Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 11/11/2012
E-mail     Bản in

Năm mươi năm đường hoa
Tôi vẫn thường thấy tên ông trang trọng trên những đầu sách của Bộ Ngoại giao; lại cũng được nghe các vị lão thành cách mạng nhắc đến ông với tình cảm thân thiết về những tháng ngày họ đã gắn bó từ thuở hoa niên trong nhóm Văn hóa cứu quốc. Lâu nay, tôi thường băn khoăn: "Cơ duyên nào đã đưa ông từ mặt trận văn hóa sang mặt trận ngoại giao đầy gian khổ mà ông gọi là “Gió bụi đường hoa? "...Và chiều nay bước vào căn phòng ở số 9 phố Trần Hưng Đạo, tôi thật sự kinh ngạc: Không có gì khác ngoài giá sách khổng lồ trong căn phòng cũ mà nhà nước cấp cho ông - Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ. Ông là Lưu Văn Lợi, người con của quê hương Gia Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Gia Thụy, quận Long Biên).
*
Ông LƯU VĂN LỢI

Hội viên Hội Văn hóa cứu quốc

Sinh năm Quý Sửu (1913), nhưng sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha và mẹ trước khi cắp sách tới trường, Lưu Văn Lợi lớn lên trong tình thương yêu đùm bọc của các anh chị. Tuổi học trò của ông gắn bó với đất cảng Hải Phòng, và Trường Bonal. Yêu quý cậu học trò nghèo thông minh, thầy giáo Nguyễn Hữu Tảo, (con của Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục) gọi Lưu Văn Lợi đến ở với thầy. Và cũng chính từ những bài giảng của thầy đem đến bao điều mới mẻ về tự do, dân chủ, bồi đắp tinh thần yêu nước cho Lưu Văn Lợi cùng người bạn thân thiết là Nguyễn Huy Tưởng. Năm 1932, Lưu Văn Lợi bắt đầu cuộc đời của anh công chức nhà Đoan. Lương cao, vợ con yên ấm, nhưng lòng luôn tự hỏi: "Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách?". Ông quyết định không làm tham tá nữa, đi tìm một nghề tự do để tìm phương hướng hoạt động.

Nhưng cũng phải đến năm 1943, khi làm việc tại Chi cục của nhà Đoan ở Phúc Yên, ông mới xác định được mục tiêu và con đường đi tới, đem tri thức phục vụ nhân dân. Và kinh nghiệm hoạt động "Truyền bá quốc ngữ" cùng với một số văn nghệ sĩ như nhà thơ Lan Sơn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Văn Cao, nhà giáo Nguyễn Công Mỹ, nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà... từ năm 1939 được ông hăng hái đưa vào phong trào Truyền bá quốc ngữ ở Phúc Yên. Ngọn gió của cách mạng đã thổi tới khi ông gặp đồng chí Mười Hương (tức Ban) đang làm công tác đội của Trung ương (năm 1944). Ông được tuyên truyền về Việt Minh, về Đề cương văn hóa Việt Nam và tố chức Văn hóa cứu quốc. Con đường mới đã mở. Ông hăng say tuyên truyền trong nhóm Truyền bá quốc ngữ Phúc Yên cho tới năm 1945, chuyển về Hà Nội, lại vẫn làm ở nhà Đoan; nhưng đó chỉ là vỏ bọc an toàn cho ông và các bạn đồng nghiệp như Nguyễn Huy Tưởng, dễ dàng hoạt động cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông cùng Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang làm tờ Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc. Ý định của Hội muốn tờ báo ra sớm, nhưng trong điều kiện in ấn khó khăn, anh em trong Hội bận rộn trong những ngày nước rút, chạy đua với thời gian, chuẩn bị cho khởi nghĩa, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi dự Hội nghị Tân Trào, nên đến tháng 11-1945 báo Tiên phong mới ra số 1 .

