Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Phú Thọ.
Đăng ngày 10/10/2013
E-mail     Bản in

HỌ LƯU VIỆT NAM VỚI HÙNG VƯƠNG KIM NGỌC PHẢ
(LUUTOC.VN) - Trong dịp khảo sát họ Lưu vùng Cố đô Phong Châu – Việt Trì, Phú Thọ, Đoàn nghiên cứu Họ Lưu Việt Nam đã thu nhận được bản “Hùng Vương Kim Ngọc bảo dám thực thục” do Cụ Lê Đức Đỗng, nguyên Chủ tịch UBKCHC xã Lâu Thượng (huyện Hạc Trì, nay là TP Việt Trì) tỉnh Phú Thọ sưu tầm và dịch xong 13/7/1974)[1]. BBT LUUTOC.VN trân trọng giới thiệu tới quý đồng tộc Họ Lưu, vì bản này nhiều năm đã được giới thiệu tại BQL Di tích Đền Hùng và còn có nhiều dữ liệu, cần được xem xét kỹ hơn, như Phật giáo xuất hiện tại Việt Nam từ thời Hùng Vương thứ 7, Thục Phán có mưu đồ chiếm nước Văn Lang từ thời Hùng Vương thứ 17, thành Cổ Loa được xây và nỏ thần Cao Lỗ được chế tạo từ thời Hùng Vương thứ 18...


Rước Lễ trước cổng đền Hùng 
LỜI NÓI ĐẦU[2]

Đây là cuốn Hùng Vương Ngọc phả của thôn Cá Đô, xã An Đạo, huyện Phù Ninh do vị Lý trưởng xã ấy tên là Hoàng Văn Nhị phụng lĩnh chính bản ở Huyện về thừa sao. Vị Tú tài lĩnh bang biện huyện là Nguyễn Đình Phụng khảo, vị Sỹ nhân là ông Hoàng Văn Chứ phụng tả vào ngày Tốt, tháng Mạnh Thu, năm Ất Dậu, niên hiệu Hàm Nghi năm đầu, triều đại nhà Nguyễn.

Tác giả của bản Ngọc phả này là quan Hàn lâm Học sỹ Sung Quốc Tử Giám Nguyễn Đình Chấn, Ban giám khảo bản Ngọc phả này là ông Lễ bộ Tả Thị lang - thần Phạm Quỹ, Hình bộ Tả thị lang- thần Nguyễn Hanh, Binh bộ Tả thị lang - thần Trương Quốc Hoa, Binh bộ Hữu thị lang- thần Phạm Quĩ, Hình bộ Tả thị lang - thần Vũ Hồn, Quang lộc tự khanh Biện lý Lễ bộ sự vụ Lê Thiện, Hồng Lô tự kiêm Biện lý hộ, Bộ sự vụ - thần Mai Đức Thường, Lễ bộ lang Trung biên, Lý bộ vụ - thần Nguyễn Đức Tân. Quyển Ngọc phả này gồm 12 chương.

Chương I: Nói về căn nguyên họ Hồng Bàng.

Chương II: Nói về sử ký nước Việt Nam (trong chương này kể về 18 đời Vua Hùng, mỗi đời húy hiệu nhà vua và thị phi, hoàng tử, công chúa, thời gian vua trị vì, mồ mả v.v.
Đặc biệt, trong chương này đã nói đến lễ giáo, chính trị, văn hóa, thuế khóa, binh lính thời đó như thế nào. Trong đời vua nào có giặc ngoại xâm cũng được ghi rõ.

Chương III:  Nói về 3 ngôi đền thờ trên núi Hùng Vương

Đền Thượng thờ những vị nào
Đền Trung thờ những vị nào
Đền Hạ thờ những vị nào

(Các chương 1, 2, 3 ghi năm Thiên Phúc nguyên niên, tháng Giêng ngày 25 thuộc thời đại Lê Đại Hành ghi chép lưu lại).

Chương IV: Nói về tôn lăng các vua nhà Hùng táng ở nơi nào và những đâu phụng sự, kể sự cầu đảo thiên địa thần kỳ theo truyền thuyết duy thần hư hay thực, phần nào đã có khoa học nghiên cứu. Cứ theo Ngọc phả mà dịch cho có liên tục.
Chương V: Nói về các vua nhà Hùng du lịch ở các nơi trong nước mà quan sát hình thế phong thủy.
Chương VI: Nói về một bọc 100 trứng sinh ra 100 con trai sinh trưởng thế nào, đặt tên 100 con trai, phân chia chấn tự những đâu.
Chương VII: Nói về sự tích Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân khi thành công rồi đi đâu.
Chương VIII: Nói về đời vua nào có ai cho vuốt rồng và ngọc thiên bảo để làm ấn kiếm.
Chương IX: Nói về Sơn Tinh và Thủy Tinh thi tài diễn võ dương oai để lấy Mị Nương công chúa con gái vua Hùng Vương đời thứ 18.
Chương X: Nói về Kim Quy tuốt móng chế làm lẫy nỏ.
Chương XI: Nói về đời cuối nhà Hùng nhường nước cho Thục Phán.
Chương XII: Nói về nguyên thủy từ Trung quốc truyền sang Việt Nam liên tục thế nào. Sáng lập pháp chế ảnh hưởng đối với nhân dân, quan hệ thế nào.
Đây là bản dịch từ bản chữ Hán, chắc chắn bản dịch này cũng còn nhiều thiếu sót, xong đây há chẳng phải là một sự đóng góp tích cực vào việc tìm hiểu Tổ tiên ta đó sao.

