Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Phú Thọ.
Đăng ngày 10/10/2013
E-mail     Bản in

HỌ LƯU VIỆT NAM VỚI HÙNG VƯƠNG KIM NGỌC PHẢ (Phần 2)
Từ Chương 5 đến Chương 7 của Kim ngọc phả Đời Vua Hùng Vương

Chương 5:

Sử ký họ Hùng của nước Nam Việt

Đức Hùng Vương Sơn Thánh Tổ Tiền Thái Tổ Cao Hoàng Đế ghi truyền Ngọc phả cổ tích lưu lại:
Trước kia từ thời Hoàng đế cho đến cháu ba đời vua Viêm Đế là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi Ngài nam tuần sang núi Ngũ Lĩnh (giới hạn núi này ở động Bách Hổ, tỉnh Vân Nam, xưa kia nguyên là của nước ta, gọi là quận Giao Chỉ, đổi gọi là động Xích Quỷ, sau gọi là nước Xích Quỷ, nay đổi là nước An Nam).

Vua Đế Minh giao tiếp lấy được bà Vụ Tiên Nương Thần nữ sinh ra Kinh Dương Vương, húy là Lộc Tục, làm vua 250 năm, thọ 271 tuổi, hóa tiên về bể cùng với con gái vua nước Động Đình.

Kinh Dương Vương là người dung mạo đoan chính, thánh trí thông minh, giỏi hơn độ lượng ông Đế Nghi. Vua Đế Minh lấy là trí tuệ rất kỳ lạ, khiến cho nối ngôi, muốn truyền đại bảo, để chính muôn bang. Nhưng Dương Vương cố nhường cho anh - Bây giờ Đế Minh dựng Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Kinh Dương Vương làm vua phương Nam, hướng mặt về phương Nam để trị thiên hạ. Cổ tục gọi là quận Giao Chỉ, Kinh Dương Vương đổi động Xích Quỷ làm nước Xích Quỷ.

Ngày Mồng 5 tháng 2 năm Nhâm Tuất thì Dương Vương khâm chỉ tới sang núi Nam Miên trấn trị việc nước. Dương Vương ngự đi xem phong thủy, thấy hình thế có châu long, quý mạch dựng ngay đô ấp, trấn trị thiên hạ. Rồi Kinh quá đất Hoan Châu (trước gọi là Hoan Châu nay gọi là huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, do ở mọi xã Thiên Lộc Tả, Thiên Lộc lễ hữu). Quan sát tình thế, thấy được một bầu phong nguyệt, cảnh hay cực quý, muốn đặt lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thíu Lĩnh, gồm 199 ngọn núi. Trước gọi là Cổ Đô nay gọi là Ngạn Khổng, địa khí núi bể đức phương, non sông ngòi rãnh triều hội, giáp ở Cửa Hội Thống, xã Hội Thống ven bể, núi đi lồi lõm, nước chảy cong queo, hổ chồm rồng vờn, bốn bề quan khản, bèn xây dựng Thành Đô cung điện, Ngọc Khuyết lâu đài, phô bày 4 phương triều cống.

(Ảnh núi Hồng Lĩnh)
Núi Hồng Lĩnh (Tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Đương lúc khí xuân đầm ấm, cảnh sắc muôn màu, Vua lúc bình sinh thích yêu núi nước, ngự giá rong ruổi thuyền rồng, tuần du hải ngoại, chơi xem phong thủy địa đồ. Khắp qua hải đảo, không hưởng thuyền rồng bơi thẳng đến hồ Động Đình, non xanh nước biếc. Vua khiến dừng thuyền trên mặt nước để quan khán. Chợt thấy một người con gái lưng ong, đùi dế, từ đáy nước đi lên, dung nhan tuyệt đẹp, lấy làm kỳ ngộ xưa nay. Bèn khiến trèo thuyền kíp lại. Vua hỏi: Hảo tai tiên nữ! từ đâu lại đây? Thưa rằng: Thiếp mang tên gọi Thần Long, chính là con gái vua nước Động Đình ở nơi Ngọc Khuyết, chờ đợi anh hùng. Nay trời xui gặp gỡ muốn để sửa túi nâng khăn. Vua mừng lắm lấy làm đẹp lòng. Bèn mời vào thuyền. Vua cùng bà quận nữ, loan giá khải hoàn, về đến Thành Đô, dựng ngay bà Thần Long lên ngôi cung vị Chính Khổn.

Hôm sau vua lại xa giá đi tuần phủ, trải xem non sông. Vua đi kinh lý đến xứ Sơn Tây, thấy một địa thế non nước lạ lùng, vua bèn giá ngự lên núi đi tìm địa mạch. Nhận thấy từ mạch núi Côn Lôn chạy theo núi Ngũ Lĩnh, động Vân Nam, qua núi Giáp Sơn, cửa Đổ Ải đến sông Ngưỡng Đức nước chia thành chữ Bát (chữ Hán); xuyên sơn thấu mạch, dẫn đến mọi ngọn núi cao ngất các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và 9 châu Càn Hải, đột lập thành núi Tam Đảo. Long mạch giáng khí ở khe suối Thạch Bàn Thiên thị châu Thái Nguyên. Núi chạy ngược, nước chảy ngược, liên tiếp dẫn mạch, quay lên đầu nguồn các châu, như chân Bảo Lạc, Chân Bình Di, châu Thu Vật, châu Phúc An; rồi lại từ khe sông Hoàng Hà chảy xuống sông Lô, nước chảy lưu hành dẫn mạch, giáng khí qua Ải Môn thì thoát mạch; long hành trường viễn đến núi Tụ Long thuộc địa thế Tuyên Quang, liền đến châu Thu Vật, biến xuất thành muôn đợt kim tinh, mạch đi hàng giữa, tả hữu thì sông Hán, sông Lô, sông Hoàng, sông Bảo, hai bên dưỡng mạch, chảy đến 2 phủ Lâm Thao và Đoan Hùng và các huyện Hạ Hoa, Thanh Ba, Tây Lan và Phù Ninh đến ngã ba sông Bạch Hạc ở chùa Hoa Long, thôn Việt Trì dừng lại. Đến đây non nước lạ lùng, cốt hình vàng ngọc, núi chững, nước giao hợp dòng tả hữu Minh Đường muôn phái hội triều, chính khí ngoài chia Nam Bắc.

Tiếp xuống có 4 sông là sông Thiên Đức, sông Nguyệt Đức, sông Hát Môn, sông Tô Lịch, nghìn khe muôn phái, cá quay đầu. Đầu địa mạch này, Tả từ sông Lôi Hà dẫn đến mọi huyện Đang Đạo, Đông Lan, Sơn Dương, Tam Dương, đột lập thành núi Tam Đảo. Mé Tả cung tiên là Thanh Long, kép núi muôn nước, xuất tự các nơi: Lập Thạch, Bách Ngõa, Châu Diên, Thanh Tước, Ngọc Bội, Khai Quang mọi núi Tả phụ; đến các dãy núi như: núi Chu Sơn, núi Sóc Sơn, núi Chung Sơn, núi Chà Sơn, núi Từ Sơn, núi Mộc Phàm, núi Tích Sơn, núi An Lão thuộc xứ Kinh Bắc triều phục, dẫn đến núi Đông trào, núi Hoa Phong, núi An Tử, xứ Hải Dương, mạch đến 8 xã núi Đồ Sơn trong bể làm long đầu triều án.