Tổng khởi nghĩa thắng lợi, ngay trong tháng 8-1945, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở kiểm duyệt Bắc Bộ. Tháng 9-1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm biên soạn gồm Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu và ông làm nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn gấp cuốn sách bằng tiếng Pháp vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Tháng 11-1945, cuốn sách ra đời dưới danh nghĩa của Hội Văn hóa cứu quốc, với tên "Bằng chứng và tư liệu Pháp về chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam" (Tenoignnges et document Francais relatifs a la colonisation Francaise au Vietnam). Ông vui vẻ khoe: "Đây là cuốn sách ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau đó, bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt được Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản dưới tiều đề "Tám mươi năm tội ác". Năm 1955, nhà xuất bản ngoại văn tái bản cuốn sách bằng tiếng Pháp. Cũng trong thời gian này, ông được giao lập một tờ báo tiếng Pháp, lấy tên là La République (Cộng hòa) làm công cụ tuyên truyền đối ngoại. Vừa là chủ nhiệm vừa là chủ bút, ông tập hợp các nhân sĩ trí thức có tiếng làm cộng tác viên: Cụ Nguyễn Văn Tố, cùng các ông Nguyễn Khánh Toàn, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, ba người bạn Đức rất yêu Việt Nam: Ernts Frey (tức Nguyễn Dân); Erwin Borchers (tức Chiến sĩ), Shoeroder (tức Lê Đức Nhân). Sau khi Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 được ký kết, báo đổi tên là Le Peuple (Dân chúng). Là tờ báo tiếng Pháp duy nhất của chính quyền dân chủ nhân dân, La République nhanh chóng trở thành mối dây liên lạc với đảng viên Đảng xã hội Pháp ở Hà Nội và nhóm văn hóa mácxít của những người Pháp tiến bộ ở Sài Gòn, đem tiếng nói của nhà nước cách mạng đến với trí thức nước ngoài, trước hết là trí thức Pháp và pháp kiều. Tờ Le Peuple tuyên truyền về Hiệp định sơ bộ và chủ quyền nước Việt Nam, đến khoảng tháng 1/1946  thì đình bản để gấp rút chuẩn bị kháng chiến.

* Anh bộ đội cụ Hồ phụ trách tuyên truyền, báo chí

Kháng chiến bùng nổ, Lưu Văn Lợi làm Phó Ban tuyên truyền của khu XI (Hà Nội). Người đa tài như ông, được trên tín nhiệm thường xuyên bị điều động đi các cơ quan phục vụ kháng chiến là lẽ đương nhiên. Từ khu XI, ông lên Trưởng Ban địch vận của Bộ Tổng tư lệnh, năm 1949 lại sang Phòng Tuyên truyền của Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; năm 1950  làm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (nhập Nxb. Vệ quốc quân và Quân du kích làm một) và làm Thư ký toà soạn tờ báo mới (nhập báo Vệ quốc quân và Quân du kích làm một), lấy tên là Quân đội nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông lại được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ đi tiếp nhận thương binh do Pháp trao trả. Cuộc thỏa thuận thể thức tiếp nhận sẽ diễn ra ngày 11-6-1954 tại Dĩnh Cầu - một địa điểm thuộc phủ Lạng Thương (đối với miền Bắc) và Trị Yên (đối với miền Trung). Ông cũng không ngờ, từ đây, cuộc đời ông bắt đầu bước sang mặt trận mới đấu trí với địch trên bàn hội nghị suốt 50 năm mà ông gọi là “gió bụi đường hoa".

* "Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao"

Với bí danh "thiếu tá Nguyễn Văn Lê", ngày 11-6-1954, ông đại diện cho phía Quân đội nhân dân Việt Nam làm việc với phía Pháp, thiếu tá James về những vấn đề liên quan đến việc trao 267 thương bệnh binh cho phía Việt Nam, đình chỉ mọi hoạt động quân sự trên dải đất rộng 200m ở khu vực Phủ Lạng Thương - Cầu Giỏ đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ. Ngày 16-6-1954, cuộc trao trả đã hoàn thành tốt đẹp, ông làm nhiệm vụ giao dịch với đoàn Pháp và tiếp cả phóng viên tạp chí ParisMatch đến xin chụp ảnh, đưa tin. Kết quả của lần thương thuyết đầu tiên đã đưa ông và Trung tá Lê Minh tới cuộc thương thuyết khác, bàn về việc chọn địa điểm, thành phần đại biểu, thời gian khai mạc hội nghị quân sự để thống nhất về các điều khoản ngừng bắn trên các chiến trường. Hai bên đi đến thống nhất chọn địa điểm họp ở Trung Giã, một khu đất trống, cách bốt Núi Đôi 5 - 6km. Ông được cử làm phiên dịch cho Đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau 23 ngày tranh luận về các vấn đề làm thế nào để ngừng bắn trong một cuộc chiến tranh không có trận tuyến rõ ràng mà là cài răng lược, biện pháp cải thiện điều kiện sinh hoạt của tù binh trong khi chờ đợi ngày trao trả. Ngày 27-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã mới kết thúc với thông cáo chung của hai bên. Hội nghị đã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ, và ông đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì những đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Trung Giã.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông là sĩ quan của Bộ Quốc phòng nhưng lại được điều động làm Chánh văn phòng đoàn đại biểu Việt Nam trong Ủy ban liên hợp thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, trực tiếp làm đầu mối liên lạc với đoàn đại biểu Pháp. Một khối lượng công việc cực lớn đã được hai bên Việt - Pháp giải quyết nhanh gọn: Ngừng bắn trên các chiến trường Đông Dương và tiếp thu khu chu vi Hà Nội (l0-l0-1954); Hải Phòng (13-5-1955); trao trả hết tù binh và thường dân bị giam giữ trước ngày 2-9-1954; chuyển quân, tập kết và chuyển giao khu vực...

