Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 11/12/2014
E-mail     Bản in

Hội thảo đúc tượng Danh nhân Lưu Nhân Chú
(LUUTOC.VN) - Tại Thái Nguyên ngày 05/12/2014 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo đúc tượng Danh nhân Lưu Nhân Chú. Về dự Hội thảo có đại diện các đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Viện Sử học Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam và dòng họ Lưu Sỹ xã Văn Yên (Đại Từ).

  


Thạc sĩ Phạm Thái Hanh - Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên 
                 
Khai mạc hội thảo Ông Phạm Thái Hanh (Giám Đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên) - Chủ tọa hội thảo, đã tuyên bố lý do, mục đích, ý nghĩa về việc đúc tượng danh nhân Lưu Nhân Chú. Thể theo nguyện vọng của đồng tộc họ Lưu Việt Nam cùng mong muốn của nhân dân và chính quyền địa phương, gia đình doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc đã đề nghị nhóm nghệ sĩ tạo hình do Nhà điêu khắc Bùi Ngọc Lân (Hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam) và Họa sĩ Lưu Thiên An (Phó ban & TTK  Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam) tham gia thiết kế sáng tác tượng thờ Danh nhân lịch sử, Tể tướng Lưu Nhân Chú. Chủ tọa đã đề nghị nhóm tác giả thiết kế sáng tác tượng thờ Danh nhân Lưu Nhân Chú cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, chính trị của trung ương và địa phương tham luận cho ý kiến đóng góp để hoàn thiện mẫu tượng thờ Danh nhân lịch sử Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú.

1. Về cuộc đời và sự nghiệp:

Theo kết quả nghiên cứu lịch sử (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú” của Sở VHTTDL Thái Nguyên và Viện Sử học Việt Nam năm 2001) Lưu Nhân Chú xuất thân từ dòng họ Lưu ở Đại Từ, Thái Nguyên; là dòng họ quý tộc, nhiều đời là phiên thần của Nhà Trần quản giữ Thái Nguyên (một vùng trọng yếu ở phía Bắc kinh đô Thăng Long). Lưu Nhân Chú là đời thứ 5, Bố là Thái úy Giới Quận công Lưu Trung (đời thứ 4). Hai cha con Lưu Trung - Lưu Nhân Chú có mặt ở Lam Sơn từ trước năm 1409 - thời kỳ tiền khởi nghĩa, để 7 năm sau (1416) cùng đến Hội thề Lũng Nhai và trở thành những “Công thần Lũng Nhai” - thề cùng nhau đánh đuổi quân Minh xâm lược đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược.

Lưu Nhân Chú là một nhân tài xuất chúng, có mặt ở mọi chiến trường như Thanh Hóa, Nghệ An, Ai Lao, Đất Bắc, Biên giới..., điển hình là các trận: Khả Lưu (Nghệ An - 1424), Tây Đô (Thanh Hóa - 1425), chặn địch ở vùng đất Bắc (1426), Chi Lăng (1427), Xương Giang (1427)... và trên mọi lĩnh vực, như: Tổ chức lực lượng, quân sự, ngoại giao, củng cố chính quyền và xây dựng đất nước. Những ngày đầu 
khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Thái Tổ Lê Lợi đã đánh giá Lưu Nhân Chú qua bài chế khen thưởng Lưu Nhân Chú (1427): “Mến ngươi là người giúp việc tài giỏi ở đời, là bề tôi tận tụy của nước, nên trẫm cho cái vinh hạnh ở ngôi Tể tướng mà vẫn giữ cái trách nhiệm về binh quyền. Xét (Lưu Nhân Chú)... : Tài năng như cây tùng, cây bách, đồ dùng như ngọc “Phan”, ngọc “Dư”. Vậy cho người đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự trong nước”.

 
Lưu Nhân Chú được giao nhiều chức vụ quan trọng, như: Hỏa thủ Thiết đột kỵ vệ (1416), Thiết đột kỵ vệ tướng quân (1417), Hành quân Đốc quản, Nhập nội Đại Tư Mã (3-1427), Nhập nội Tư Không (6-1427), Tể tướng (1427); đặc biệt vào dịp xưng vương (1428) Lê Thái Tổ đã phong Lưu Nhân Chú là Công thần hạng 2 và ban quốc tính (1428); Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự (1428) với tước vị Lũng Quốc công, Á Thượng hầu, Nhập nội Tư khấu (1431).