 

Vua Hùng – vị Vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, “Thánh Vương ngàn đời của Cổ Việt” 

VIỆT NAM HÙNG VƯƠNG NGỌC PHẢ

(Sưu tầm Ngọc phả truyền lâu đời dòng dõi, cháu chắt ức muôn năm, hương hỏa thường kính trùng tôn, từ điển theo dõi chép họ Hồng Bàng; Dịch 13 tháng 7 năm 1974 – Lê Đức Đỗng).

 

Chương 1:

Nói về căn nguyên họ Hồng Bàng

Nguyên trước kia họ Hồng Bàng lăng phần Tổ mộ táng ở núi Côn Lôn[3] nơi Thiên Thọ Bắc thành nước đại quốc Trung Hoa, lấy ngũ hồ, đại hải Nam Sơn làm Minh Đường triều hội. Xưa Viêm Đế là Cháu Huyền Tôn đời thứ 3 của Vua Viêm Đế họ Thần Nông, từ đời Hy Hoàng về sau truyền ngôi chính thống Nam bang, lưu để lại mãi cho con cháu về sau. Vua Đế Minh chính thống muôn bang, chư hầu thiên hạ, ở ngôi vua 130 năm, sống lâu 173 tuổi mệnh Giáp Tý; Sinh ngày 15 tháng 11, mất ngày 01 tháng Giêng năm Giáp Ngọ. Sinh con trưởng là Đế Nghi năm Nhâm Tý, sinh con thứ là Lộc Tục, phong là Kinh Dương Vương sang trị quận Giao Chỉ phương Nam.

Chương 2:

Nói về sử ký nước Việt Nam

Đời thượng cổ gọi là Giao Chỉ, đổi là Động Xích Quỉ, sau gọi là nước Xích Quỉ, đến nay gọi là nước Đại Việt. Kinh Dương Vương phó nhậm tự từ ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tuất, bắt đầu khâm túc đi tuần du núi Ngũ Lĩnh[4], gọi là động Bạch Hổ, Tỉnh Vân Nam ngày nay.

1- Càn chi: Vua Kinh Dương Vương[5], húy Lộc Tục làm vua được 250 năm, thọ 271 tuổi mệnh Nhâm Tý; Sinh ngày 04 tháng Giêng, sau hóa sinh về hồ Bể Động Đình[6]. Sánh cùng Đế Quân Vụ Tiên nữ, sinh con trưởng là Sùng Lãm phong là Lạc Long Quân (tức Hiền Vương) tuổi Bính Thìn; rồi sau chính trị phương Nam.

Kính Dương Vương có 6 cung phi, sinh được 24 hoàng tử, 12 công chúa, dòng dõi nòi giống 36 chi, sinh cháu chắt 592 người. Khi trị nước được các chư hầu đều phục, bách nam tứ di đều phải đến chầu. Tám cõi trong phương quận cùng hưởng phúc thái bình, toàn quốc không ai phải góp hướm, toàn dân không ai là người lừa dối.

Thúy hiệu: Hùng Dương Vương Cao Hoàng Thái Tổ Đức Tông Hoàng Đế.
Mỹ tự trung phong: Hùng Vương Thánh Tổ Đức Tông Thánh Vương.

2 - Khảm chi: Hùng Hiền Vương, húy là Sùng Lãm làm vua được 269 năm, thọ 506 tuổi, mệnh Bính Thìn; sinh ngày Mồng 5, tháng 5; mất ngày Mồng 9, tháng Giêng, hóa sinh về bể làm Thủy tiên Động Đình Long Quân Đế Vương. Vua Hiền Vương lấy bà Âu Cơ, nước Âu Lạc tức là con gái thứ của vua Đế Lai ở núi Nghĩa Lĩnh sinh ra một bọc 100 trứng nở ra 100 người con trai. Ông là Thủy tổ Bách Việt nước Văn Lang[7] ban đầu mở ra gây dựng hồng đồ, có 9 cung phi sinh được 118 hoàng tử, 19 công chúa, dòng dõi con cháu 137 chi, sinh ra cháu chắt 3.599 người. Việc trị nước đều có thiên khí thần phương thiên hạ, xưa nay chưa bao giờ có; nảy sinh 100 hoàng vương, xuất trị một nước, 100 khu đều gọi là 100 họ (Bách họ).

Thụy hiệu: Hùng Hiền Vương, Cao Hoàng Thái Tổ, Quốc Tông Quang Hưng Hoàng Đế.
Mỹ tự trung phong: Hùng Vương Đại Bảo Tiên Hoàng Đế, Khai Quốc Hồng đồ Nam Triều, Thượng Thánh, Tiền Đại Đế Vương Thánh.

