương và tàu của các nước xuôi ngược qua biển Đông. 

Vào giờ này đồng hồ điện tử đã nhẩy sang những giây phút báo trước thời gian sắp bước sang 0 giờ. Phiên gác đêm nay là phiên cuối cùng của Minh Thanh để sớm mai anh về phép chuyến đầu tiên thăm quê nhà ở vùng lúa tám thơm cận kề ven dải sông Hồng. Anh lính trẻ còn nhớ vào cuối giờ chiều nay, Kim Lan vợ anh đã điện Viettel ra đảo nhắc Thanh nhớ hái trái bàng vuông, đem về để cả nhà và hàng xóm tận mắt nhìn thấy trái bàng vuông quần đảo Trường Sa. Trong máy, Thanh nghe rõ tiếng bố mẹ, các em của mình cười nói lao xao…

Thanh cũng đã điện về báo tin anh đã hái trái bàng vuông đẹp nhất ở một cây cổ thụ ven đảo. Thanh đặt trái bàng vuông đủ cả cành lá màu xanh đậm, bóng như men sứ vào cái hộp cứng, trên nắp hộp có ghi chữ HQ Trường Sa. Anh sẽ đi tàu của Hải quân về cập bến quân cảng miền Bắc. Chỉ vài ba ngày nữa anh sẽ về tới nhà.

Phía dưới chân cầu thang đài quan sát có tiếng giầy mỗi lúc một gần. Thanh quay lại phía sau đã thấy đảo phó Khải Hoàn lên thang gác và thay phiên gác đêm. Khải Hoàn vỗ vai Minh Thanh:

- Chúc cậu sớm mai chuyến về phép đầu tiên thượng lộ bình an.

Thanh bàn giao vũ khí và máy quan sát cho đảo phó và tâm sự:
- Anh Hoàn ơi sao mà chiều nay em nhớ đảo đến thế.
Khải Hoàn cười - giọng thân tình:
- Đã là hải quân thì anh nào cũng vậy. Ở đảo nhớ nhà, lúc về phép thăm nhà lại nhớ đảo, thế mới là lính quần đảo Trường Sa. Tình quê và hồn biển đảo luôn đầy ắp trong lòng mỗi chúng ta. Có lẽ chẳng có biến cố nào có thể làm vơi được niềm nhớ thương ấy của Hải quân chúng mình. 

Thanh nán lại đài quan sát, phóng tầm mắt nhìn đảo trong đêm, không bỏ sót một chi tiết nào, như cố ghi trọn vẹn những phố đảo xinh xinh lặng lẽ nằm giữa biển khơi xa cách đất liền vài trăm hải lý để về kể lại cho bố mẹ và vợ anh nghe. 

Phía trái đảo, ngọn hải đăng của Trường Sa hiên ngang vươn lên bầu trời sao đêm lấp lánh. Tia sáng cây đèn biển ngạo nghễ trong tư thế chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đêm đêm toả ánh mắt thần, dẫn đường cho tàu cá Việt Nam săn đàn cá đại dương trên ngư trường và dẫn đường cho tàu các nước đi lại an toàn trên biển đông. Trên đảo những cột đèn cao áp toả ánh sáng xanh bằng sức điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời, soi rõ những nếp nhà dân trên phố đảo nối nhau chạy dài bình yên. Chủ nhân những ngôi nhà ấy là những cặp vợ chồng trẻ từ đất liền tình nguyện ra đảo xây dựng cuộc sống mới trên biển đảo và bảo vệ Tổ quốc. Anh chồng là những tự vệ, những công nhân dịch vụ, kỹ thuật trên đảo. Chị vợ là những cô giáo tiểu học dạy học trên đảo, là cán bộ trạm y tế và những trạm dịch vụ kỹ thuật. Những chủ nhân ấy cũng là những người xa quê và là những người bạn tâm tình với các chiến sĩ hải quân trên đảo. Dù chỉ một ngày xa nhau họ cũng nhớ nhau. 

