Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 1/11/2014
E-mail     Bản in

Bà Thanh dân số
Từ lâu người dân ở thôn Đông Tảo, xã Thụy Hòa (Yên Phong) thường gọi bà Lưu Thị Thanh là “bà Thanh dân số”. Bước chân dù có mỏi nhưng lòng nhiệt tình, say mê với cái nghề vẫn được gọi là “vác tù và hàng tổng” trong bà dường như chưa bao giờ vơi cạn. Bà là Lưu Thị Thanh, sinh năm 1959, cộng tác viên dân số-KHHGĐ thôn Đông Tảo.
 
Là cộng tác viên DS-KHHGĐ từ năm 1993 đến nay bà đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm quý. Những năm đầu làm cộng tác viên dân số là thời gian khó khăn vất vả nhất đối với bà. Làm một cộng tác viên dân số phải có đức tính nhẫn nại và đặc biệt phải có sự yêu nghề, say nghề. Theo bà, việc tuyên truyền, vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch không chỉ đơn thuần là đến nhà vận động mà quan trọng là thông qua tuyên truyền làm thay đổi được nhận thức của người dân. Muốn vậy người cộng tác viên dân số phải có cách sống thân mật, gần gũi với bà con, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng, từ đó bằng cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu được ý nghĩa và thực tế của việc sinh ít con.
 
 
Bà Lưu Thị Thanh phát thuốc tránh thai và tuyên truyền thực hiện KHHGĐ tại các gia đình trong thôn.
 
Có những cặp vợ chồng bà đến tuyên truyền họ chưa hiểu, còn vứt tờ rơi tuyên truyền ngay khi vừa phát. Nhưng với phương châm một lần đến không được, đến hai, ba lần có khi 4, 5 lần, bằng mọi cách thuyết phục để họ hiểu ra vấn đề để thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh gia đình, xã hội… nên bà đã thành công. Trải qua 6, 7 năm đầu việc tuyên truyền, vận động bà gặp nhiều khó khăn, bởi nhận thức của người dân về việc sinh con vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến, đa số người dân đều muốn sinh con trai để nối dõi tông đường. Hàng ngày, bà tranh thủ buổi trưa, buổi tối đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động.

Đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề bà đến nhà trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kết hợp với tư vấn, vận động họ thực hiện KHHGĐ. Trong quá trình vận động, bà khéo léo nêu gương những cặp vợ chồng sinh 2 con, gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để mọi người học hỏi và làm theo. Theo kinh nhiệm của bà, người cộng tác viên dân số phải thân thiện với đối tượng tham gia, phải nhiệt tình giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn, không nề hà vất vả và phải có kiến thức chuyên môn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Bà nhớ lại: Năm 2003, khi có Pháp lệnh Dân số, nắm bắt tình hình tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba có nguy cơ tăng cao do người dân chưa hiểu đầy đủ về Pháp lệnh Dân số, bà đã kịp thời tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể cùng phối hợp tuyên truyền để có định hướng đúng đắn cho người dân. Từ sự chỉ đạo kịp thời này, trong khi phần lớn số xã trong huyện tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng, riêng thôn Đông Tảo vẫn giữ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn Đông Tảo cho biết: Thôn Đông Tảo có hơn 1.000 nhân khẩu, hơn 300 hộ dân. Nhân dân trong thôn luôn thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình. Bà Thanh là một người nhiệt tình trong công tác dân số. Với tính cách thân thiện, gần gũi bà được nhiều chị em trong thôn quý mến để chia sẻ, tâm sự những vấn đề liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Việc tuyên tuyền về công tác DS-KHHGĐ của bà đã được nhiều cặp vợ chồng tin tưởng và cảm ơn khi biết rõ lợi ích thiết thực của việc sinh ít con.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Yên Phong nhận xét: Bà Thanh là một cộng tác viên dân số nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Bà luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nên không những có kinh nghiệm mà còn có kiến thức đầy đủ để thực hiện tốt việc tuyên truyền DS-KHHGĐ.

Ở hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả, chồng là thương binh nặng bà phải gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình nhưng chưa bao giờ bà có ý định từ bỏ làm CTV dân số. Với những cống hiến của bà trong công tác dân số bà vinh dự được nhận 2 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích tiêu biểu trong công tác DS-KHHGĐ. Bà bộc bạch: Niềm hạnh phúc lớn nhất trong quá trình làm CTV dân số của tôi không chỉ là những Giấy khen, Bằng khen mà là mọi người dân trong thôn hiểu và thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, biết nâng niu và quý trọng hạnh phúc gia đình.
Theo MINH HƯỜNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)