Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Bắc Ninh.
Đăng ngày 10/5/2012
E-mail     Bản in

Họ Lưu - thôn Thuận An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh
Họ Lưu ở thôn Thuận An luôn tâm niệm câu nói bất hủ của Sơ tổ Lưu Thúc Kiệm : “ LƯU ĐƯỜNG PHẨM GIÁ PHONG THANH NHỊ ” Dịch nghĩa : Họ Lưu phẩm giá trong sáng không hai.

  Thuận Thành khi xưa còn gọi là Liên Lâu, Luy Lâu, Siêu Loại, một vùng đất cổ của nước Việt . NămTân Mùi (110 tcn) đã thuộc về sự cai trị của nhà Tây Hán, vua Hán Nguyên Phong. Thời Đông Hán năm Giáp Thân (144) vua là Hán Kiến Khang thì Thứ sử Cửu Chân là Lưu Tảo ( Cửu chân là vùng Thanh Hóa, Nghệ An) ( quyển III trang 100 ĐVSKTT). Đây là lần đầu tiên xuất hiện viên quan họ Lưu tại nước ta. Không biết Lưu Tảo có phải là Thủy tổ của Lưu tộc ở vùng Thanh Hóa hay Nghệ An sau đó ra khắp mọi nơi hay không ? Vấn đề này còn phải tốn nhiều công sức mới có thể làm sáng tỏ 

   

    Tôi không biết Lưu tộc ở Thuận Thành, Bắc Ninh có từ bao giờ ? Theo Gia phả bản chữ Hán còn lại không nhiều (do ông Lưu Xuân Đính trưởng chi lưu giữ ). Do đó Gia phả truyền miệng từ đời này sang đời khác đã là căn cứ trong dòng tộc mãi đến bây giờ. Thật kỳ lạ, phụ thân tôi vào Quy Nhơn tháng 5 năm Canh Ngọ (1990) thăm con cháu. Trong thời gian gần một tháng, ông đã kể lại toàn bộ những điều cơ bản về dòng họ Lưu ở làng Thuận An ( tôi coi đây là Gia phả bằng miệng), rồi ông về quê, một tháng sau ông qua đời. Theo cả hai Gia phả nói trên, tôi xin ghi lại như sau:

  1/ Sơ Tổ: là Lưu Thúc Kiệm sinh năm 1373 và mất ngày 8 tháng chạp năm 1434 (giỗ Họ Chi trên vào ngày 8 Chi dưới vào ngày 9 tháng chạp). Cụ Sơ tổ đỗ Đệ nhất Thái học sinh khoa thi Thánh Nguyên 1 năm 1400 đời Hồ Qúy Ly (Triều Hồ không có danh trạng nguyên như triều Trần. Sau này các nhà sử học gọi Cụ là Trạng nguyên. Trong danh sách các Trạng nguyên Việt Nam: 1. Lê văn Thịnh …17. Lưu Thúc Kiệm). Cùng khóa này đỗ đệ nhị Thái học sinh có Nguyễn Trãi, Vũ Mộng Nguyên, Lý Tử Trần ….( Những nhà khoa bảng VN trang 56) .  

 

   Cụ Trạng làm quan đến chức vụ Trực Hàn lâm Đại học sĩ đời Hồ Qúy Ly và Hồ Hán Thương tại thành Nhà Hồ. Khi Nhà Hồ diệt vong, Cụ ẩn cư ở vùng sơn cước Thanh Hóa, sau đó về quê xã Trạm Lộ, huyện Gia Định (không phải huyện Gia Bình), Phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Nay là thôn Thuận An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mộ của Sơ tổ được xây lại to đẹp, hoành tráng tại quê nhà.

 

   2/ Cao tổ : Lưu Thúc Khiêm (gia phả truyền miệng) Cụ là con bà vợ thứ hai của Cụ Lưu Thúc Kiệm ( sinh năm  1403) Cụ Khiêm không tiến thân bằng con đường khoa cử vì thời loạn, mặc dù Cụ thông minh, học giỏi. Năm 1426 khi tướng quân Lưu Nhân Chú tiến quân ra lộ Khoái Châu , Bắc Giang , Lưu Thúc Khiêm đã đăng quân theo Lưu Nhân Chú đánh quân xâm lược nhà Minh. Năm Kỷ Tỵ (1449) làm quan chức Thị Ngự sử, sau làm chức Đài quan triều Lê Thánh Tông. Thời gian này ông đã cùng tiến sĩ Nguyễn Cự Đạo ( đồng hương Gia Định tức Thuận Thành) đang là Gíám sát Ngự sử dâng sớ hoạch tội bọn Cao Doãn Cung, Trình Hoàng Nghị…Tham quyền cố vị, vô liêm sỉ …Làm số quan này phải từ chức…  Năm 1451 được ban họ Vua là  Lê Khiêm…(ĐVSKTT)