Minh Thanh thấy rõ những cây bàng vuông mọc ven đảo và mọc cả ở trên đường phố đảo. Bàng vuông từ đâu đến và đến từ bao giờ, ai là người đã trồng bàng vuông đầu tiên trên đảo này, chẳng ai rõ. Anh em hải quân chỉ biết vào mùa hè cách đây gần bốn mươi năm về trước khi các hải đội hải quân Việt Nam đổ bộ lên quần đảo Trường Sa giải phóng đảo, anh em đã thấy bàng vuông mọc rải rác trên các đảo. Quả bàng vuông có bốn cạnh, phía dưới thắt lại với nét duyên dáng, to gấp nhiều lần quả bàng ở đất liền, lá thon hai đầu dày bản, màu xanh trầm. Bàng vuông quả chát đắng, không ăn được, nhưng lính hải quân rất yêu quý bàng vuông là giống cây có nết chịu thương chịu khó và quả cảm bám đảo như các chiến sĩ hải quân trên quần đảo Trường Sa. 

Mỗi năm có vài trận bão tố tràn qua đảo. Những cơn cuồng phong và những đợt sóng dữ đập ầm ầm trên đảo. Cây bàng vuông bị sóng gió vùi dập quăng quật, oằn mình qua sóng dữ. Có trận bão đánh vỡ thuyền của ngư dân trên khơi, ngư dân trôi dạt vào đảo, họ bám được cây bàng vuông và ôm chặt lấy nó. Bàng vuông là ân nhân cứu ngư dân thoát khỏi cơn cuồng phong bão tố. Có những năm hai tháng liền trời khô hạn không mưa. Nắng sấy nền đảo khô cong, muối rộp lên mặn mòi trắng như vôi bột. Bàng vuông vẫn xoè rễ bám vào nền đảo, đêm đêm hút hơi ẩm để sinh tồn qua năm tháng. Thân cây xù sì sạm đen, bò dài trên nền đảo rồi vươn ngọn lên xoè tán, góp vào môi trường đảo bóng bàng vuông xanh ngát. Ngày ngày lính hải quân và tự vệ đảo đi tuần, thường dừng chân dưới bóng bàng vuông ngồi tâm tình bên nhau chuyện quê hương, chuyện gia đình… Mùa xuân bàng vuông nẩy lộc, sang hè trổ hoa, cuối hè sang thu cho trái bàng vuông, có bốn cạnh, màu da xanh trầm, nhẵn bóng như men sứ gọi là bàng vuông, bàng vuông to hơn nhiều lần quả bàng ở đất liền. Bàng vuông trở thành biểu tượng của quần đảo Trường Sa. 

Đêm biển đảo qua nhanh, mặt trời dậy sớm dâng cho người trên đảo một ngày mới bừng sáng. Hải âu ồn ào gọi nhau bay quanh đảo kiếm mồi. Các tàu cá từ âu tầu trong đảo, nổ máy giòn giã đi săn cá ngừ trên đại dương. Con tàu của HQ-X cũng nhổ neo, chém sóng, xé gió trên hành trình theo hướng Tây Bắc dài ngàn dặm. 

Anh lính trẻ Minh Thanh đứng trên boong tàu ngắm trời yên bể lặng. Anh thầm nghĩ: "Cứ cái đà này chỉ hơn 2 ngày nữa là tới quê nhà". 

Ngày hôm sau trời tối sầm, gió gào rít ù tai, sóng dâng cao như toà nhà ba bốn tầng đổ rầm rầm qua sàn tàu. Tàu nhận được lệnh cấp trên phải quay lại đi cứu nạn tàu cá ở toạ độ xa bờ hơn hai trăm hải lý về phía Đông Nam. 