Phía Hữu địa mạch từ Ba thục, Sông Hán, Sông Hoàng, Sông Lô, Sông Thao, núi chạy nước theo, đến Tuyên Quang, mười châu Hưng Hóa, châu Đà Bắc, châu Thanh Nguyên, Sông Bạn Hà, Sông Đà đến huyện Bất Bạt thì đột lập thành núi Tản Viên. Mé Hữu cung tiên là Bạch Hổ, muôn nước nghìn non, xuất từ các nơi: Mỹ Hương, Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Viễn Sơn, Thạch Thất, An Sơn, Sài Sơn, Tử Trầm Sơn. Phía Hữu đến huyện Trương Đức của Đại An, núi Hương Tích, núi Hiểu Na, núi Nam Công Vũ Phượng, núi Đội Điệp, núi Nghi Dương thuộc xứ Sơn Nam là nội triều phục, tiếp đến núi Chính Đại cửa bể Thần Phù xứ Ái Châu, lại tiến thẳng vào trong bể thành núi Chích Chợ (chiếc đũa) cửa Chà Lý làm hổ đầu Triều án, thì lấy sông Bạch Hạc làm Nội Minh Đường, ngã ba sông lớn huyện Nam Sang làm Trung Minh Đường; xứ Hải Dương, huyện Cổ Am núi Tượng Sơn làm Ngoại Minh Đường, nghìn núi cúi phục, muôn nước triều tôn, đều quay về hình thế Tổ Sơn núi Nghĩa Lĩnh.

Vua nhận được quí vùng đất này hơn hẳn Đô thành Hoan Châu cũ, bèn lập ngay Chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh, thời thường giá ngự ở đấy. Bên ngoài thì dựng Đô thành Phong Châu[12] (trước gọi là quận Giao Chỉ, Kinh Dương Vương gọi là Xích quỉ quốc, lại gọi là nước Văn Lang. Đô thành Phong châu nay là đất Sơn Đông, huyện Bạch Hạc, cùng với cựu Đô thành ở thôn Việt trì, xã Bạch Hạc). Dựng quốc hiệu là nước Văn Lang (phía Đông giáp bể Nam Hải, phía Tây tận đến nước Ba thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam tiếp giáp với nước Hồ Tôn, gọi bộ chủ Cao Miên, Chiêm Thành làm nô lệ).

(Ảnh Ngã ba Tam Giang Bạch Hạc)
Vị trí đắc địa về phong thủy của Cố đô Phong Châu - Việt Trì, Phú Thọ

Vua dóng xe về cựu đô Hoan Châu, xem lại qui cách xây dựng Thành Đô. Rồi mới đến núi Thíu Lĩnh, sau định lập đô ấp, Chính điện bảo vị Thiên Thành, ngự trị ở núi Nghĩa Lĩnh. Nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm sở tại đô ấp của họ Việt Thường.

Lúc ấy Vua đi tuần thú trở về Cung điện núi Nghĩa Lĩnh với bà Cung phi là Thần Long Quân nữ. Khi bà cùng với Vua ở núi Nghĩa Lĩnh, có chính khí điềm rồng, mang thai vẻ thánh, có chửa 15 tháng, đến giờ Ngọ ngày Mồng 10 tháng 10, thì mây rồng 5 sắc giáng xuống Chính điện, sinh ra Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm (phong là Lạc Long Quân, làm Vua được 269 năm, thọ 506 tuổi, sinh một bọc trăm trứng nở ra trăm con giai, định ra trăm họ, đặt ra trăm tên, xuống thành trăm hiệu, phong làm trăm vương, tôn làm trăm thần, đều giữ một phương, trăm khu đều xưng là Thủy Tổ Bách Việt, rất là linh thần, do ở đức Phụ Vương Long Quân, hóa sinh bất diệt, về bể Thành Tiên, làm Đế Vương hồ Động Đình).

Trước kia Long Quân khi còn mang thai, vẻ ứng điềm rồng, nhà đầy sáng đỏ, trọng trướng sinh hương, rạo rực vài tuần, đợt sinh ra Lạc Long Quân.
Long Quân là người tư bẩm phi thường có khí tượng đế vương. Vua cha dựng làm Hoàng trừ Thái tử. Tuổi đã trưởng thành, tài lượng hơn người, thông minh nhanh nhẹ, thực là bạc thánh trí thần tài, anh hùng duệ triết. Đến khi tuổi đến gia quan, vua cha phán bảo các hàng trăm quan trong triều đình rằng: Ta vâng mệnh Trời, phủ trị muôn dân nghiêm túc, uy trời xuống sắc khâm sai cho Thái tử cùng quan Tiết Chế đi tuần thú phương Nam. Trải xem núi sông hải đảo, Vua cha khiến Thái tử đem trăm viên hùng tướng, ba vạn tinh binh, tuần thú khắp trong nước.

Khi Thái tử đi kinh lý địa thế nước Nam, Thái Tử lên núi tìm xem long mạch, dẫn đến tới châu Thu Vật, châu Tụ Long, xứ Tuyên Quang, nhận thấy long mạch đến núi Nghĩa Lĩnh vượt qua thượng lưu sông Hoàng Hà, sông Nhị Hà, rồi đến sông Hán Giang, sông Lô Giang, theo dòng một phái rộng sâu, dẫn mạch khắp đi cả nước. Rồi đến châu Bảo Lạc, núi Côn Lôn, qua cửa Giáp Ải. Lại từ núi Ngũ Nhạc, núi Côn Sơn, khắp cả Đông Tây Nam Bắc trăm vạn đầu non, đều là chúng tử, lấy núi Ngũ Nhạc, núi Côn Lôn bên Bắc quốc gọi là núi Thái Tổ phụ mẫu.

Thái Tử là bậc thánh trí thông minh anh tài đại lược, có chí bình trị, thực là Vua hiền nước Việt.

Khi Thái Tử nhủ lòng quay sang thăm gốc nhà ở bên Đại Quốc, dò xét Đế Minh là ông, Đế Nghi là bác, mà Thái Tử là người hiếu đễ trung tín, ba cương năm thường là đức lớn vậy.

Khi ấy đấng Đế Tổ (Đế Minh) biên chép vào quốc thư, rồi phong cho Kinh Dương Vương là Nam Quốc Thái Tổ Cao Hoàng Đế, phong cho Lạc Long Quân là Nam Quốc Hiền Quân, ngự trị nước Nam, muôn dân trăm họ, ông của Vua, bác của Vua, coi Thái Tử như xương thịt. Xem như trời giáng tinh tú, sáng như vàng ngọc châu báu, vật lớn chẳng tày. Đấng Đế Tổ sắc phong cho Thái Tử Tôn Gia Kim sách, long bài, xa thư một mối, và các thứ Hoàng Bào long cổn, đại ngọc, hài vàng, cờ xí tàn quạt, chiêng trống xe ngựa, châu ngọc, mũ mão, kỳ trân mọi vật. Khâm ban cho xe loan, ngự giá khải hoàn quay về bản quốc phụng thừa Vua cha ngự trị muôn dân.

Lúc bấy giờ trong triều đấng Đế Tổ có một vị Thiên sư thông suốt việc thiên địa nhân, quán triệt phẩm vị quỉ thần, hiện ở ngôi Tể Tướng bên Bắc triều văn vũ gồm tài.