Pháp đi Mỹ đến. Bất chấp khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, Ngô Đình Diệm không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, hô hào "Bắc tiến", tàn sát dã man đồng bào miền Nam trong những chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng". Mỹ ngày càng lộ rõ âm mưu xâm lược miền Nam. Từ đây, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Vì vậy, ông được biệt phái chuyển sang Bộ Ngoại giao, vừa làm Chánh văn phòng Bộ, vừa phụ trách văn thư đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hàng ngày, ông trực chiến, theo dõi các hoạt động của Mỹ - ngụy ở miền Nam, các cuộc ném bom ở miền Bắc, tình hình chiến sự Lào, Cămpuchia, hoạt động của tổng thống Mỹ... Một núi công việc đòi hỏi tác nghiệp nhanh nhạy, tham mưu xác đáng mà ông đã hoàn thành xuất sắc. Uyên bác, lịch lãm, nắm chắc những kiến thức liên ngành và chuyên ngành, kể cả Luật quốc tế, ông luôn được anh em tin cậy là người thẩm định cuối cùng các văn bản ngoại giao. Đồng nghiệp bái phục gọi ông là "từ điển sống của Bộ Ngoại giao". Phó thủ tướng Vũ Khoan, người thường xuyên làm việc với ông đã viết: "Ở Bộ, anh là người giỏi tiếng Pháp vào bậc nhất mặc dầu trong Bộ không thiếu những nhà trí thức đã từng đỗ đạt cao, kể cả tại các trường nổi tiếng bên Pháp, mọi văn bản phát hành bằng tiếng Pháp, nhất thiết phải qua tay anh hiệu đính".

Tự học ở trường đời và nhất là học trong cuộc đấu tranh với địch, khi mềm dẻo, khi cứng rắn để giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc, ông là người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận ngoại giao. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao tin cậy giao cho ông soạn thảo nhiều văn bản quan trọng, thể hiện lập trường quan điểm của Chính phủ, trong đó có Bản tuyên bố lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6-4-1965 thể hiện ý chí thống nhất đất nước và độc lập dân tộc khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam.

Từ 13-5-1968, cuộc đàm phán Việt - Mỹ bắt đầu; kết quả là Mỹ chịu chấm dứt ném bom miền Bắc và ta chấp nhận cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham dự hội nghị bốn bên để tìm giải pháp cho vấn đề chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ ông đem tất cả tài trí đang ở độ chín vào cuộc đấu trí căng thẳng nhất, kéo dài nhất, gay go nhất trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của dân tộc ta. Mỗi phiên họp là một cuộc đấu tranh từng từ, từng câu để giành chủ quyền dân tộc. Chức "Cố vấn pháp lý của đoàn Việt Nam" của ông mà đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu với đoàn Mỹ tại hội nghị Paris chỉ bắt đầu khi ta đưa dự thảo hiệp định cho Kissinger (tháng 10- 1972) để hợp thức hóa việc ông xuất hiện công khai trong đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chín vấn đề quan trọng nêu ra trong dự thảo được bàn đi bàn lại, lúc ôn hoà, lúc căng thẳng, và Mỹ đã dùng biện pháp thương lượng trên thế mạnh, oanh kích, rải thảm bom B52 ném bom rải thảm hủy diệt Hà Nội - Hải phòng, ép ta chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng. Vừa đánh vừa đàm, hơn lúc nào hết, bàn hội nghị dã trở thành mặt trận nóng bỏng - “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng”, như Phan Bội Châu đã từng nói. Nhớ lại những ngày tháng này, ông Lưu Văn Lợi kể: "Trong quá trình thảo luận, có lúc Kissinger phàn nàn chuyên viên của ta đã nêu 17 vấn đề trong đó có nhiều vấn đề ông ta và đồng chí Lê Đức Thọ đã thỏa thuận xong rồi. Nhiều lần ông ta khó chịu, đả kích tôi: "Hoa Kỳ không có chuyên viên đủ sức tế nhị như ông Lợi. Phải xây dựng tượng ông Lợi cạnh Bờ Hồ"; đồng chí Lê Đức Thọ thêm vào: “Chân bức tượng phải ghi những đề nghị sửa đổi Hiệp định của ông Lợi".