 

   3/ Viễn tổ: Lưu Thắng Ân sinh năm 1468 là cháu của Cụ Lưu Thúc Kiệm, không thấy ghi cụ thể, nhưng truyền miệng là con của em ruột cụ Lưu Thúc Khiêm, năm 1493 thi đỗ Đệ tam cấp Tiến sĩ niên hiệu Hồng Đức 24 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Đô cấp sự Trung. (Những nhà khoa bảng VN trang 207)

 

   4 / Con của Lưu Thắng Ân là Lưu Doãn Trung sinh năm 1501, lấy vợ rồi sống ở quê vợ xã Vương Xá, huyện Siêu Loại (nay là thôn Nghĩa xá , xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, cách quê sinh khoảng 4 cây số). Lưu Doãn Trung đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh(thám hoa) khoa Bính Tuất niên hiệu Thống nguyên 5 (1526) đời Lê Cung Hoàng làm quan tới chức Thị Lang (Ghi lại theo Gia Phả, theo “ Những nhà khoa bảng Việt Nam trang 314 và ĐVSKTT) …

 

   Do chiến tranh việc bảo quản Gia phả không tốt nên có nhiều trang bị rách nát không thể phục hồi ! Xin ghi tiếp đoạn sau Chi của tôi là Chi thứ 2 :

 

   Cao tổ Lưu Qúy Công, tự Phúc Cối ,Cụ sinh được 5 người con : ba trai và hai gái :

 

1.Chị cả Lưu Thị lấy chồng họ Vương cùng làng

2.Lưu Phúc Kế  

3.Lưu Phúc Đối

4.Lưu Phúc Chi

5.Lưu Thị con gái út

 

    Cụ cao của tôi là Lưu Phúc Kế, sinh được năm người con, trong đó có Cụ cố của tôi tự Viễn Xuân, Cụ cố của tôi hạ sinh được năm con, yểu tử một còn bốn, trong đó có Ông nội tôi Là Lưu Văn Tiếp tự Đức Quang  là nhà Nho dạy chữ Hán ở Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên. Ông lấy vợ tại Văn Lâm, Hưng Yên,  sinh được bốn người con, phụ thân tôi là con thứ ba tên là Lưu Xuân Triệu tự Quang Phượng, ông sinh 1915, tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1945, mất năm 1990. Người vợ đầu phụ thân tôi là Nguyễn thị Sâm sinh năm 1921, quê gốc Hà Đông, sau lên Hà Nội làm ăn, bà là bạn của Lưu thị Yến (sinh năm 1921) tức nữ sỹ Thụy An. Mẹ lớn của tôi mất năm 1940, tôi là con bà kế người họ Đào ở Cẩm Giang, Hải Dương . Bố tôi có năm người con yểu tử một còn bốn người, anh em tôi mỗi người mỗi phương, chỉ có một người sống ở gần quê, thị trấn Hồ (làng tranh Đông Hồ) …

 

   Họ Lưu ở làng Thuận An, xã Trạm Lộ đã đi khắp mọi nơi. Từ sau khi quan Thị Lang Lưu Doãn Trung không chịu làm quan cho nhà Mạc, con trai thứ của Cụ có hai người đã vào đàng trong tại Nghệ An, Quảng Bình (năm 1530), dòng này phát triển ở Quảng Trị, Quảng Nam. Hiện nay, nhiều người dòng họ Lưu nguồn gốc Thuận An đã lập nghiệp đang sinh sống ở Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng, Bình Định, TP Hồ Chí Minh…

 

Tôi là hậu duệ Đời thứ 16 của Sơ tổ Lưu Thúc Kiệm, rất mong được những ý kiến trong dòng Lưu Tộc để có thể làm một Gia phả ngày càng hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn quý vị thân bằng Dòng Tộc họ LƯU.


 Lưu Xuân Thanh

      Thông tin liên hệ :

      Lưu Xuân Thanh : ĐTDĐ : 0919.679.579, ĐTCĐ 0563.848.087

      Email: luuquangthaibd@gmail.com    

Lưu Xuân Thanh


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)