Nay lệnh Đức Đế Tổ khâm sai vị Thiên sư sang giúp đỡ ngôi Thái Tử, khiến sang phương Nam, xem xét phong thủy, xem đất dựng nước, định đóng kinh đô, xây đắp thành trì, sửa sang Chính điện, xây dựng cung thất, chia bờ dựng cõi, đặt hiệu núi sông, phân định bộ xứ, vẽ địa đồ cả nước; tuyển quan chọn tướng, phân chia trấn, xứ, phủ, huyện, xã, châu, trang động, trại sách khắp từ trên rừng dưới bể; nước có vị Thiên sứ, phụ tá đấng Hoàng Vương, để trị bốn bể trong thiên hạ, trăm họ thần dân, cùng hưởng phúc thái bình, có như thế thì các nước chư hầu, trăm họ man di đều cùng xưng là thần thuộc vậy.

Lúc ấy có người con gái vua Đế Lai, tên gọi là nàng Âu cơ, gái trinh đức hiền, quay về thăm quê mẹ, ở huyện Thanh Nguyên, châu Đà Bắc, quận Giao Chỉ (xưa gọi là động Lăng Sương, huyện Thanh Nguyên, sau đổi là Trại sách Cải Sương, huyện Bất bạt).

Một ngày đó nàng Âu Cơ trinh nữ ra chơi châu Tràng Sa, xem Vua đi tuần thú trên sông Đà Giang. Vua trông thấy nàng Âu Cơ có sắc lạ kỳ phong tư diệm chất, đẹp ý, lấy ngay dựng làm ngôi Hoàng Phi Chính Hậu. Vua Kinh Dương Vương tuổi thọ 271 tuổi, ở ngôi vua đã 250 năm, phong cho Lạc Long Quân, làm lễ đăng quang, nhường ngôi trị nước, chính ngự ở núi Nghĩa Lĩnh, mà Đô Thành ở trên đỉnh núi này.

Chương 6:

Đức Hùng Hiền Vương thay trị việc nước, khai hóa nhân dân (Long Quân họ Hùng tên Lạc, húy Sùng Lãm, hiệu là Hùng Hiền Vương, lên làm vua, nhất thống dư đồ).

Cứ trong Bảo án họ Hùng có nói: Nước Việt ta từ họ Hồng Bàng, là cháu ba đời của Vua Thần Nông bên Bắc Quốc.

Kinh Dương Vương lấy con gái vua nước Động Đình, phát minh đạo vợ chồng, đính chính gốc phong hóa; Vua thì lấy đức dạy dân, buông áo chắp tay, mà bốn phương trăm họ, đều là thần thuộc; muôn dân thì cày ruộng đào giếng biện luận lẽ trời, đất, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, khí âm, khí dương, ra vào thở hút, xét định khí hậu bốn mùa. Rõ ràng là Thói Thuần đời Thái Cổ.

Nay đến Đức Hiền Vương nối vua cha là Dương Vương chính trị phương Nam, lấy con gái vua Đế Lai, họ Âu Cơ tên là Âu Lạc Nương đẻ ra trăm con giai, làm Thủy Tổ Bách Việt nước Nam. Hưởng nước lâu năm rất là trường cửu.

Lúc ấy nước giàu, dân mạnh, tuổi thọ hưởng nhiều, sinh nam cũng lắm. Tỷ phù 18 đời Tỷ phù, dư đồ, bảo đỉnh, thiên thư đã định niên kỷ được lâu, hưởng nước 2.622 năm, từ cổ đến nay chưa bao giờ đã từng có vậy. Việc trị nước thì chuộng ra đức huệ, phủ dụ nhân dân, quận phương yên vui, thiên hạ thái bình, chuyên cần nghiệp nông trang, ít có việc binh qua, bốn cõi núi bể đều được yên lặng.

Lúc ấy bà Âu Cơ Hậu Phi giữa ngày Mồng 4 tháng 5 năm Nhâm Thân có mang thai, điềm rồng ứng vẻ, năm sắc hiện mây, hương trời đầy trong trướng, mang thai đã được 3 năm, đến ngày mồng 10 tháng 3, ở cung điện núi Nghĩa Lĩnh, lúc nào cũng có mây năm sắc bao chùm khí hào quang sáng chói, bào thai mãn kỳ đến giờ Ngọ ngày mồng 5 tháng 5, năm Giáp Tuất, đương lúc Thái dương chính chiếu, bào thai vận chuyển, rồng mây quanh nhà, đẻ ra một bọc bạch ngọc châu quang, ban đầu ở ngọn núi Nghĩa Lĩnh, Hiền Vương thấy sinh bọc lạ, xưa nay chưa từng thấy có như thế! Triệu ngay Triều thần bách quan văn võ trầu trực Chính điện, đang lúc giữa giờ Ngọ trên trời nổi 3 tiếng sấm thiên oai chuyển động càn khôn, làm cho non sông, muôn vật cỏ cây đều phải kinh động, mây bay năm sắc, khắp đầy thế giới ba nghìn điện các, lâu đài, tới tấp phi cầm bay liệng; dưới sóng gió rập rình, trên núi cỏ cây nghiêng ngả, bách thú chạy ngênh ngang, hình nghê lượn hốt hoảng. Buổi theo gió mưa dai dẳng, Vua thấy điềm nước lạ lùng. Vua xuống chiếu ban cho các quan văn võ chỉnh túc áo mũ cân đai, trai giới tỉnh khiết đều tới trước cửa điện Kính Thiên, đốt hương khói phụng trầu triều bái: Đức Hoàng Thiên Thượng Đế, Tứ phủ vạn linh. Đến giờ Thân ngày hôm ấy, bỗng thấy một đám mây xanh từ phương Tây đưa lại, tụ ở trên nóc điện Kính Thiên; tự nhiên thấy 4 tướng kỳ khôi cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ khăn rồng, chân đi hài sắt, miệng nói cười, phun ra những hào quang khói lửa, mây bay khắp chốn, tay cầm long bài, tấu lên đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, sắc soi xuống cõi Nam, giúp Hiền Vương trị nước, giáng cho bọc rồng trăm trứng, nở ra trăm người con trai để trị nước. Nay trời sai 4 vị Đại Thần Vương giúp đỡ và giữ gìn cõi Nam bang, cố sắc.

Hiền Vương xuống chiếu cho các quan văn võ cầm long bài đợi chỉ truyền, ngửa lên trời vọng bài. Cúi đầu tạ Sứ Thần vương.

Thần Vương nói: Ngọc bào trăm trứng, thần khí linh quang, điềm rồng giáng sinh. Thiên sứ báo cho Hiền Vương rằng: Rước ngọc bào đặt lên trên kim bàn. Xuống chiếu rằng: triều đình rước đến chùa phía hữu núi Viễn Sơn gọi là Từ Sơn, giao cho vị Thiên Quang Hòa thượng Thiền sư đặt vào trong chùa núi Thíu Lĩnh. Chọn quan trai giới tỉnh khiết trầu trực, đèn hương bất diệt. Bọc ấy tự xé vỡ ra trăm giai thần tướng. Hiền Vương vội vàng quay về. Bốn vị đại thần lại nổi gió mưa, nổi thành đám mây trăng bay lên trời mà đi.

Hiền Vương thành tâm kỳ đảo nào ngày Rằm tháng Giêng (giờ Ngọ, trăm trứng nở ra trăm con trai, mây rồng nêu năm vẻ, mây xanh tụ bày, điềm ứng mây lành, hương trời giáng khí, thơm phức núi sông).

     Khí mây bao phủ càn khôn,
Núi non sông bể suy tôn anh hùng.