Ngày 27-1-1973 Hiệp định Pari sẽ được ký kết thì trước đó, ngày 25-1, ông được cử làm Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Ủy ban liên hợp bốn bên và phải rời Pari để có mặt ở Sài Gòn trước 7 giờ sáng 28-1, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Trong khi nhân dân ta vui mừng trào nước mắt thì ông và cán bộ trong đoàn đại biểu bị giữ một ngày trên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thà chịu đói, chịu cái nóng rang người, Đoàn ta kiên quyết không cho ngụy quyền Sài Gòn làm thủ tục nhập cảnh vì miền Nam là của nước Việt Nam. Họ ăn Tết Quý Sửu ngay tại trại Đavít để giám sát việc thực hiện ngừng bắn, rút quân, trao trả tù binh, thường dân bị giam giữ. Tết có đủ đào Nhật Tân, mai vàng, chè Thái Nguyên, bánh chưng, giò lụa, mứt các loại khá tươm tất, nhưng xúc động nhất trong phút giao thừa là lễ chào cờ thiêng liêng, anh em Nam Bắc quây quần đầm ấm bên nhau trong niềm vui xum họp.

Từ hội viên Hội Văn hóa cứu quốc, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống thực dân Pháp rồi trở thành nhà ngoại giao xuất sắc suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước; sau đó, làm Trưởng Ban biên giới của Hội đồng Bộ trưởng khi đã ở tuổi 72, qua cái ngưỡng xưa nay hiếm, đấu tranh giữ vững từng tấc đất - biển - trời của Tổ quốc, đồng thời vẫn tiếp tục làm công tác ngoại giao, con đường ông đi - từ nhà báo đến sứ thần - là con đường của một trí tuệ uyên bác và một nhân cách của người cán bộ cách mạng, phấn đấu suốt đời theo lý tưởng cao đẹp cho độc lập dân tộc. Ông không chỉ đấu tranh trên bàn hội nghị mà còn là tác giả của nhiều công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao: “Ở Nam vĩ tuyến 17”“Hai vết dầu loang”,”’Hai mươi năm can thiệp của Mỹ”"Vì sao Mỹ không cứu Điện Biên Phủ”, "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ Kissinger”, “Việt Nam đất biển trời". Bộ Ngoại giao mời ông, cây đại thụ của ngành Ngoại giao là chủ công trong các cuộc hội thảo và tổng kết về Hiệp định Geneve, Hiệp định Pari, năm mươi năm đấu tranh ngoại giao.

Kỷ niệm năm mươi năm trên đường dài chinh chiến, nhìn lại quãng đường đời đã qua, ông cảm tác làm bài thơ dung dị đầy tự hào và cũng đầy mẫn tiệp của người đã trải bao sương gió: “Lăn lộn trọn đời đất ngoại giao /Việt Nam hai chữ nặng làm sao Quốc uy vĩnh cửu giương không mỏi /Lãnh thổ ngàn xưa giữ chẳng hao / Kết  bạn gần xa đâu có quản / Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao Thăng trầm thế sự xin cho gác Một chút tâm nhàn ước chẳng cao". Huân chương Hồ Chí Minh mà Đảng, Nhà nước trao tặng ông tháng 5-2007 là niềm tự hào và vinh dự lớn lao trong cuộc đời của người đảng viên 61 tuổi Đảng.
Vâng, tôi đã cảm nhận tâm thế ấy trong căn phòng đơn sơ và những dòng chữ ông đã viết cho đời. Xin chúc sứ thần của nước Việt đã qua tuổi cửu niên mạnh khoẻ, yên vui với cháu con.
 
Theo Ths. Phạm Thị Kim Thanh