Trong buồng tàu Minh Thanh không sao chợp mắt được. Anh thấy trên boong có tiếng chân người chạy rầm rập và tàu kéo còi báo động. Thanh chồm lên, lao ra boong tàu, anh thấy các sĩ quan chỉ huy và nhiều chiến sĩ đang nhìn về phía một con tàu cá bị quay cuồng trên sóng dữ. Thuyền trưởng ra lệnh tiếp cận tàu cá. Một chiến sĩ cầm dây neo đợi cho tàu HQ-X đi ngang với tàu cá khi cả hai con tàu đều leo lên đỉnh sóng, đó là giây phút thuận lợi nhất để chiến sĩ nhảy sang tàu cá thực hiện cuộc cứu nạn. Nhưng một đợt gió giật mạnh, anh chiến sĩ hải quân bị ngã xuống mép sàn tàu cá. Một nửa thân người rơi xuống biển, còn lại hai tay anh chiến sĩ bám vào mép tàu cá. Trong tình huống quyết liệt ấy nếu chậm thì sóng sẽ lôi giật anh chiến sĩ ra xa và tính mạng khó lường. Minh Thanh báo cáo thuyền trưởng, xin phép cho anh được thực hiện cuộc cứu nạn này. Thuyền trưởng ngăn lại, sợ rằng anh lính trẻ chưa thạo những kỹ năng cứu nạn lúc lâm nguy…
 
Minh Thanh nói:

- Báo cáo tôi đã học cứu nạn ở trường hải quân rồi và cũng từng đi cứu nạn ở quần đảo Trường Sa rồi…

Dứt lời Minh Thanh nhún đôi chân, bay người trong cuồng phong và nhẩy đúng mũi tàu cá. Thanh vội chộp lấy hai tay anh chiến sĩ hải quân đang bám vào mép tàu cá và lôi đồng đội lên sàn tàu. Cả hai bóng chiến sĩ hải quân nhanh chóng cầm dây neo từ tàu Hải quân HQ-X thả xuống để buộc vào tàu cá, sau đó vẫy tay ra hiệu cho tàu Hải quân vượt lên phía trước để dắt tàu cá vượt bão. Thanh mở nắp tàu cá, nhìn thấy một tốp ngư dân ngồi nép vào nhau trong khoang tàu. Một người trong số họ reo lên: "Hải quân Trường Sa anh em ơi ! Chúng ta sống rồi…". 

Tàu HQ-X dắt tàu cá vào bờ biển miền Trung và giao tàu cá cho tàu cứu hộ của miền Trung, sau đó tàu Hải quân quay mũi hướng về phía Tây Bắc, lại tiếp tục cuộc hải trình chồm lên sóng giữ.

Trên bến quân cảng phía Bắc các chiến sĩ hải quân dàn đội hình ven cầu cảng đón con tàu HQ-X đi cứu nạn trở về. Minh Thanh xách ba lô vội sải bước, tìm đường ra bến xe ô tô. Một sĩ quan hải quân là biên đạo của Câu lạc bộ Hải quân rượt theo Thanh, và ân cần mời Thanh ở lại cảng để tham gia chương trình ca nhạc Tình quê và biển đảo. Thanh sẽ sắm một vai minh hoạ múa được xem là một vai chính. Anh lính trẻ khẩn khoản từ chối với lý do đã chậm phép mất hơn 3 ngày. Biên đạo vũ hải quân không rời Thanh và giải thích rằng Thanh là người đã cứu nạn thành công dân chài trên biển, góp vào thành tích của tàu HQ-X. Câu lạc bộ mời Thanh sắm vai múa minh hoạ nghệ thuật thể hiện là nghệ thuật, của hải quân xuất phát từ người thật, việc thật, tăng sức thuyết phục người xem. Nể tình quân cảng, Thanh ở lại lên sàn diễn nhập cuộc. Biên đạo vũ mượn Thanh trái bàng vuông làm mẫu đạo cụ, sau đó cho người lấy bìa làm một quả bàng vuông cỡ đại để làm đạo cụ minh hoạ cho tình biển đảo của hải quân. 

Nhạc nổi, chống rung nhịp rộn rã, tiếng hát của dàn hợp xướng như bay bổng vào không trung. Thanh bay ra sân khấu để thực hiện vai diễn. Một tay anh nâng bổng nữ chiến sĩ hải quân lên, còn tay kia Thanh nâng trái bàng vuông bằng bìa lên để thể hiện trọn vẹn tình quê và biển đảo Trường Sa…
Vì không quen với nghệ thuật múa, Thanh loạng choạng ngã ra sàn diễn, nữ diễn viên đè lên Thanh và cả hai người lúng túng gỡ nhau ra, bò lổm ngổm trên sàn. Các diễn viên trong Câu lạc bộ cười phá. Thanh đỏ mặt và xin cáo từ. Anh lính trẻ khoác ba lô lên vai, tay ôm hộp bàng vuông lao như bay qua sân cảng. Đến xa lộ Thuỷ Nguyên, Thanh vẫy xe khách về bến ô tô Hải Phòng. 