Được trong một tháng, trăm giai không bú mớm, mà trưởng thành nhanh chóng, con người hình dáng tốt lạ, trạng mạo phương phi, anh hùng cái thế, khí chất phong tư, cao lớn 3 thước 7 tấc.

Hiền Vương với các phi tần 6 cung lại trao cho gấm lĩnh may trăm bộ quần áo, ban cấp trăm người con trai, các vị hoàng tử lĩnh mặc, mỗi ngày ba lần đều cười, thường lấy hoa lá sen chơi bỡn. Được một trăm ngày, có nhớn, chẳng hay nói mà lại hay cười. Được hơn trăm ngày vào giờ Thìn ngày 20 tháng 7 thì trăm người con trai đều cười to và nói: Trời giáng sinh thánh, trị nước sinh vua, yên ổn bốn bể, thiên hạ giàu mạnh. Rồi trăm hoàng tử đều ở trên điện Long Trì.

Đức Hiền Vương ngự thấy 8 vị Thiên Thần tướng đầu đội mũ đồng, mình mặc giáp sắt, chân đeo hài bạc, lưng thắt đai da, sức vóc to lớn, tai mắt sáng sủa, miệng phun khói lửa, tay cầm thư kiếm, đứng trầu tả hữu, hai ban biến hóa hư không, một lúc phi đằng vân vũ, quanh theo trong điện núi Nghĩa Lĩnh, núi non biến hình, giang hà tràn ngập, sóng rợn nổi lên, thiên cơ khó lượng. Đầy ba giờ thì quang âm sáng rệt, hiện hình 8 tướng, xưng danh là Tám Bộ Kim Cương. Sắc thụ lệnh sai của Đức Thượng Thiên, Chư Phật Ngọc Đế xuống trần giúp đỡ bách vương hoàng tử. Nay đã trưởng thành nhanh nhẹn. Tướng nước là 8 tướng Thánh thần làm quốc tướng, khâm mệnh trời xuống giúp mọi vương tử, đưa đến cửa Khuyết bái hạ đấng Hoàng Phụ, phủ trị trong nước, cho Hiền Vương một chiếc long hài, một quả kim ấn, một hòn bạch ngọc, một thanh thần kiếm, một quyển thiên thư, một phiến thước ngọc, đặt trên kim bàn, đưa vào trong điện. Hiền Vương phụng nghinh rước vào nội điện. Cho là trời ứng điềm to, khiến yên thiên hạ, vua thấy trăm con trai vụt mà cao lớn, mình dài 7 thước 3 tấc, đều cầm đồ thần khí thiên bảo, chia ra tả hữu, đứng trầu bái tạ Hoàng Phụ.

Hiền Vương khiến 8 tướng đem việc tâu lên: nổi lên một trặn gió mưa, sấm vang điện chớp, biến hóa đằng không. Lên trời hoàn khải thành công, trăm trứng rồng nở ra rồng trăm con.

Ngày hôm ấy Hiền Vương xuống chiếu rằng: Trời sinh trăm trai, thánh thần văn võ, hùng tài đại lược, giúp nước yên ổn, thiên hạ ngóng nhờ nhân đức, cha con vua tôi cùng vui vẻ. Vua bèn triệu trăm quan bái hạ, hai ban công đồng hội nghị, đổi hiệu đặt tên trăm trai trăm hiệu, vị đặt thứ tự. Đang lúc trăm trai triều hội, đều có đại tài, tư chất hơn người, anh hùng quan cổ. Mọi người con đều là bậc thánh trí thần tài. Bấy giờ trăm quan trong triều không ai dám phân biện ai là anh hùng trí đoán, cũng khó đặt tên xưng hiệu.

Triều đình tâu vua rằng: Nước có thánh nhân, đế quân, thì trời giáng sinh các bậc tướng tá hiền tài. Nay mọi người trong triều không ai dám biện tên đặt hiệu. Tâu xin đấng Vương Phụ đặt hiệu đặt tên mọi thần tướng.

Vua phán rằng: Chính nhờ ai trong triều đình sinh ra bậc anh tài, mà nay tâu lên ta vâng mệnh trời, gây dựng hồng đồ, mở nước trị dân, chịu mệnh trời sắc xuống, sinh được bọc rồng nở trăm con. Trẫm truyền trăm quan lòng thành thiết lập đàn tràng, một cầu lên đấng Hoàng Thiên vạn binh ngự hội, đặt cho trăm tên ấy. Ngày hôm ấy vua tế và cầu đảo xong, hư không cảm ứng, báo thần Tây Vực lại năm sắc rồng mây, núi sông rạng rỡ. Lúc ấy thấy một ông già, tướng mạo trượng phu, râu màu trắng xóa, cách điện tiên ông, đầu đội mũ Phật, mình mặc áo vải, nhuộm màu nước dưa, chân đi giày sồi, tay cầm gậy trúc, rong chơi ở chùa Hoa Long bên sông Việt Trì, huyện Bạch Hạc, rửa chân bến sông, ngồi trên bàn đá, gọi là bến sông Nhị Hà.

Ngày hôm ấy có quan Nguyên soái Tiết Chế tướng quân trong triều đi trấn thủ Thành đô Phong Châu, ngồi trên gác lầu Việt Trì trông thấy vị lão tiên, đương xem phong thủy mặt hướng về phía sông Mỹ, sông Đáy, huyện Bạch Hạc, chân dẵm trên lưng rùa bàn đá (Truyện cũ có nói: Chùa Hoa Long ở thôn Việt Trì trên sông Bạch Hạc, ở trên lưng rùa bàn đá vẫn còn để lại dấu chân).

Quan Nguyên soái trong triều sai sứ giả đi đón mời tiên ông lên trên gác lầu cùng ngồi. Nguyên soái bộc bạch chân tình việc nước. Nguyên soái đặt yến tiệc chiêu đãi, rồi đón về cung điện núi Nghĩa Lĩnh. Các quan triều đình vào tâu vua, vua bèn đón Tiên Ông vào trong cung điện. Đại lễ tiếp mời, yến hàng mâm ngọc, Vua bèn hỏi Tiên Ông rằng: Tiên sinh ở đâu? Hay là bồng lai lạc lối, phong cảnh ngao du. Hiện nay trong nước có việc cần, khẳng định mời Tiên Ông lại đây chỉ giáo? Tiên Ông cả cười khà khà, Vua bèn đứng dậy xin hỏi Tiên Ông rằng: nước tôi sinh được trăm đứa con giai, phong tư trí tuệ như nhau, khó đặt thần danh vị thứ, khó biện anh em trên dưới ra sao? Xin hỏi lão Tiên Ông cho biết, nên đặt danh hiệu vị thứ của những con như thế nào? Lão Tiên Ông nói: Tôi sinh vào thời Hoàng Đế, học theo đạo Phật, ngao du nơi hải ngoại, quán triệt sự càn khôn, tiêu giao trên thế giới, tới thấy phong thủy phương Nam rất là nhã thú.

Vua lại hỏi: Tiên Ông có quyển thần thư có thể đoán biết việc thiên địa, nhật nguyệt tinh thần, gọi tên được chúng tiên, phương chi lại không biết việc quốc gia ra sao? Nay tôi thành tâm cầu đảo, chắc cầu có thể ứng chăng! Lão Tiên Ông nói: Nay Vua có lòng thành lão tôi xin giở thiên thư bốc xem một quẻ vận trù sách đoán, để dựng đặt cho con Vua ra trăm danh hiệu. Nay hãy cho tôi quan sát tướng mạo của trăm người con trai ra sao, bấy giờ sẽ định.