 
Đền thờ Lạc Long Quân

3- Cấn chi: Hùng Quốc Vương, húy Lân Lang, làm vua được 217 năm, thọ 767 tuổi, mệnh Canh Ngọ. Giờ Ngọ ngày 5 tháng 5, sinh trăm vương đến sau cũng cùng năm Canh Ngọ, đúng vào giờ Thìn ngày 12 tháng 3 thì trăm vương đều hóa, các tôn vương cùng hội tại điện, 50 vương theo cha, 50 vương theo mẹ. Tý Ngọ cùng hiệp, Hùng Quốc Vương là đầu trăm vương, trong đó truyền 18 vương trị nước, có 12 cung phi, sinh 33 hoàng tử, 18 công chúa, sinh con trưởng là Nghĩa Vương nhường ngôi trị nước, 51 chi, sinh 900 cháu chắt. Ban ngày lên trời hóa sinh bất diệt vào giữa giờ Ngọ, Mồng 5 tháng 5, lên ngồi đỉnh núi, theo mây 5 sắc lên không, hóa thành thần, muôn đời phụng sự.

Thúy hiệu: Hùng Quốc Vương Thượng Thánh Tông Nguyên Triều Hoàng Đế.
Mỹ tự truy phong: Thánh Tổ Hùng Vương Nam Thiên Thượng Thánh Tiền Hoàng Đế, Khai Quốc Hồng đồ, Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng Thị Nhất Thập Bát Đế Thánh Vương.

4- Chấn chi: Hùng Nghĩa Vương, húy Bảo Lang, làm vua 300 năm, thọ  546 tuổi, mệnh Tân Mùi; sinh vào giờ Mão, ngày Mồng 6 tháng Giêng; mất vào giờ Ngọ, ngày Mồng 5 tháng 5; hóa sinh bất diệt, thành Kim Tiên Thượng Giác ở trên Ngọc Khuyết cai quản 3.000 Tiên chúa, sinh con trưởng là Hy Vương nhường ngôi truyền 8 đời vương trị vì. Vương có 24 cung phi, sinh 49 hoàng tử, 20 công chúa, cháu chắt dòng dõi 69 chi, cộng 1.591 người, cháu chắt đều trị vì thiên hạ trăm họ thần dân, không ai phải nộp thuế khóa, không phải động đến việc binh qua, trọng nhất là việc làm ruộng, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải là việc gốc làm ăn giàu có, bốn bể thiên hạ thịnh mạnh, mỗi xuất nhân đinh 36 đồng tiền tại cửa điện nhà vua.

Thúy hiệu: Hùng Nghĩa Vương Thần Tông Ân Trạch Hoàng Đế.
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Viễn Sơn Thánh Vương Ân Trạch Phổ Huệ Thánh Vương.

5- Tốn chi: Hùng Hy Vương, húy Viên Lang, làm vua 200 năm, thọ 599 tuổi, mệnh Đinh Mão; sinh ngày 15 tháng 2, mất ngày 20 tháng 5; sinh con trưởng là Hoa Vương, nhường ngôi truyền 5 đời vua trị vì.

Khi Vua trị vì có 36 cung phi, sinh 52 hoàng tử, 9 công chúa, cháu chắt dòng dõi 61 chi, sinh được 1.600 người. Lúc Vua trị nước được thái bình, dân không lừa dối, thiên hạ yên mạnh, mỗi người lính hộ theo phép cứ phải nộp 36 đồng tiền.

Thụy hiệu: Hùng Vương Cao Tông Trị Thăng Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Ất Sơn Thánh Vương Trị Thăng Công Bình Hoàng Đế.

6- Ly chi: Hùng Hoa Vương, húy Pháp Hải Lang, làm vua 81 năm, thọ 580 tuổi, mệnh Mậu Tý; sinh ngày 18 tháng 5; mất ngày 7 tháng Giêng, lên trầu giời; Sinh con trưởng là Huy Vương.

Đức Hoa Vương có 48 cung phi, sinh 33 hoàng tử, 19 công chúa, con cháu dòng dõi 52 chi, được 699 người, làm vua trị vì thiên hạ, noi theo phép cũ mỗi người góp 36 đồng tiền nộp cho nhà vua sửa lễ cầu trời, Huy Vương nghe nịnh thần, nên trời sinh ra giặc Ân phương Bắc sang xâm lăng.

Thụy hiệu: Hùng Hoa Vương Bảo Tinh Minh Vương Hoàng Đế.
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Bạch Việt Thần Linh, Năm Thiên Đại Bảo Nhân Viên Minh Vương Thánh Vương.

7- Khôn chi: Hùng Huy Vương, húy Long Tiên Lang, làm vua 200 năm, thọ 692 tuổi, mệnh Tân Dậu; sinh ngày 10 tháng 10; mất ngày 15 tháng 7, hóa sinh ở Trung điện, thành Tiên bất diệt; lấy nàng Ngọc Tiên ở núi Tam Đảo làm Hoàng phi Chính khôn. Sinh con trưởng là Minh Vương, nhường ngôi truyền 5 đời vua trị vì.

Huy Vương lại truyền thêm cho 7 đời vua trị vì; có 60 cung phi, sinh 23 hoàng tử, 36 công chúa, con cháu dòng dõi 59 chi, sinh được cháu chắt 750 người, lúc vua trị thiên hạ được thái bình, chư hầu đều phải phục, nhân dân không có trộm giặc, thuế khóa không thu, dân đinh mỗi xuất chỉ phải góp 18 đồng tiền nộp kho.

Thụy hiệu: Hùng Huy Vương Thái tông Nhân Minh Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Hiển Đức Nhân Minh Quang Thân Thổ Hóa Thánh Vương.

8- Đoái chi: Hùng Minh Vương, húy Thừa Vân Lang, làm vua 100 năm, thọ 642 tuổi, mệnh Nhâm Thìn; sinh ngày 15 tháng 7; mất ngày 11 tháng 10, lên trầu trời; sinh con trưởng là Chiêu Vương, nhường ngôi truyền 5 đời vua trị vì.