Sự kiện đỉnh điểm trong chiến tranh chống quân Minh là vào Mùa thu năm 1427, tướng nhà Minh là Liễu Thăng mang viện binh kéo sang giải vây cho Vương Thông. Lưu Nhân Chú được lệnh cùng Lê Sát mang 1 vạn quân, 5 thớt voi đực lên trước ải Chi Lăng để đợi. Ông cùng hợp mưu với Lê Sát, sai Trần Lựu giả thua để nhử Liễu Thăng ở Chi Lăng rồi tung quân mai phục ra đánh úp. Kết quả quân Lam Sơn chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên, sau đó lại giết được tướng giặc khác là Lương Minh. Hai tướng Minh còn lại là Hoàng Phúc và Thôi Tụ cố tiến, Lưu Nhân Chú và Lê Sát chặn đánh, giết được 2 vạn địch.

Sau đó, khi Phúc và Tụ kéo tới Xương Giang mới biết thành này đã bị quân Lam Sơn hạ, phải đóng quân giữa đồng không. Lê Lợi sai 
Lê Lý cùng Lê Văn AnLê Khôi mang quân tới tiếp ứng cho Lưu Nhân Chú tổng tiến công quân Minh ở Xương Giang, giết và bắt sống toàn bộ quân địch. Tướng Hoàng Phúc cũng bị bắt. Mộc Thạnh cầm một cánh quân viện binh khác, nghe tin Liễu Thăng bại trận nên bỏ chạy về. Vương Thông bị vây chặt ở  Đông Quan không còn quân cứu ứng phải ký hoà ước để rút quân về nước.

Để giữ đúng lời ước, Lê Lợi và Vương Thông bằng lòng đổi con tin. Thông cử hai tướng 
Sơn ThọMã Kỳ sang bên quân Lam Sơn còn Lê Lợi sai con cả là Lê Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan.

Năm 
1434 Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay còn nhỏ, Tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Lê Sát ghen ghét ông, ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại ông.
Năm 
1437, Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của ông, bèn trị tội giết Lê Sát. Kế đến năm 1484Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Thái phó Vinh quốc công.

Cả gia đình Lưu Nhân Chú gồm 04 đại quan của triều đình, cùng Bố là Lưu Trung, em cùng mẹ là Trịnh Khắc Phục và em rể  là Phạm Cuống đều là đại quan – Khai quốc Công thần 
nhà Hậu Lê của Lê Lợi và đều được ban họ vua.

Nhận xét về Lưu Nhân Chú:  Lưu Nhân Chú là danh tướng nhà Lê Sơ “Ông là người tài ba xuất chúng, giỏi đánh kỵ binh, sở trường là đánh mai phục, tính cương trực và hết đời là trung thần... mặt trận lớn nào, chỗ nào hiểm nghèo nhất, nguy hiểm nhất đều được vua chọn giao có mặt để giải quyết”. Ông giữ chức rất lớn đồng Tể tướng (cùng Tể tướng Lê Sát), phụ trách Ngự sử, kiêm thống lĩnh quân đội.

2. Truyền thuyết về Lưu Nhân Chú:

Theo kết quả khảo sát trong Luận văn Tiến sĩ của TS. Hồ Thi Mai Hương (Trung tâm Học hiệu- Đại học Thái Nguyên) thì hình tượng Tướng quân Lưu Nhân Chú đã được nhân xây dựng thành truyền thuyết: Lưu Nhân Chú có dòng giống thần linh, khi trưởng thành ông đánh giặc, đem lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Tác giả dân gian đã dùng trí tưởng tượng và năng lực hư cấu, cầu nối giữa hiện thực - ước mơ, cõi trần - cõi tiên, người thực - thần linh. Ông là người được dân gian miêu tả có"tướng lạ - tài lạ" phi phàm khác người.

Tướng lạ: đầu to, lông mày rậm, hai tai trễ xuống như ngọc châu, người toàn lông lá "đầu tượng trưng cho nhuệ khí", "tượng trưng cho biểu hiện tinh thần", "biểu hiện cho sức mạnh và nhuệ khí chiến đấu", đôi tai dài là dấu hiệu của sự hiền minh, bất tử.