Vua bèn xin hãy để cho mình chọn cử lấy người Trưởng đích đã, rồi sẽ phân biệt thứ vị anh em, ngồi ra tả hữu. Lão Tiên cầm bút viết ngay. Tự đặt ra trăm danh hiệu thần tướng, để lên kim bàn, định chia thứ vị.

Trăm người con giai ấy hội triều nơi chính điện, đều cùng nhặt lấy tên viết, cùng hô lên một tiếng. Có một người Trưởng đích vâng theo lời nói trước, cử lên làm ngôi Vương Trừ Thái tử. Còn 99 người tới kim bàn, mỗi người nhặt một tên. Làm như thế mới chia được thứ tự, anh em cũng vui mừng, thế là việc đặt tên đã được song suôi chu đáo.

Bấy giờ tự nhiên có một đám mây xanh bay đến cung trung, vòng quanh lão Tiên Ông biến hóa đưa lên nơi thượng giới.

Vua nói: triều đình ta rất là kính cẩn, cầu đảo trên đàn, lòng thành tĩnh khiết. Cảm ứng được Thần Tây vực giáng lai dám cách, trẫm nay mới biết Phật lão Tiên Ông cảm động ứng giáng trên đàn, giúp đỡ việc nước. Hôm ấy truyền triệu trăm quan, vọng trời bái hạ. Hiện nay trẫm dựng làm một ngôi chùa, gọi là Từ Sơn, giao cho vị Thiên quang Hòa thượng Vạn đức Thiền sư ở đấy, ban bố cho trăm quan, thời thường mật đảo, trời phật ứng cho.

Danh hiệu trăm người con giai: Người con trưởng là ngôi Vương Trừ Thái Tử, tục gọi là Hùng Lân, cải nguyên là Hùng Quốc Vương.

Các con thứ danh hiệu như sau: 1 - Xích lang, 2 - Quỳnh lang, 3 - Mật lang, 4 - Thái lang, 5 - Vĩ lang, 6 - Huân lang, 7 - Yến lang, 8 - Dương lang, 9 - Diệu lang, 10 - Tĩnh lang, 11 - Tập lang, 12 - Ngô lang, 13 - Cấp lang, 14 - Tiến lang, 15 - Họ lang, 16 - Khoáng lang, 17 - Khuyến lang, 18 - Niêm lang, 19 - Vấn lang, 20 - Khương lang, 21 - La lang, 22 - Tuân lang, 23 - Tán lang, 24 - Quyền lang, 25 - Đường lang, 26 - Khao lang, 27 - Đủ lang, 28 - Ác lang, 29 - Hạn lang, 30 - Luyệt lang, 31 - Ưu lang, 32 - Nhiễu lang, 33 - Lý lang, 34 - Trâm lang, 35 - Tương lang, 36 - Tróc lang, 37 - Sát lang, 38 - Cốc lang, 39 - Lãng lang, 40 - Nhữ lang, 41 - Triểu lang, 42 - Kiết lang, 43 - Điểm lang, 44 - Trường lang, 45 - Thuận lang, 46 - Tâm lang, 47 - Thái lang, 48 - Triệu lang, 49 - Ých lang; 49 vị này theo về với Cha.

50 - Hương lang, 51 - Thiêm lang, 52 - Thận lang, 53 - Văn lang, 54 - Vũ lang, 55 - Chinh lang, 56 - Tịnh lang, 57 - Hắc lang, 58 - Quản lang, 59 - Cao lang, 60 - Tế lang, 61 - Thanh lang, 62 - Mã lang, 63 - Chiếu lang, 64 - Khang lang, 65 - Chỉnh lang, 66 - Đào lang, 67 - Nguyên lang, 68 - Miên lang, 69 - Xuyến lang, 70 - Nhâm lang, 71 - Yểu lang - 72 - Thiếp lang, 73 - Bái lang, 74 - Tài lang, 75 - Trừng lang, 76 - Triệu lang, 77 - Cố lang, 78 - Lưu lang, 79 - Hộ lang, 80 - Quế lang, 81 - Diêm lang, 82 - Huyền lang, 83 - Nhị lang, 84 - Tào lang, 85 - Nguyệt lang, 86 - Sâm lang, 87 - Mễ lang, 88 - Triều lang, 89 - Quán lang, 90 - Canh lang, 91 - Thải lang, 92 - Lơi lang, 93 - Chấu lang, 94 - Việt lang, 95 - Vệ lang, 96 - Long lang, 97 - Trình lang, 98 - Tuấn lang, 99 - Tám lang; 50 vị này theo về với Mẹ[13].

Từ đây, mọi con thì ai cũng đều có tên, đến khi phương trưởng, thông minh nhanh nhẹn, trí dũng kiêm toàn, anh em đều có đại tài giúp nước ngồi đứng nơi triều đường, ngồi định đứng đầu trăm quan.

Vua cha bèn đặt ra chư hậu, dựng thành phiên bính, chia nước ra làm 15 bộ, bờ cõi, giới mốc từ đầu núi, góc bể, lựa chọn trăm quan trấn thủ, chia thành cương giới, đặt gọi xứ sở:

1 - Sơn Tây, 2 - Sơn Bắc, 3 - Sơn Nam, 4 - Hải Dương, 5 - Ái Châu, 6 - Hoan Châu, 7 - Bố Chính, 8 - Ô Châu, 9 - Ai Lao, 10 - Hưng Hóa, 11 - Tuyên Quang, 12-  Lạng Sơn Cao bằng, 13 - Quảng Đông, Quảng Tây, 14 - Ngũ Lĩnh, Vân Nam, 15 - Chiêm Thành, đặt làm bộ chủ mọi xứ.
Nguyên trước bản quốc có 15 bộ như sau:

1 - Giao Chỉ, 2 - Châu Diên, 3 - Vũ Ninh, 4 - Phúc Lộc, 5 - Việt Thường, 6 - Ninh Hải, 7 - Dương Tuyền, 8 - Quế Hải, 9 - Vũ Định, 10 - Hoài Hoan, 11 - Cửu Châu, 12 - Nhật Nam, 13 - Tân Hưng, 14 - Bình Văn, 15 - Cửu Đức, gọi là nước Văn Lang.

Vua bèn chia quan định xứ, khiến trị muôn dân. Lúc ấy khiến trăm con trai, đều giữ trăm khu, núi sông một mối. Xa thư, qui mộ, chế độ đều cùng như nhau, bốn bề một nhà, đều là thân thuộc vậy. Thi hành đức huệ ân uy, giáo hóa thuần phong mỹ tục, bốn bề thanh bình, muôn dâu vui đẹp, trăm họ âu ca, thái bình thiên tử. Đấng nhân quân có đức chính trị, thiên hạ có kỷ cương, sửa tu lễ nhạc, huấn thị hiếu liêm. Trên thì vua tu đức, dưới thì dân phục nhân, biết trọng nhân luân, biết sùng lễ giáo, gió hòa mưa thuận, vui nghiệp nông trang; nước có Trưởng quân, xã tắc hưởng phúc. Dân lấy triều đình làm cha mẹ, triều đình lấy dân làm xích tử, biết trọng nhân hòa, tóm thu tam đắc. Cho nên nước được giàu, binh được mạnh, dân được yên, binh qua chẳng động, cùng hưởng lễ thuận theo nghĩa vụ, rằng rặc muôn đời thế nước vững mạnh, thịnh trị lắm thay, chưa đâu theo kịp.