Minh Vương có 29 cung phi, 31 hoàng tử, 16 công chúa, con cháu dòng dõi 47 chi, sinh được cháu chắt 579 người, trị thiên hạ được thái bình, dân đinh mỗi xuất chỉ phải nộp 24 đồng tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Vĩ Vương Hiển Tông Duệ Chí Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Thánh Văn Thần Võ Duệ Chí Đức Thánh Vương.

9- Giáp chi: Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Liêu Lang (còn gọi là Lang Liêu[8]), làm vua 80 năm, thọ 602 tuổi, mệnh Quý Tỵ; sinh ngày 22 tháng 8; mất ngày mồng 10 tháng 4, lên trầu trời; sinh con trưởng Uy Vương nhường ngôi.

Chiêu Vương có 46 cung phi, sinh 33 hoàng tử, 9 công chúa, con cháu dòng dõi 42 chi, sinh được cháu chắt 559 người, trị vì thiên hạ được thái bình, dân đinh theo phép cũ của tiên vương chỉ phải góp 36 đồng tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Chiêu Vương Minh Tông Thần Công Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Dương Long Nghĩa Lĩnh Thần Công Dũng Lược Thánh Vương.

10- Ất chi: Hùng Uy Vương, húy Hoàng Hải Lang, làm vua 90 năm, thọ 512 tuổi, mệnh Giáp Ngọ; sinh ngày 15 tháng 11; mất ngày 6 tháng 8, lên trầu trời; Sinh con trường là Trinh Vương, nhường ngôi truyền 3 đời vua trị vì.

Uy Vương có 40 cung phi, sinh 29 hoàng tử, 30 công chúa, con cháu dòng dõi 59 chi, sinh được cháu chắt 434 người, trị vì bốn bể trong thiên hạ được an sinh, dân đinh theo lệ tiên triều, mỗi xuất phải góp 36 đồng tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Uy Vương Hùng Tông Xuân Vương Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong:  Hùng Vương Hùng Đức Chiêu Nhân Quang Hiếu Xuân Vương Thánh Vương.

11- Bích chi: Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, làm vua 107 năm, thọ 514 tuổi, mệnh Canh Tuất; sinh ngày 23 tháng 8; mất ngày mồng 2 tháng Giêng, lên trầu giời; sinh con trưởng là Vũ Vương, truyền 4 đời vua trị vì.

Trinh Vương có 36 cung phi, sinh 46 hoàng tử, 18 công chúa, con cháu dòng dõi 64 chi, sinh được cháu chắt 409 người, trị nước bình an, trăm họ thần dân không ai phải góp thuế, không phải binh giáp, cứ mỗi xuất đinh chỉ phải nộp 9 đồng tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Trinh Vương Đức Tông Minh Bảo Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Hiểu Liệt Thanh Trí Thai Dong Minh Bảo Thánh Vương.

12- Đinh chi: Hùng Vũ Vương, húy Hiền Đức Lang, làm vua 96 năm, thọ 496 tuổi, mệnh Bính Thân; sinh ngày 14 tháng 4; mất ngày 15 tháng 4, lên trầu giời; sinh con trưởng là Việt Vương, truyền 3 đời vua trị vì.

Vũ Vương có 25 cung phi, sinh 50 hoàng tử, 6 công chúa, con cháu dòng dõi 56 chi, sinh được cháu chắt 305 người, trị trong nước được thanh bình, trăm họ man di đều cung phục, mỗi xuất đinh chỉ phải góp 6 đồng tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Vũ Vương Thánh Tông Thượng Giác Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Hoàng Thượng Đại Giác thần Trí Thánh

13- Mậu chi: Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, làm vua 105 năm, thọ 502 tuổi, mệnh Kỷ Hợi; sinh ngày 10 tháng 10; mất ngày 15 tháng 11 lên trầu giời; sinh con trưởng là Định Vương truyền 5 đời vua trị vì.

Việt Vương có 31 cung phi, sinh 27 hoàng tử, 30 công chúa, con cháu dòng dõi 57 chi, sinh cháu chắt được 541 người, trị vì nước được thái hòa, dân không lừa dối, dân đinh mỗi xuất phải góp một tiền vào kho.

Thụy hiệu: Hùng Việt Vương Huy Tông Quang Phúc Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Thiên Tâm Quang Phúc, Ngọc Tướng Linh Ứng Thánh Vương.

14- Kỷ chi: Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, làm vua 99 năm, thọ 386 tuổi, mệnh Bính Dần; sinh ngày 17 tháng 5; mất ngày 25 tháng 10, lên trầu giời; Sinh con trưởng là Triều Vương, truyền 3 đời vua trị vì.

Định Vương 18 cung phi, sinh 18 hoàng tử, 22 công chúa, con cháu dòng dõi 40 chi, sinh được cháu chắt 309 người, trị vì nước được thái bình, bốn bể minh tỉnh, dân đinh đóng thuế mỗi người nộp một tiền vào kho.
Thụy hiệu: Hùng Định Vương Quốc Bảo Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Quốc Bảo Tuyên Đức Thần Công Thượng Trí Thánh Vương.

