Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 10/9/2014
E-mail     Bản in

Thương binh Lưu Xuân Lịch gian nan tìm công lý
Suốt 4 năm liền, không biết bao nhiêu lần ông Lưu Xuân Lịch (SN 1940, trú tại xã Đoàn Xá, Kiến Thụy, Hải Phòng) cầm đơn kiến nghị, đi gõ cửa các cấp có thẩm quyền, nhưng chưa được xem xét, giải quyết về việc hưởng số tiền trợ cấp mất sức lao động theo đúng chế độ.

Thương binh LƯU XUÂN LỊCH

Gõ cửa nhiều cơ quan

Ông Lưu Xuân Lịch nhập ngũ ngày 12/02/1962, tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị thương tại chiến trường Thừa Thiên Huế ngày 01/03/1968.

Tháng 8/2009, Hội đồng giám định y khoa TP. Hải Phòng kết luận thị lực ông giảm còn 3/10, mắt phải hỏng đã lắp mắt giả, mắt trái bám phần trước đục thủy tinh thể đục chu biên, vết thương gò má trái, thương binh hạng 2/4, mất sức lao động 60%.

Ông Lịch nguyên là cán bộ tổ chức, nguyên Phó phòng Hành chính quản trị Trường Trung học Kinh tế tài chính Hải Phòng (nay là Trường Cao đẳng cộng đồng Hải Phòng). Ông có 19 năm 9 tháng công tác tại trường này và được quy đổi ra 22 năm 11 tháng.

Năm 1988, Phòng LĐ-TB&XH huyện Kiến Thụy giới thiệu ông Lịch đi khám tại Hội đồng giám định y khoa TP. Hải Phòng. Viện Y khoa TW (Bộ Y tế) trả lời, về nguyên tắc chung, khi đối tượng giám định xong biên bản gửi về Sở LĐ-TB&XH, gồm 02 văn bản, tuy nhiên, ông Lịch lại không nhận được văn bản nào.

Năm 1994, ông Lịch lại gửi đơn đề nghị xin giám định lại, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Kiến Thụy trả lời ông Lịch phải chờ kết quả của Sở gửi về. Chờ mãi không thấy, chế độ thương binh của ông Lịch bị cắt. Chế độ điều dưỡng không thuộc huyện vì không có thẻ thương binh (đến tháng 9/2009, mới cấp lại, chế độ điều dưỡng mới được thực hiện). Sở LĐ-TB&XH đã sửa cho giám định lại loại thương binh 2/4, tỷ lệ thương tật 65%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lịch cho biết: “Sau gần 7 năm với hàng chục lần gõ cửa cầu cứu các cơ quan chức năng, cuối cùng tôi cũng nhận lại được thẻ thương binh. Tuy nhiên, suốt từ năm 2003 đến nay, tỷ lệ lương (%) mất sức lao động của tôi vẫn chưa được điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Tôi tuổi cao sức đã yếu, mắt kém, đi lại khó khăn, chỉ mong cơ quan có thầm quyền sớm xem xét giải quyết, trả lại cho tôi đúng tỷ lệ 60% mất sức lao động giúp tôi”.

Nghị định một đằng, thi hành một nẻo

Tại Điều 1 Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 về bổ sung một số chế độ chính sách về thương binh và xã hội quy định: “Tùy theo điều kiện lao động và chiến đấu, thời gian công tác được quy đổi theo hệ số; 1 năm công tác được tính là 1 năm, hoặc 1 năm 2 tháng, hoặc 1 năm 4 tháng, hoặc 1 năm 6 tháng”.

Trong khoản 1, Điều 14 nghị định trên nêu rõ: “Nếu có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên (năm công tác tính theo hệ số nói ở Điều 1) thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Người có đủ 15 năm công tác được tính trợ cấp bằng 40% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có); ngoài ra cứ mỗi năm công tác được tính thêm 1%”.

Thông tư số 02/2003/TT-LĐTXH tại Điều 1 khoản 2 quy định: “Công nhân, viên chức mất sức nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như người thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên, có thời gian công tác thực tế được hưởng BHXH đủ 20 năm trở lên”.

Chiếu theo nghị định và thông tư trên thì ông Lịch phải được hưởng mức trợ cấp mất sức lao động 60%, đồng thời được hưởng mức trợ cấp thương tật 65%. Tuy nhiên, thực tế ông Lịch chỉ được hưởng số tiền trợ cấp mất sức lao động là 48% chứ không được hưởng 60%, điều này khiến ông Lịch và gia đình vô cùng bức xúc.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Đảm, Giám đốc Bảo hiểm huyện Kiến Thụy khẳng định: “Trường hợp của ông Lịch, theo Biên bản giám định y khoa số 3240/GĐYK ngày 12/8/1981 của Hội đồng Giám định y khoa khoa TP. Hải Phòng kết luận sức khỏe của ông Lịch xếp hạng B - một trong những điều kiện để cơ quan quản lý khi ông còn đang công tác giải quyết cho ông được nghỉ hưởng chế độ mất sức theo chính sách của Nhà nước. Còn việc hưởng tỷ lệ % trợ cấp mất sức lao động không phụ thuộc vào tỷ lệ giảm sức lao động mà căn cứ vào thời gian công tác thực tế; về tỷ lệ % hưởng trợ cấp mất sức lao động của ông Lịch được điều chỉnh tỷ lệ trợ cấp 48% theo Nghị định 236/HĐBT là đúng quy định”.

Như vậy, 4 năm trời đi tìm công lý, nhưng sự vòng vo, thủ tục cứng nhắc, những lần “đá bóng” trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đã khiến cho ông Lịch và gia đình mệt mỏi, mất niềm tin vào công lý. Thiết nghĩ, để người có công được hưởng đúng chế độ, các cơ quan chức năng nên xem xét giải quyết sự việc sao cho hợp pháp, hợp lòng dân.

Nam Phong

 

 

 

 
Theo Thương hiệu & Công luận


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)