Đến sau các bộ cung phi của vua, lại sinh được trai gái hơn 50 người, đều đã trưởng thành, phong tư tốt đẹp.

Trước kia Long Quân nhường ngôi cho Thái Tử tên là Hùng Lân lên ngôi vua, cải nguyên là Hùng Quốc Vương, thay ngôi vua cầm chính nước, trị muôn dân. Vua chính ngự Kiến Cung, ở núi Nghĩa lĩnh (trước gọi là xã Nghĩa Lĩnh, nay gọi là làng Cổ Tích Trung nghĩa thuộc xã Nghĩa lĩnh, người dân đều là Trưởng Tạo lệ hộ nhi (lang cai).

Nhận các đồ ngọc bạch xa thư của vua cha trao lại, nhất thống sơn hà, phủ trị thiên hạ. Còn 99 người con còn lại thì Long Quân bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, phương loại chẳng cùng, không thể cùng ở với nhau được mãi, vì thế phải nên tương biệt. Nay chia 49 con theo cha về vùng bể làm Thủy Tinh; Còn 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Tinh. Sắp đặt mọi Tước Vương trị mọi nơi sơn hải, đều là Thần thuộc vậy.

Chức vị trong triều đình nhà Hùng, vua bèn đặt tướng văn, tướng vũ. Tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng vũ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu Tư gọi là Bồ Chính. Đương thời ấy, trên thì chính nhân luôn, dưới thì chuộng phong hoá, thi hành cất nhắc đều được đúng lẽ phải, làm ông vua khoác áo chắp tay, thăm thẳm chín lần, làm người dân cày ruộng đào giếng, vui vầy bốn cõi.

Không một ai là chẳng thỏa đời sống, không một người là chẳng yên sướng vui, công thành trị định, hơn hẳn Tiền Vương, so với phong hóa đời Thái Cổ, không thể hơn được, hưởng nước lâu dài, đời đời lấy cha truyền con nối, đều xưng hiệu là Hùng Vương, một mối xa thư; Thực là Thủy Tổ nước Bách Việt. Hiền Vương làm vua được 269 năm, sau về bể, hóa sinh bất diệt, làm Đế Quân nước Động Đình.

Ngôi Hoàng Trừ Thái Tử là Hùng Quốc Vương là Thư trưởng trăm con trai, tuân thừa nghiệp lớn. Quốc Vương đã nối chính thống, chuộng ra đức hóa. khuyến miễn nông trang, khiến dân không ai phải thiếu thốn, nước có kho chứa doanh dư, bốn bể an ninh, dân không lừa dối, phong tục thì thuần hàng phác giã, đã thực hiện ở đương thời, làm mô gốc hưng công chế trị, càng rạng rỡ hơn đời trước, suốt thời khen là bậc hiền quân vậy.

Lúc ấy Vua truy tư các bậc tiền thánh rẽ đất phân mao, bèn dựng đặt các bộ của Sơn Tinh, Thủy Tinh, định ra bách vương, đổi làm bách tính, vị xưng bách quan, hiệu phong bách thần, chia bày ra đầu non, góc biển hùng cứ mỗi người một phương.
Năm mươi hiệu trấn mọi đầu non, núi rừng, khe suối, đều gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo.
Năm mươi hiệu trấn mọi góc biển, sông ngòi vực rãnh, đều gọi là Thủy thượng linh chiều. Khiến để bảo hộ sinh dân, giúp dặp tôn xã, đặt chư hầu, dựng phiên binh, chia nước làm mười lăm bộ.

Bờ cõi trong 15 bộ này, định chia cương giới, đều có Trưởng Tá, quân gọi là bộ, phụ gọi là cha, tử gọi là con, trai gái gọi là phụ đạo, cứ thế mà xưng hô. Đến đời sau đổi là quan lang, phiên thần thổ tù phụ đạo. Khai quốc công thần, cháu chắt cha truyền con nối, muôn đời tiếp giữ nước Nam, bèn là tông phải chi diệp của bộ chủ Hùng Vương, đời đời giữ nước lâu truyền làm vua nước Nam vậy.

Trong thời ấy, có nhân luân cương thường đại nghĩa, việc trị giáo tốt sáng, đính chính đạo vợ chồng làm gốc phong hóa. Vua lấy đức dạy dân, khoác áo chắp tay, dân lấy nông trang vui nghiệp theo thói đời xưa!

Đấng thời Vương nối ngôi, thi vị nhân huệ, vỗ về nhân dân, bể lặng sông trong, nước nhà vô sự, tám cõi bốn phương, dân không giả dối, lấy thút nút làm chính giáo, qui mô chế trị thu về một mối. Đấng Quốc Vương hưởng nước trị vì 217 năm. Vua truyền bốn tước vương, bốn bậc Thánh trị vì, Vua thọ 76 tuổi. Đến ngày 12 tháng 5 năm Nhâm Ngọ hóa tiên về bể, sinh sinh bất diệt, Vua sinh được  64 người con, lập con trưởng làm Thái Tử là Hùng Nghĩa Vương, nối ngôi chính thống.

Nghĩa Vương lên trị vì, nghĩ đến công của Tiền Vương to lớn, phải xây nền giáo hóa, làm cho sôi nổi sĩ phong, phải lấy nhân nghĩa mà hun đúc dân tục, sửa sang nơi miếu vũ, thăng trật các bách thần, thu hút dưới gậm trời, ở đâu mà không có người tài, trong khoảng khí hòa gió xuân, nơi nào có trời là vui vẻ, cảnh tượng thái bình, rõ rệt trên đời. So với đời trước, chẳng kém gì sự bình trị vậy. Ở ngôi vua được 300 năm, thọ 546 tuổi thì mất, bèn dựng ngôi Thái Tử là Hùng Hy Vương lên nối ngôi.

Vua Hy Vương theo vận nước năm đời đứng đắn, thiết nghĩ dấy yên. Trong sửa văn đức để phục lòng người, ngoài diễn vũ công nổi, oai xa phục. Khiến cho xã tắc yên ổn, ngoài cương ninh tĩnh. Từ đấy trở đi, làm cho mọi nơi xa leo núi vượt bể, đều phải xưng thần, những nơi thiên cư tích nhường, thấm nhuần mỹ hóa.

Vua khiến các bậc hiền thần, xem năm khí của âm dương trời đất, núi non sông bể, quan sát tượng trời, lấy núi Nghĩa Lĩnh làm Định hương, gọi là điện Nghĩa Cương, nay gọi là xã Hy Cương, mà Trưởng Tạo lệ gọi là làng Trung Nghĩa. Trị công rực rỡ, không thẹn với Tiền Vương. Khá đủ làm bậc hiền quân muôn đời vậy. Hưởng nước được 200 năm, trong khoảng làm vua truyền lần lượt cho 3 tước vương hiền tử nhiếp chính, gọi là Tam Vương trị vị. Vua thọ được 599 tuổi thì mất, bèn dựng Thái tử là Hùng Hoa Vương lên nối quốc chính.

Vua Hoa Vương lên làm vua, lấy khuôn trước làm gương, chuyên chuộng việc nuôi dạy dân, cũng chăm chú về việc trị nước. Song yên ổn đã lâu, chứa rác dễ đầy khe, yến hàng vui tai mắt, không nhớ lại các ý chí riêng lo.