15- Canh chi: Hùng Triều Vương, húy Kinh Triều Lang, làm vua 94 năm, thọ 286 tuổi, mệnh Quý Sửu; sinh ngày 4 tháng Giêng; mất ngày mồng 9 tháng 9, lên trầu giời. Sinh con trưởng là Tạo Vương, nhường ngôi truyền 3 đời vua trị vì.

Triều Vương có 60 cung phi, sinh 40 hoàng tử, 16 công chúa, con cháu dòng dõi 56 chi, sinh cháu chắt được 399 người, trị việc nước trong thiên hạ được thái bình, dân đinh đóng mỗi xuất 18 đồng tiền nộp kho.

Thụy hiệu: Hùng Triều Vương Nhân Tông Quang Đức Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Nhân Chiêu Quang Đức Thần Trí Đại Nguyên Thánh Vương.

16- Tân chi: Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, làm vua 92 năm, thọ 273 tuổi, mệnh Kỷ Tị; sinh ngày 25 tháng 12; mất ngày mồng 9 tháng 9, lên trầu giời; Sinh con trưởng là Nghị Vương, truyền 3 đời vua trị vì.

Tạo Vương có 26 cung phi, sinh 30 hoàng tử, 7 công chúa, con cháu dòng dõi 37 chi, sinh cháu chắt được 390 người, trị nước được thái bình, trăm họ thần dân giàu đủ, cứ đinh mỗi xuất góp một trăm đồng tiền đem nộp kho.

Thụy hiệu: Hùng Tạo Vương Kính Tông Thiên Bảo Tiên triều Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Thánh Tổ Nam Thiên Đại Bảo Tiên Triều Thánh Vương.

17- Nhâm chi: Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, làm vua 160 năm, thọ 217 tuổi, mệnh Ất Dậu; sinh ngày 15 tháng 8; mất ngày 11 tháng 8, lên trầu giời; Sinh con trưởng là Duệ Dương, truyền 4 đời vua trị vì.

Nghị Vương có 39 cung phi, sinh 22 hoàng tử, 15 công chúa, con cháu dòng dõi 37 chi, sinh cháu chắt được 291 người, trị nước thịnh bền, dân đinh đóng mỗi xuất 3 tiền đem nộp kho, ruộng mỗi mẫu đóng thuế 10 đồng tiền, cứ 50 đinh thì lấy một xuất đi lính.

Thụy hiệu: Hùng Nghị Vương Thụy Tông Nam Triều Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Hoàng Bảo Thánh Tổ Nhân Hoằng Huệ Đức Thánh Vương.

18- Quế chi: Hùng Duệ Vương, húy Huệ Đức Lang, làm vua 115 năm, thọ 227 tuổi, mệnh Canh Thìn; sinh ngày mồng 3 tháng 3; mất ngày mồng 5 tháng 5, hóa sinh cùng với rể hiền là Đức Thánh Tản Viên Sơn cùng ban ngày lên Thượng điện Trời thành Tiên, sinh bất diệt, tung tích muôn đời làm Thánh Vương, Thiên Vương rất thiêng, đứng đầu Thượng đẳng bách thần, truyền 5 người con trị vì. Trước truyền ngôi cho con trưởng là Kính Vương, nhường ngôi được 6 năm trị vì, Kính Vương mất, sau truyền ngôi cho con thứ là Cảnh Lang Nhiếp Thống, trị nước được 10 năm thì Cảnh Lang mất, sau lại truyền cho cháu hiền ở ngôi vua được 3 năm lại mất. Duệ Vương lại truyền cho rể hiền là đức Tản Viên lên cầm chính, gá ngôi vua, thay mệnh vua cha, cầm quyền chế tác, bình trị thiên hạ trong khoảng 10 năm. Cha con cùng lòng, muốn thành Thượng Tiên, hiểu biết đại pháp thần thông, hưởng Thiên Tiên muôn đời bất diệt, bèn nhường ngôi cho Thục Dương Vương là hàng tôn điệt Hùng Vương. Trước kia là tông phái của Hoàng đế, mà là cháu thứ 19 của bộ chủ phụ đạo vậy.

Duệ Vương có 100 cung phi, say đắm về tửu sắc, sinh 20 hoàng tử, 6 công chúa, dõi dòng hoàng tôn 26 chi, sinh chắt được 194 người, còn đến như trị việc đời đã hết vận cuối nhà Hùng, nên 20 người con giai và 4 người con gái đều chết, không có ai là người có con để nối ngôi trị vì. Chỉ còn có 2 người con gái: một người tên là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa, gả cho ông Chử công Đồng Tử thành Tiên bất diệt, một người tên là Mỵ Nương Ngọc Hoa công chúa, gả cho Đức Tản  Viên Sơn Tinh, sau truyền ngôi cho hiền quân tế, trị nước được 10 năm, rồi ngường ngôi cho Thục An Dương Vương thế vị. Duệ Vương cùng với Đức Tản Viên Sơn Tinh, cha con cùng ngày thành Tiên, hóa sinh bất diệt, muôn đời xưa nay không bao giờ Thiên hạ có được bậc Đại Thánh minh quân như lúc này vậy.

Thụy hiệu: Hùng Duệ Vương Thiên Tông Minh Vương Hoàng Đế
Mỹ tự truy phong: Hùng Vương Thần Linh Hải Đức Minh Vương, Tam Triều Thánh Vương.