Tài lạ: Tài của Lưu Nhân Chú biểu hiện sự uyên thâm về trí tuệ. Lông mày rậm, toàn thân đầy lông lá là hổ tướng báo hiệu Lưu Nhân Chú sẽ là võ tướng, dũng tướng. Tài của Lưu Nhân Chú vừa có khả năng siêu phàm, khác thường do thiên phú vừa do sự nỗ lực của bản thân, nhân vật phải trải qua sự rèn luyện thì mới có.
Môtip tướng lạ - tài lạ tuy là sự hư cấu của dân gian nhưng nó vẫn dựa trên một đặc điểm lịch sử của nhân vật. Lưu Nhân Chú trong lịch sử quả là người có tài năng quân sự hơn người. Tài năng này ở một góc độ nhất định được thể hiện ở việc Lê Lợi phong chức tước cho ông. Năm 1427 ông được thăng chức Hành quân Tổng quản Nhập nội Đại tư mã (Chức quan cao cấp đứng đầu về mặt quân sự)

  -    Bằng trí tưởng tượng phong phú nhân dân thể hiện hết sức phong phú và độc đáo "Sức lực đều vượt lên khỏi những kích tấc đo đếm thông thường, công trạng vì thế cũng trở nên những kì tích phi thường".

Truyền thuyết kể rằng:  Sức khỏe của Lưu Nhân Chú thật phi thường đánh được hổ, vật được trâu. Ông cứu cả đàn trâu bị dòng nước lũ cuốn trôi: "Tay phải túm lấy sừng trâu gật mạnh, tay trái đẩy cả con trâu vọt vào trong, đến con trâu cuối cùng được chàng ngoắc tay vào sừng lôi ào lên bờ".

Lưu Nhân Chú tay không vào hang "nhanh như cắt", "cú đấm như trời giáng liên tiếp vào con vật" bắt cọp dữ mang lại sự bình an cho dân làng.

Người anh hùng Lưu Nhân Chú không chỉ lập nên bằng tài năng, trí tuệ mà còn được lập nên bằng cả lòng nhân hậu. Bằng tình thương, lòng nhân ái ông gắn bó sâu nặng với nghĩa quân và nhân dân.

Tướng quân Lưu Nhân Chú đi từ cõi trần đến cõi bất tử, vẫn "hiển linh" Trong tâm thức của người dân vùng quê Đại Từ, người anh hùng Lưu Nhân Chú là “phúc thần” vẫn luôn hiện diện để "phù trợ" cho các thế hệ Hậu duệ dòng họ Lưu cùng toàn thể nhân dân nhân dân đời sau ai có điều gì cầu khẩn, ông sẽ “ phù trợ” cho...

 

Thay mặt Nhóm tác giả sáng tác, Điêu khắc gia Bùi Ngọc Lân thuyết trình phác thảo và ý tưởng thiết kế tượng.
 
Trên cơ sở các tài liệu lịch sử để lại, từ đó nhóm nghệ sĩ thiết kế sáng tác, đã lựa chọn phương án xây dựng tượng Tể tướng Lưu Nhân Chú thể hiện trong tư thế tĩnh. Tượng ngồi, tọa sơn, ở tư thế song thất với trang phục võ tướng bái triều, ngồi tại dinh Tể Tướng, mình khoác áo bào, quần và 2 chân mang hài võ tướng; chân trái mang tư thế thẳng đứng; chân phải mang tư thế khoan thai; 2 cánh tay khép nách song song, ở thế trung bình tấn, bàn tay phải cầm lệnh bài đặt trên đùi phải, bàn tay trái khép hờ đặt trên đùi trái; đầu đội mũ cánh chuồn ngưỡng thiên, mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, mắt nhìn hướng thẳng phía trước. Nhìn toàn bộ pho tượng toát lên vẻ khoan thai, tĩnh tại nhưng uy nghiêm hướng nội của bậc “hiển phúc thần” bất tử.

Chất liệu thể hiện: Đồng đúc nguyên khối, chiều cao  pho tượng từ đế tượngđến đỉnh mũ khoảng 1m70, gấp ba người thật...
 