Lúc ấy có kẻ vu nữ ở núi Vu Sơn có pháp thuật từ núi Vu Sơn mà lại thông biết những việc thiên địa quỉ thần. Vua chất vấn vũ nữ, quả là suốt biết mọi việc, Vua khen là Tiên nhân, cho vào trầu trong cung điện. Thời thường vua đem việc hỏi han.

Ngày hôm sau có kẻ sàm ngôn trong triều đình tâu rằng: mơ hồ vu sử, một gã phụ nhân xi ngốc đến đây, chỉ những bàn nói viển vông, có biết gì đến sự lý trong trời đất, mà nay được vua cho trầu chực cung trung, nói láo hoang đường, Đấng Bệ hạ đã mắc phải đi theo con đường khác vu hoặc vậy.
Nay lũ chúng tôi tâu xin Bệ hạ nên dùng một kế: biệt lập một nơi đàn điện, Vua cho lời tâu là phải. Bấy giờ khiến bắt vu nữ đặt riêng nơi cung trung, bèn biện lập một đàn dùng làm trả lễ: voi trắng không ngà, voi đen 3 chân, ngựa đỏ 5 chân, đem cầu đảo trời.

Vua bảo triều thần rằng: Trẫm dùng kế này để xem vu nữ có biết sự giả dối hay không? Đã mà Hoàng thiên tuy ở cao, mà nghe biết cũng gần, soi xem lễ đặt trên đàn, quả chẳng ứng lại giáng tai tương, để răn bảo nhân quân là người bất đức.

Ngay lúc ấy, vua mới nghiệm là đạo trời báo ứng ngay ở trước mắt. Được trong nửa năm thì nhật thực, nguyệt thực, xuất hiện sao Chổi. Vua nói: Gió mưa chẳng điều hòa, thời khí chẳng đính chính, ấy là do nhân quân đức chính chưa thuần. Vua bèn vời vu nữ lại bảo rằng: nhà ngươi hay lường biết có trời, nay trong nước có điềm bất thường ngươi nên bay thẳng lên trời, xét hỏi lý do tại sao? rồi quay trở lại báo cho trẫm biết. Vu nữ bèn bay vụt đi, canh ba bồn trồn như mộng, thẳng đến dưới cửa Khuyết Vị Ngọc Hoàng quì tâu rằng: Phụng thừa vương mệnh lại tâu Thiên đình: Nay dưới trần thế có tai biến, không biết từ đâu mà đến. Xin Ngọc Hoàng phán bảo cho.

Đức Ngọc Hoàng phán rằng: Ngươi nên kíp xuống mà bảo thời quân cho họ biết, lưới trời rằng rặc, thưa mà chẳng lọt, cõi trần nhung nhúc, muốn ắt theo lòng. Thời quân càn lỡ kiêu căng, hay làm lễ giả, ấy đạo trời báo ngay cho họa, chẳng phải chỉ những tai ương ấy thế mà thôi, sau 3 năm nữa, ắt sinh ra giặc giã; phán xong, vu nữ hồi tỉnh ruộng lại, nhớ đủ các câu phán ấy tâu vua. Vua rất sợ hãi, nhân thế lưu ngay vu nữ ở ngay trong cung để thí nghiệm lời nói ấy. Bèn sai quan thiết lập trai đàn ở ngay Trung đô để cầu đảo, lấy voi ngựa vòng bạc, ngọc trân châu, mã não mọi hạng, biết đem đồ vật trong cung, đặt đủ lễ nghi. Vua ngự thân lâm đến tế khấn rằng:

Trẫm nay hèn mọn nhiều nhầm, lễ rối hoàng thiên, việc hiện trước mắt, rõ rệt khá thấy: phục nguyện đức Thượng Đế chuyển gở làm lành, đổi họa giáng phúc, ngóng nhờ đức lớn; khấn xong, bỗng thấy gió mây ùn ùn, sắc trời mù mịt, hương khói trên đàn khí tốt điềm lành lộng lẫy. Vua bàng hoàng cả sợ, làm lễ bái tạ ngay, dóng xa giá trở về cung điện. Vua phán truyền cho vu nữ cấp tốc lên trời, tâu xin Ngọc Hoàng yêu thương giúp đỡ cho yêu nước nhà, cho yên chúng thứ.

Bấy giờ vu nữ lại lên trời, tâu Thượng Đế rằng: Thời quân nước Nam, ngóng cầu đức trị, cho yên thiên hạ thần dân, tránh khỏi mọi việc tai ương.

Thượng đế phán rằng: Khâm quân biết năn lỗi, thời thường dưỡng phúc cho duy sang năm có giặc là Thạch linh thần tướng ở phương Bắc sang xâm lăng bản quốc. Nay trời đã có lệnh sai Thiết Sung Thần Vương xuống giúp cho. Vua phải làm điều thiện, phải làm điều thiện. Chốc lát vu nữ tỉnh mộng, tâu bảo nhân quân, chóng nên hối quả, Trời chóng nên hối quả, nối đà dưỡng phúc. Tuy năm khác có giặc lai xâm, Trời đã sinh bậc anh tài để giúp nước. Vua cũng khoan bớt lo lắng. Vua cả tin lời nói ấy.

Chương 7:

Lúc ấy thời đại Hoa Vương dân vật giàu mạnh, bèn nghe lời sàm thần tâu nói không tin vu nữ, lễ bỡn rối trời, ấy nước Nam không có thói tốt lễ nghĩa kính trời, thành ra Ân Vương muốn sang xâm lăng bản quốc vào khoảng năm Giáp Tí. Bỗng thấy tờ biên thư phương bắc đưa lại cáo cấp. Thạch linh Thần tướng giặc Ân dấy binh theo đường bắc đạo lại lấn. Qua giáp dậy trời, cờ xí rợp đất, quả như lời vu nữ đã nói. Vua bèn lòng thành trai giới đắp đàn đốt hương cầu đảo. Quần thần đại hội 3 ngày, ngóng cầu:

Trời đất, đức Tiền Thánh Tổ Long Quân âm phù giúp dẹp. Vừa được một tháng trời, Trời ứng sấm mùa gió lớn. Bỗng thấy một ông già cao hơn 9 thước, râu mày trắng xóa, ngồi ở đường giẽ, nói cười hát ngâm nga nhảy múa người đều đến xem. Cho là người lạ - Sứ giả vào tâu với Vua. Vua bèn dóng xe loan, thân tới bái yết, mời vào trong đàn. Vua hỏi: Nay nước có việc binh phương Bắc lại lấn chiếm, được thua như thế nào? Xin Lão Ông dạy bảo cho. Ông già ngồi một lúc nói: Ta nguyên ở Ngọc Khuyết đáy bể lại đây, suốt biết pháp ước thần thư của trời đất, tìm lấy một quẻ vận trù hộ lập. Bảo vua rằng: Sau ba năm giặc phương bắc lại lấn. Nếu tìm được người, thì giặc khắc tự tan vậy. Lão Ông nói với Vua thực tình diễn dạy; cho Vua một quyển thần thư, nói xong, bay lên trời mà đi. Vua biết ngay là đức Lạc Long Quân xuống ứng giúp cho.