Tảo lên gồm 18 đời nhà Hùng, ngọc tỷ và ấn tín chao truyền đại bảo trong khoảng 180 đợt, nhường nhận ngôi đế vương, một mối non sông, xa thư trị nước, xây dựng 120 thành điện.

Phàm Thánh Vương 18 đời lâu năm kỷ trị, di truyền cho các Thánh Tử Thần Tôn, làm đế vương trong các triều đại hưởng nước, cộng 2.650 năm, thọ 8.618 tuổi, sinh ra 986 chi hoàng tôn công chúa, sinh được cháu chắt dòng dõi cộng 14.370 người, trị vì ở nước Nam, từ đầu non góc bể, muôn đời trường tồn, vững bền bất tuyệt, lâu bền chẳng dứt.

Chương 3:

Cung điện đền Thượng

Vị giữa: Đột Ngột Cao Sơn Hiển Linh Thống Thủy Điện An Hoằng Tế Phổ Hóa Minh Túc Hậu Ứng Quảng Huệ Oai Cảm Diễn Đức Thịnh Công Thánh Vương[9].
Vị Tả: Viễn Sơn Thánh Vương[10].
Vị Hữu: Ất Sơn Thánh Vương[11].

(Ảnh Đền thượng, đền Hùng)
Đền Thượng thờ Đột Ngột Cao Sơn Thánh vương ở gian giữa

Cung điện đền Trung:
Vị giữa: Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Thế Thánh Vương.
Vị Tả và vị Hữu cũng như cung điện đền Thượng.
Cung điện đền Hạ:
Vị giữa và vị Tả, vị Hữu tự hiệu cũng như cung điện đền Trung.
Niên hiệu Thiên Phúc năm đầu, tháng Giêng, ngày 25, thuộc về đời vua Lê Đại Hành ghi chép (năm 980).

Lâu Thượng, ngày 4 tháng 7 năm 1974, dịch theo như nguyên văn chữ Hán trong quyển Hùng Vương Bảo Dám Thực lục. Dịch giả Lê Đức Đỗng.
 
Chương 4:

Bài diễn tả về các đời vua nhà Hùng

Nguyên có muôn phái vực sâu, thành sông dài bể rộng, nhờ có nhân ân đấng Tiên vương muôn đời xây đắp, lưu để Tôn xã ức muôn năm bình trị, nước thịnh lắm thay!

May cho Ta vâng mệnh trời, thấm đức lớn, ngóng nhờ Tổ tông chứa đức bằng nhân, cùng với trời đất non sông đến như thế đó!

Nghĩ đến nhà Hùng gây non nước Nam Việt ta, dựng nghiệp lớn đế vương, trời cho người về, các nơi đều phục, đặt ra thứ trị trăm quan trong triều, định muôn dân, xưng quốc hiệu, đặt trăm vua, hàng trăm họ, dựng nước đắp thành, chia quan cai trị, mạnh mẽ mười hộ, đều giữ một phương, định phân chức vị, đặt ra phủ huyện xã, châu, trang, động trại sách, làm cho nước có căn bản, thiên hạ mới nên. Dân chính nhất là: cày ruộng, đào giếng, chăn tằm, dệt vải làm cho dân giàu, binh mạnh, khiến cho muôn dân biết cái gốc lớn là bảo đảm sự sinh sống. Cho nên Quốc triều đặt ra thành sách gọi là Nam Thiên đại bảo lục, lưu để cho con cháu dòng dõi về sau. Đến như việc trị nước, truyền cho người hiền thay thế, kẻ bất tiến thì không truyền. Sự tích này không thể hứa hẹn cho ai biết được. Nếu cho là thường, tiết lộ thiên thư, thì nước lớn phải trái do ở con người đó thôi.

Trước kia, Đức Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ Nam Thiên đại bảo tiền Hoàng đế, Thủy Tổ khai quốc ra nước Việt Nam ta rộng lớn, do tự đời nhà Hùng, 18 đời vua gây dựng. Đấng Thánh Vương ngự trị, khai sáng nên nước Việt hùng đồ, một dòng nước biếc, mở nên vận Thánh Đế Minh Vương, muôn dặm núi xanh, sáng lập nên Thành đô bảo điện. Nhân vật mở mang, tám mươi lăm hộ, cõi bờ thế mạnh, sáng soi của bản cõi Viêm hồng; Vua tôi trị nước hơn hai nghìn năm, bàn đá vững bền, hiển ứng thiêng liêng nơi Nghĩa Lĩnh. Truyền Đế Vương trăm đời đất Việt; ngự ức năm điện Thánh núi Hùng. Đất Tổ phương Nam, bản đồ đất nước; bền vững muôn năm, dài lâu thiên cổ. Miếu điện thần cung Thượng, Trung, Hạ mọi cổ tích lưu truyền.