Chuyến xe khách từ từ vào bến, một đám người nhao nhao lên xe với đủ loại: cửu vạn, cò, xe ôm, xích lô, móc túi có hạng… ùa vào xe đòi chiếm khách để kiếm sống. Thanh mải cúi xuống nâng bao lô lên thì hộp bàng vuông đã biến đâu mất rồi. Anh thẫn thờ bước trên bến, đầu choáng váng, bước chân cũng không vững nữa. Anh thở dài não nuột: "Thế là chuyến về phép vô duyên quá.". 

Một tay "làm ăn" vồ được cái hộp có chữ HQ-X Trường Sa ở trong xe khách, anh ta lẩn ra góc khuất cuối bến xe, khi mở hộp ra chỉ có trái bàng vuông, anh ta khoắng một hồi dưới đáy hộp cũng chẳng có gì hơn… Tay trộm định vứt cái hộp ấy vào đống rác ở góc bến xe, nhưng chợt anh ta dừng tay lại và đi về phía ô tô khách, nơi mà anh ta phỗng được hộp bàng vuông và lén đặt cái hộp ấy vào ghế của người lái xe. 

Sau khi vào ban quản lý bến trao đổi chút việc, ông lái xe khách trở lại xe của mình, mở cửa xe, thấy ai đó đã đặt hộp bàng vuông vào chỗ ngồi sau tay lái. Là người sinh sống trên thành phố cảng này nhiều năm, ông tài xế không lạ gì những mánh làm ăn bẩn thỉu của những tay anh chị trên các bến. Ông nhìn nắp bàng vuông có dòng chữ HQ-X Trường Sa, bên trong có trái bàng vuông còn tươi, ông tài xế nhớ tới lúc xe qua Thuỷ Nguyên, có một anh hải quân đeo ba lô ôm cái hộp đó vẫy xe của ông về bến thành phố. Ông tài xế hiểu ngay được đó là một kỷ vật thiêng liêng của các chiến sĩ hải quân khi về phép. Ông hiểu được rằng ở đất cảng này không mấy ai được xem trái bàng vuông mà chỉ nghe nói hoặc nhìn qua truyền hình. Trái bàng vuông đã vang tiếng ở mọi nơi, là một biểu tượng đặc sắc của biển đảo Trường Sa. Ông ôm hộp bàng vuông ấy đi tìm khách trên bến để trả lại cho người bị mất. Minh Thanh nhận lại hộp bàng vuông, anh nắm chặt tay ông lái lắc lắc hồi lâu, lòng xúc động như muốn khóc vì sung sướng. Anh nói:

- Cám ơn ông, nếu mất hộp bàng vuông này thì chuyến về phép của tôi vô nghĩa lắm. Nhưng làm sao ông nhặt được hộp này?

Ông tài xế cười, những nếp nhăn trên trán ông cuộn lên dấu ấn bao nhọc nhằn, khổ ải qua thăng trầm trong đời lái xe. Ông nói:

- Có gì đâu, trong đời một tay ăn trộm hoặc móc túi nào đó khi nó vồ được một kỷ vật trái bàng vuông, có lẽ hồn thiêng của biển đảo và trái bàng vuông Trường Sa đã cảm hoá và thức tỉnh họ, trong giây lát trở lại với lương tri làm người… Anh ta lén đặt hộp bàng vuông vào ghế lái xe của tôi, có lẽ muốn qua tay tôi để trả lại cho người mất, và anh ta tránh việc giao nộp trực tiếp cho công an trên bến, vì công an ở thành phố này đã nhẵn mặt những tay làm ăn bẩn thỉu ấy rồi…

Cả ngày hôm đó Minh Thanh ngồi trên xe khách qua mấy cầu, mấy sông mới về tới bến Nam Định, rồi lại nhẩy tiếp xe buýt vượt cầu Đò Quan sông Đào, vượt cầu Lạc Quần sông Ninh về tới vùng lúa tám thơm ở cuối dòng sông Hồng, lúc ấy ngày đã cạn. 