Bấy giờ Vua khiến người đi sứ khắp nơi tìm trong thiên hạ, đi đến làng Phù Đổng, huyện Tiên Đức có một ông nhà giàu tuổi đã 77, đằng trước nhà có một khoảnh vườn hoa, trồng các thứ cây. Bà vợ đã già tuổi 59, giữa vào buổi sớm ngày mồng 6 tháng giêng năm quý hợi. Bước vào trong vườn hái hoa hái rau. Thấy có dấu chân một người lớn, bà lão lấy làm lạ, mới gọi trưởng ông lại xem, quả thấy dấu chân thần nhân rất lớn. Trưởng ông nghiệm xem bảo bà lão thị lấy chân bên tả ướm dẵm lên trên, tự nhiên một lúc khi trời người thần cảm ứng, bà lão tinh thần giao động, ánh hổng phủ quanh, nghén chửa mang thai. Đến ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp tý, đủ tháng sinh được một người con giai. Được một tuổi, thì trưởng ông tuổi vừa 80 thì chết. Còn bà mẹ tuổi 60, bú mớm nuôi con trưởng thành, lên 3 tuổi đặt tên là Đổng Thiết. Ăn uống to béo, chẳng hay nói cười. Ngay hôm ấy nằm ở trong nhôi, bà mẹ nghe thấy sứ giả tiếng giao đi khắp tìm người tài dẹp loạn, bà mẹ nói đùa với sứ giả rằng: Ta đây đã 60 tuổi, sinh được một mụn con giai lên 3 tuổi chỉ những tài ăn uống, chẳng tài đánh giặc, để mà nhận tước trọng của triều đình, báo ơn sâu cho cha mẹ. Sứ giả bước ra đi khỏi nơi ấy thì Đổng Thiết vội ngồi sổm lên, mới mở miệng nói bảo mẹ gọi ngay sứ giả lại đây, xem hỏi việc gì? Xin mẹ lại đi đón sứ giả đến ngay cho. Khi sứ giả đến, thần vương mới bảo sứ giả rằng: Ta là Thiết sung Thần tướng, trời sinh xuống giúp nước, dẹp loạn cứu dân, báo cho sứ giả kíp về tâu Vua. Ta xin Vua đúc cho một con ngựa sắt cao 18 thước, một cái roi sắt dài 10 thước, một cái nón sắt rộng 3 thước, đem lại ngay đây. Ta khác bình được giặc Ân, Vua không phải lo vậy. Sứ giả thấy Đổng Thiết nói vậy quay về lên Chính điện núi Nghĩa Lĩnh tâu Vua. Vua vời trăm quan trong triều đình đến hội nghị. Quan Tiết chế can rằng: Đương nay triều đình thiên oai lừng lẫy, tướng mạnh rất nhiều mà giặc Ân sang lấn phương Nam, lại không có ai dám đương đầu địch nổi. Phương chi đứa tiểu nhi mới lên ba tuổi, đánh nổi giặc chăng! Việc binh là đại sự trong nước, yên nguy vui lo. Không phải coi nhẹ! Nguyện bệ hạ thận chọn kẻ đại tài, cho làm Thống Tướng, không nên hâm mộ chuyện nghe ngoài tai, quên sự nhìn thấy trước mắt.

Vua nói: Trẫm nay vâng mệnh trời, trị nước yêu dân, tin thờ thần nhân, trước lại báo ứng, quả là đúng Tiền Thánh Đế Quân hiển linh hiện báo để giúp nước ta. Tin như lời trước, hẳn chẳng nói xuống việc chớ hồ nghi. Khiến tướng quân đi sưu tầm lấy những đồ sắt độ 500 cân, truyền cho bách công giã tượng, rèn đúc luyện thành con ngựa sắt cao 18 thước, có đủ ngũ tạng, roi sắt dài 10 thước, nón sắt rộng 3 thước. Vào buổi giờ Mão ngày Mồng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần, Vua bèn sai các ông Tiết Chế đem 10 vạn hùng binh, đưa ngựa sắt, roi sắt, nón sắt đến tại làng Phù Đổng.

Đổng Thiết nói: Vua đã tin ta, quân giặc tan chạy, ngôi nước lâu dài, một ngày giúp nước, nghìn đời lưu danh. Nói với bà mẹ và Tôn tộc hương lý: Nhi đồng này tính thích ăn cơm rượu, thịt trâu, hoa quả mọi vật, mong hương lý sắm cho trâu rượu cỗ bàn mọi vật, nhi đồng một bữa no say, lúc này giúp nước có công, cha mẹ dân làng đều chịu ơn vua. Ngày ấy ngôi Thái Dương chính giữa, Đổng Thiết cả cười, vung tay chắc hơi, cất tiếng như sấm, mắt nhìn như điện. Tướng người dài hơn 18 thước, chưa kịp may áo. Khiến muôn quân tìm lấy mọi thứ hoa lau may tết làm áo mặc vạn hoa. Đổng Thiết bái tạ lão mẫu, nói: Mẹ là Thiên Thánh, ta là Thiên Thần, một ngày công lao rất lớn, ức năm hương hỏa không cùng. Thần vương bèn cưỡi ngựa sắt, tay cầm roi sắt, đầu đội nón sắt, mắt nhìn miệng chửi. Tiếng to như sấm, nói lên ta là Thiên tướng, sắc xuống giúp nước, ngựa sắt nhảy nhót hét lên lượn trên không mà bay, chớp mắt đến ngay trước mặt vua; Vua ngựa xem thần vương tay cầm roi sắt, phút chốc đến ngay chân núi Vũ Ninh đất An Việt. Đại chiến với Thạch linh Thần tướng ở sườn núi; Quận giặc Ân thua to tan chạy. Tức khắc bắt sống được Thạch linh Thần tướng đem chém tại chỗ. Còn sót dư đảng chưa kịp càn quét thì roi sắt đã gãy. Thần Vương vội vàng tót lấy những gốc tre làm ngà quét yên quân giặc. Thẳng đến núi Sóc Sơn xã Vệ Linh, huyện Kim Hoa, cởi áo vạn hoa, cưỡi ngựa sắt, nhảy lên trời, vượt mọi tầng mây mà đi. Nay còn dấu chân ngựa in trên hòn đá ở núi ấy.

Hùng Hoa Vương nghĩ đến việc giúp nước có luân lao to, chưa từng được trông mặt, mới 4 chỉ đến công đức, không lấy gì báo được. Bèn tôn làm Phù Đổng Đại Vương[14], cùng với thánh mẫu cùng dựng đền thờ ở nơi nền nhà cũ (nay ở xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, cùng với miếu điện ở thôn mã não xã Vệ Linh, huyện Kim Hoa), phụng cấp cho một trăm mẫu ruộng. Sau lại phong là Sùng Thiên Thần Vương (Chính Bắc đẩu thần Tinh quân đúng sinh là Sùng Thiên Thần Vương). Dựng miếu đường nghìn đời linh ứng, hưởng huyết thực hương hỏa muôn năm phụng sự.

Vua bèn ngày hôm sau dựng điện Cửu Trùng Tiêu ở ngay núi Nghĩa Lĩnh, để làm linh điện Kính Thiên. Thời thường chúc đảo thấu đến lòng trời, tự đấy trở đi Hải vũ yên lặng, nhà Ân bên Bắc, trải 27 đời vua, hưởng nước hơn 640 năm, không dám cất binh lai vãng đến nước Nam nữa.

Vua hưởng nước 81 năm, thọ 581 tuổi, vua mất vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, chôn ở Án Lĩnh, non Thín, núi Tiền Sơn, Tọa Kiền, hướng Tốn.
TS Lưu Văn Thành – Lưu Mạnh Khải


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)