Các nơi trong nước phụng sự như sau:
Xã dân ở phủ Lâm Thao và 5 huyện phụng sự: Chính điện Hoàng Đế ở  Phong Châu gọi là Kim Điện, Bảo Điện và 9 ngôi Tôn lăng chôn ở đầu núi Ngũ Lĩnh.
Phủ Tam Đái, huyện Phù Khang, huyện Lập Thạch phụng sự cung điện Bắc Thần cùng với Tôn lăng ở núi Nham Sơn, núi Lỗ Sơn, núi Bách Thôi và mọi nơi đầu núi.
Phủ Đoan Hùng, huyện Sơn Dương, huyện Tam Dương, huyện Tây Lan 3 huyện phụng sự Tôn lăng Hoàng Đế ở núi Tam Đảo, núi Bạch Long đầu, 2 huyệt Tôn Lăng ở Phù Nghĩa, Tây Thiên và Tôn lăng ở đỉnh núi Lịch Sơn, huyện Sơn Dương và Tôn Lăng ở dưới chùa trong núi, với một ngôi Tôn lăng ở bên Chằm.
Phủ Quảng Oai, huyện Bất Bạt, huyện Minh Nghĩa, 2 huyện phụng sự Tôn lăng ở trong núi Tản Viên và 3 huyệt Tư Hữu, với 6 huyệt Tôn lăng ở nơi ngoại núi Tản Viên.
Xứ Sơn Nam, huyện Nam Chân, xã Quận Anh phụng sự điện Tôn lăng và 3 huyệt ở Cửa Bể.
Xứ Kinh Bắc, huyện Tiên Du, huyện Tản Hoa, huyện Đông Ngàn 3 huyện phụng sự 9 huyệt Tôn lăng táng ở núi Sóc Sơn, núi Dương Sơn, núi Giác Sơn, núi Vạn Sơn, núi Tích Sơn, núi Bi Sơn và mọi nơi đầu núi.
Xứ Hải Dương, huyện Đông Hồ, huyện Hoa Phong 2 huyện phụng sự 3 huyệt Tôn lăng ở núi Yên Tử, núi Côn Sơn, sông Lục Đầu, núi Lập Chân, núi Châu Triều và 9 ngọn núi huyện Hoa Phong ninh táng.
Xứ Ái Châu, phủ Thiện Thiên, huyện Thụy Nguyên, huyện Tống Sơn 2 huyện phụng sự 3 huyệt điện Tôn lăng ở núi Lam Kim Sơn, núi Lạng Sơn, núi Tống Sơn.
Xứ Hoan Châu, phủ Đức Quang, phủ Hà Hoa 2 phủ và huyện Thiên Duyên, huyện Thạch Hà 2 huyện phụng sự đền, chùa 60 Tôn lăng ở Đô Thành cũ táng ở đầu núi Hồng Lĩnh, mọi nơi đều làm chùa, đặt tên 60 huyện ở núi Ngạn Hống, núi Thíu Lĩnh.

Châu Bố Chính, châu Hoành Sơn các trang động, sách phụng sự 9 huyệt Tôn lăng táng ở núi Long Đỗ, núi Tượng Sơn và ven bể thần đầu.
Mọi phủ huyện châu ở Quảng Nam, Phú Xuân, Qui Nhơn, Tây Sơn phụng sự 3 huyệt Tôn lăng ninh táng ở núi Ngọc Lĩnh, Tây Sơn, núi Bàn Sơn, núi Đà Sơn, đầu núi Thiên Thai ở trong có chùa Bảo Long.
Các trang, động sách thuộc 10 châu xứ Hưng Hóa phụng sự Tôn lăng 4 huyệt ở đầu núi An Lãng và 3 huyệt ở núi Phù Hoa.
Mọi trang, động, sách thuộc châu Chu Vật, châu Tụ Long, xứ Tuyên Quang phụng sự 3 huyện Tôn lăng ninh táng ở Bắc Tạ Điện ở núi Bảo Lạc, núi Côn Lôn.
Mọi trang, động sách thuộc châu Tam Thanh Sơn, phủ Cao Bằng phụng sự Điện Tôn lăng ở 2 huyệt núi Tam Thanh.
Xứ Thái Nguyên, phủ Thái Bình phụng sự Điện Tôn lăng ở 2 huyệt đầu núi Độc Tôn, núi Vạn Phẩm.
Mọi châu, trang, động, sách xứ Lạng Sơn phụng sự Điện Tôn lăng ở 2 huyệt núi Tứ Châu, núi Quỉ Mơn.
Hai xứ Quảng Đông, Quang Tây phụng sự Điện Tôn lăng ở 3 huyệt núi Kim Bảo, núi Đốc Long.
Tỉnh Phúc Kiến, nước Cao Miên, nước Hồ Tôn phụng sự điện Tôn lăng ở 2 huyệt núi Thái Lão, núi Cửu Long.
Ở Bắc quốc thì núi Ngũ Lĩnh, tỉnh Vân Nam, hồ Động Đình, núi Linh Sơn ở các bờ bể phụng sự Điện lục Tôn Trung Hoa, núi Tiều Trần có dựng điện ở đấy.
Này đây Ngọc phả gia truyền vua Hùng Vương, lưu truyền nghìn đời, con cháu dòng dõi truyền mãi cho đến các nhà đế tộc trải đời ở nước Nam, do tự Họ Hùng lưu lại. Trăm đời đế vương lần dấy lên ngôi, hưởng phúc to lớn.