Không gian đặt tượng, trong đền thờ chính của khu di tích lịch sử cấp quốc gia  núi văn núi võ xã Văn Yên. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh. Tượng Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú đặt ở gian giữa, ban thờ giữa, trung tâm (là chính thần). Phía trên sau tượng là bài vị của cao tổ dòng họ Lưu tại Văn Yên hai bên tả hữu là bài vị của cha là quốc công Lưu Trung và mẫu mẹ Lưu Nhân Chú, phía trước tượng là ban để lễ vật và đồ thờ cúng.Cạnh hai bên ban thờ Tượng Vinh Quốc Công sát nền đền đặt hai ông xích mã và bạch mã theo phong cahs tượng thờ dân gian bằng gỗ Hai. Phía trước canh ban để lễ vật và đồ thờ cúng là hai bộ chấp kích và bát bửu sơn son thếp vàng. Hai gian tả hữu thờ thành hoang làng và sơn thần thổ địa bản sứ, hai đầu có chiêng, trống. Ba gian ba cung đều có ba lớp cửa võng theo hoa văn tứ linh, trên xà và cột đều có hoành phi câu đối, ghi nhận và ca ngợi công đức của Vinh Quốc Công, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha các hậu duệ của dòng họ Lưu, của nhân dân, chính quyền địa phương và cả nước nối tiếp xây dựng một đất nước Việt Nam  giàu mạnh văn minh...


Đền thờ Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú
 

 Gian chính điện thờ thiết kế đặt vị trí tượng Tể tướng Lưu Nhân Chú
 
PGS. TS. Sử học Nguyễn Đức Nhuệ (Phó Viện Trưởng Viện Sử học Việt Nam) rất hoan nghênh và hoàn toàn đồng ý với chủ trương, ý tưởng thiết kế sáng tác, phác thảo tượng thờ Danh nhân Lưu Nhân Chú. Ông lưu ý các tác giả cần phải tham khảo thêm các trang phục bái triều thời Lê Sơ, họa tiết của bố tử, kích cỡ của lệnh bài, nội dung ca ngợi, ghi nhận công lao của Vinh Quốc Công, các chữ viết trên hoành phi câu đối phải viết bằng chữ Hán mới đúng tâm linh...

Nhà điêu khắc Lê Liên (Giải thưởng cấp nhà nước, hội viên hội Mỹ Thuật Việt Nam) đánh giá đây là một tượng thờ danh nhân đẹp, có hình khối mỹ thuật rõ nét, khỏe nhìn từ không gian ba chiều, tầm vóc và hướng nhìn xa rộng bao la, có hào khí và thần khí, thể hiện được khí phác của người anh hùng vùng Tam Đảo, Thái Nguyên...

Thay mặt các nhà quản lý địa phương, các ông Vũ Thanh  Khôi (Ban Tuyên giáo Tỉnh Uỷ Thái Nguyên), Ông Nguyễn Thanh Hoạt (Phó Chủ tich UBND huyện Đại Từ), Ông Lê Thanh Bình (Phó Chủ Tịch UBND xã Văn Yên - Trưởng ban quản lý Di tích Lịch sử quốc gia núi Văn - núi Võ, đền thờ Lưu Nhân Chú) rất vui mừng về việc đóng góp công đức của gia đình Doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc và Lưu Tộc Việt Nam. Đại biểu chính quyền địa phương hoàn toàn đồng thuận với chủ trương, ý tưởng thiết kế sáng tác, phác thảo tượng thờ Danh nhân Lưu Nhân Chú. Ngoài ra có góp ý: cần phải chỉnh tư thế ngồi cho thoải mái hơn, đầu cổ, vai, tay phải cân đối, mắt nhìn thẳng, áo mũ cân đai phải đúng với trang phục thời Lê Sơ. Nhân dân và chính quyền địa phương mong muốn sớm nhận được tượng thờ Danh nhân lịch sử Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú vào dịp Lễ Hội đầu xuân năm 2015.

Họa sĩ Lưu Thiên An thay mặt nhóm sáng tác tượng thờ Danh nhân Lưu Nhân Chú,;BLL Lưu Tộc Việt Nam và gia đình Doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc xin tiếp thu ý kiến đóng góp tham luận của các Nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, chính trị của trung ương và địa phương về việc phác thảo thiết kế  tượng thờ Danh nhân lịch sử Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú; sẽ cố gắng chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của buổi hội thảo trong quá trình lên tượng tỷ lệ 1/1.