Còn đoạn đường cuối cùng về xóm, Thanh sải bước trên đường quê xuyên qua vùng lúa đã ngả vàng. Gió thu nhè nhẹ vin những bông lúa đu đưa vọng lên âm thanh rì rào êm đềm, đó đây ngát hương lúa tám thơm. Thanh vừa đặt chân tới cổng nhà mình, đã thấy bố mẹ, các em và bà con trong xóm đã ùa ra sân và reo lên: "Anh Thanh đã về". Ông bố đẻ của Thanh giơ hai tay đỡ lấy hộp bàng vuông:

- Đưa bàng vuông đây. Bao ngày chờ đợi rồi, có thế chứ !

Mọi người nhao nhao: "Bàng vuông đâu, xem nào".

Kim Lan vợ Thanh lôi giật chồng vào trong buồng riêng, cô đưa hai cánh tay trần nõn nà ôm vòng lấy cổ chồng và thút thít kể lại chuyện cả nhà được tin điện Thanh báo về đi cứu hộ trong bão. Ai cũng lo… Ngày nào bố mẹ và Lan cũng phần cơm chờ Thanh về. Và ngày nào Kim Lan cũng phóng xe máy lên bến xe huyện để đón chồng. Nhưng chợt Kim Lan giật người lại, buông hai tay ra, nét mặt nghiêm khắc và nói: 

- Anh khai thật đi, anh về chậm vài ba ngày vì cứu nạn trong bão hay là chui vào cái nhà hàng nào đó đú đởn với tiếp viên?

Thanh kể lại chuyện cứu nạn trên biển, chuyện lùng nhùng ở Câu lạc bộ Hải quân trên bến quân cảng. Kim Lan chỉ vào vai áo hải quân của Thanh có in một cặp môi son đỏ tươi. Lan mếu máo pha trộn nét bực tức:

- Anh nhìn kỹ đi, vết hình sự còn tươi sống rành rành đây này. Môi son, mùi phấn mỹ phẩm còn bốc lên nhức mũi. Liệu ai có thể tin được anh về chậm vì đi cứu nạn trên biển, hay là là…

Trong đầu Minh Thanh thoáng hiện điều lo ngại, đêm nay là đêm đầu tiên được về bên vợ, nếu chỉ vì vết môi son hình sự in trên vai áo của mình mà vợ Thanh treo giò trắng đêm thì đó là nỗi khổ của lính xa nhà khi về phép… Bao năm tháng đóng quân ở Trường Sa, những phen bão tố nghiêng ngửa đất trời, những cuộc đi cứu nạn dân chài trên biển khơi với biết bao nhiêu pha hi sinh mà Minh Thanh không sờn lòng, đến bây giờ Minh Thanh mới hiểu ra rằng đối với lính xa nhà khi về phép, sợ nhất là bị treo giò trắng đêm… 

Thanh biết lấy ai để chia sẻ nỗi khổ này của người lính Trường Sa. Anh khẩn khoản phân trần, năn nỉ, tìm đủ mọi cách để giải oan cho mình. Cuối cùng Kim Lan cũng nguôi giận và thấy thương chồng. Lan vòng tay ôm chặt lấy cổ chồng và đánh đu mình lên như đang leo một cây bàng vuông vậy. Một dòng lệ nồng nàn, nhẹ nhàng từ từ thấm giữa đôi má của cặp vợ chồng anh lính trẻ Trường Sa. Minh Thanh hứng khởi, vung cánh tay ôm vòng lấy đường eo của vợ mình và nhấc bổng cô gái quê lên cười khúc khích:

Đây mới thật là vũ điệu tình biển đảo của người lính hải quân Trường Sa chúng anh…

Phía ngoài sân tiếng mẹ vợ của Minh Thanh dõng dạc gọi vào:

- Anh Thanh đã về rồi đấy à, đem bàng vuông ra cho mẹ và các em xem nào.

QUANG BÌNH (ST&TH)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)