Cứ theo thế hệ Hùng Vương, dựng nên non sông xã tắc nước Nam Việt, bày đặt ra long ngai, ngọc bệ, viết thành văn ước, gồm có những việc luyện thủy thổ, đúc kim bảo, tỷ phù, ấn kiếm, thêu tế kỳ, mở đô thành, dựng đài điện, đổi niên hiệu, đặt quốc hiệu, do tự họ Hùng sáng lập, phục vọng cầu đảo tế Thiên Địa Thần kỳ và lịch triều đế vương thành hoàng cho đến Thượng đẳng bách thần và đương cảnh thổ địa linh quan công đồng soi xét, giúp đỡ cho các đời vua dựng nước mở nền, trị yên thiên hạ, hưởng phúc thái bình. Nước Nam mọi nhà trải đời, dựng nên đế nghiệp, cho đến nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Trịnh, đế vương mọi triều ngự trị, cũng phải tưởng đến vua Kinh Dương Vương Thái Tổ Cao Hoàng Đế là một ông Vua Thánh Tổ mở đầu dựng nước; Khai hóa nhân vật, kính trời, phép tổ, văn vũ thánh thần, sánh tạo chế độ, giáo hóa muôn dân, thế hệ đời đời nối noi nghiệp lớn.


Đến sau các đời vua đi kinh lý lên đền núi Hùng Vương đều phải tế trời đất và các vị Tiền triều Đế vương cùng các bách thần, đăng quang bảo vị, lấy những trinh nữ, mỹ nương dòng dõi cháu chắt nguyên tộc họ Hùng, tiến làm phi tần, quốc hậu, cầu lấy nước thiêng giếng miếu, cầu tự hiển ứng. Trời sinh Thái tử hưởng nước lâu dài, hơn 500 năm thịnh trị, ngóng mong công đức Đế Vương. Đời đời gia phong, khâm ban kim sách, kim tiên, ngân tiên, bao phong gia tôn 4 chữ mỹ tự: Thánh Tổ tối linh Hộ quốc, và phụng tứ cho làng Trung Nghĩa Cổ Tích, xã Nghĩa Cương làm Trưởng Tạo lệ (Lang cai), gồm bao phong sắc mệnh cho các tôn điệt vua Hùng Vương, cho làm quốc tính, tự điển vương thân, cùng nước cùng vui, hưởng trăm lộc trời, ân rủ muôn đời, cùng với thiên địa, nhật nguyệt, sơn hà, dài lưu đế thất, không được trái Thiên Thư, thệ ước nước Việt. Nếu họ nào ở nước Nam làm vua, lên ngôi trị dân, không nghĩ đến công trước của Nguyên Thánh gây dựng ra cơ đồ, mà trái ước thề ấy, thì hưởng nước chẳng lâu, một đời làm trái.

 Từ Đế Vương xưa nay cho đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê mọi nhà trải đời làm vua chí tôn phụng sự. Từ trước Khang Vương là Hy Tổ họ Trịnh đi kinh lý, lòng trời chẳng ứng, oán trời trách người, chẳng kính thánh thần, tỉnh dảm các xứ phủ huyện xã, dân biệt cấp lương lính tô thuế, tiến nộp lưu trữ vào kho quán, chỉ để còn có phủ Lâm Thao, phủ Tam Đái 2 phủ và mọi huyện Sơn Vi, Phù Khang 5 tổng 18 xã dân để làm Tạo lệ, Thủ lệ, để phụng sự đền núi Hùng Vương. Hộ nhị làng Trung Nghĩa Cổ Tích, xã Nghĩa Cương, tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi làm Trưởng Tạo lệ (tức Lang cai) nối dõi hương hỏa tiếp giữ phụng sự. Thứ Tạo lệ thì  làng Vi Cương, Xuân Lũng, Hậu Lộc, Thạch Sơn.

Thủ lệ thì lang Tập Lục, Tiên Cương, Nghĩa Cương, Tru Khổng, Mai Đình, Thanh Mai, Vân Đợi. Thứ Tạo lệ thì làng Phù Khang, Phù Liễn; Thứ lệ thì làng Hương Nang, Phù Lỗ, Lỗ Trì, Việt Trì gồm 18 xã dân phụng sự. Cung miếu điện lệ của mọi vương, tôn phong trung sùng tự điển của các lịch đại Tiên Triều phụng tế, và tu lý điện vũ phụng tự.

Khâm ban cho các quan Trấn thủ trong bản xứ bắt lấy 2 phủ Lâm Thao, Tam Đái và các huyện, xã, dân lực dịch 3 năm là một kỳ tu lý, 6 năm một lần sửa sang cung điện đền chùa; và nghi vệ, tế khí, long kiệu, cờ, trống, tàn, quạt, chiêng, lệnh mọi đồ, ưng cho 2 phủ Lâm Thao, Tam Đái và các huyện, xã, dân, chiểu bổ đinh xuất, mỗi xuất phải nộp cổ tiền là 36 đồng cung vào việc sửa chữa, cần nhất là phải tố hảo trang nghiêm phụng sự, theo dõi cả năm từ tháng Giêng cho đến tháng Chạp, cứ lần theo kỳ tiết ngày sinh ngày giỗ biện lễ và những ngày phụng nghinh hội lệ, thị xướng nhập tịch, lễ tế ngày Đinh xuân thu, ngày Quốc tế.

Tiên triều khâm ban cho phụng ban quang, ban tiền sắm lễ tế yết, các chức dịch phủ huyện bản xứ và các quan nha ba tòa trong 5 phủ, 24 huyện phải chỉnh túc áo mũ trai thành Khiết Tỉnh, cứ lệ nhật kỳ, tựu tại cung miếu điện, ứng lễ phụng tế theo như nghi tiết, để cho sáng rõ ý thức kính cẩn, mong được nhà nước non sông sống lâu mãi mãi.
 
TS Lưu Văn Thành – Lưu Mạnh Khải


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)