Chủ tọa Phạm Thái Hanh kết luận: Hội thảo hoàn toàn đồng ý với việc đúc tượng danh nhân Lưu Nhân Chú theo nguyện vọng của đồng tộc họ Lưu Việt Nam, và mong muốn của nhân dân, chính quyền địa phương bằng kinh phí công đức của gia đình Doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc. Về thủ tục xin đặt tượng với Cục Di sản thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, thì Sở VHTTDL Thái Nguyên sớm hoàn thiện tờ trình xin thỏa thuận mẫu tượng. Đồng thời, đề nghị nhóm tác giả sáng tác tiếp thu những ý kiến đóng góp tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, chính trị của trung ương và địa phương, tiến hành ngay thiết kế sáng tác tượng thờ Danh nhân lịch sử Tể tướng Lưu Nhân Chú theo nguyên tắc: đẹp về hình khối, mạnh về vóc dáng, thể hiện được uy linh tầm vóc của Ngài.

Thay mặt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Ông Phạm Thái Hanh phát động nhân dân, chính quyền địa phương, các doanh nhân thành đạt của Thái Nguyên và các hậu duệ dòng họ Lưu trong cả nước phát tâm đóng góp công đức cúng tiến đồ thờ tự nội thất cũng như trong khuôn viên của khu di tích lịch sử cấp quốc gia Núi Văn - Núi Võ và Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mong muốn được tiếp nhận và khánh thành tượng thờ Danh nhân lịch sử Vinh Quốc Công Tể tướng Lưu Nhân Chú vào dịp Lễ hội đầu Xuân năm 2015.

 
Thái Nguyên, ngày 05 tháng12 năm 2014
                         Lưu Thiên An
Hội thảo đúc tượng Danh nhân Lưu Nhân Chú 
Cập nhật ngày: 05/12/2014 16:12
Nhà điêu khắc Bùi Ngọc Lân giới thiệu tổng quan bức tượng Danh nhân Lưu Nhân Chú tại Hội thảo.

Ngày 5-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo đúc tượng Danh nhân Lưu Nhân Chú. Dự Hội thảo có đại diện các đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Viện Sử học Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và dòng họ Lưu xã Văn Yên (Đại Từ).
 
Theo ý nguyện của đồng tộc họ Lưu Việt Nam và mong muốn của chính quyền, nhân dân địa phương, gia đình doanh nhân Lưu Vĩnh Phúc cùng nhiều đồng tộc họ Lưu đã đề nghị nhóm nghệ sĩ tạo hình do Nhà điêu khắc Bùi Ngọc Lân (hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam) và Họa sĩ Lưu Thiên An (thành viên Ban liên lạc Lưu tộc Việt Nam) thiết kế sáng tác tượng thờ Danh nhân lịch sử Tể tướng Lưu Nhân Chú. Trên cơ sở các tài liệu lịch sử để lại, nhóm nghệ sĩ thiết kế đã chọn phương án xây dựng tượng Tể tướng Lưu Nhân Chú thể hiện trong tư thế tĩnh. Tượng ngồi ở tư thế song thất với trang phục võ tướng bái triều, mình khoác áo bào, quần và 2 chân mang hài võ tướng; chân trái mang tư thế thẳng đứng; chân phải mang tư thế khoan thai; 2 cánh tay khép nách song song, bàn tay phải cầm lệnh bài đặt trên đùi phải, bàn tay trái khép hờ đặt trên đùi trái; đầu đội mũ cánh chuồn, mặt vuông chữ điền, nghiêm nghị hướng thẳng phía trước…
 
Nhìn toàn bộ pho tượng toát lên vẻ khoan thai, tĩnh tại nhưng vẫn lộ rõ được phong thái uy nghiêm hướng nội của bậc “Hiển phúc thần” bất tử. Các họa tiết trang trí trên tượng chủ yếu là hình rồng đẳng vân, mặt hổ phù, hoa cúc dây cách điệu mô típ đặc trưng của thời Lê Trung Hưng. Tượng cao 1,7m, đúc bằng chất liệu đồng, sơn thếp vàng toàn bộ. Không gian đặt tượng thờ ở Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Núi Văn - Núi Võ, thuộc xã Văn Yên (Đại Từ).
 
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về ý tưởng thiết kế tượng (như về hình khối tổng thể, các chi tiết trên bức tượng, các họa tiết trên sắc phục… cần thể hiện được khí phách oai hùng, anh linh của một võ tướng mưu lược, dũng cảm, song cần đúng với lịch sử). Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nhóm nghệ sĩ sáng tác tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa một số khiếm khuyết trên bức tượng mẫu, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, các thủ tục cần thiết để Sở trình với Cục Di sản Văn hóa (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) để việc đúc tượng sớm được triển khai.
Cao Nguyên ( Báo Thái Nguyên)
 
 


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)