Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 1/10/2013
E-mail     Bản in

Lưu Đức Hiệp: Muốn thay đổi thế giới chúng ta phải hành động ngay!
Nếu 1 nhà tài trợ đến và nói “Tôi cho anh hàng trăm tỉ và hai tháng để thực hiện một thay đổi xã hội” thì tôi sẽ nói “Anh cho tôi 20 năm và vài trăm nghìn cũng được”. Phải kiên nhẫn khi làm những công việc về xã hội và phát triển niềm tin của mình một cách vững chắc để thành một kim chỉ nam cho mình, để mình tiếp tục tiến về phía trước. Nếu cứ đợi người khác đến và nói: “Hiệp ơi, cố lên đi” thì không thể có.

LƯU ĐỨC HIỆP

Hành trình đến với môi trường của tôi rất tình cờ. Tôi sang Anh học đại học về xây dựng vì muốn tìm hiểu ngành xây dựng của các nước phát triển. Sau hai năm học, tôi cảm thấy có gì thiếu thiếu trong việc học của mình “Hình như mình đang học để phá hoại môi trường, chứ không phải bảo vệ môi trường, giữ gìn một môi trường bền vững cho nhân loại.” Một ngày khi đang lang thang trong thư viện, tôi bắt đầu tìm đọc những cuốn sách về môi trường và tìm ra phần “còn thiếu thiếu” của mình. Tôi tự nhủ “những cái mình học về xây dựng đã là rất hay, nếu được kết hợp với những cái về môi trường sẽ còn hay hơn nữa.” Môi trường cuốn hút tôi mãnh liệt. Từ đó tôi lang thang ở tầng sách về môi trường trong thư viện thường xuyên hơn cả tầng sách về ngành học của mình.

Hành động nhỏ để theo đuổi đam mê lớn…

Mỗi dịp về Việt Nam nghỉ hè, tôi lại tham gia vào những hoạt động về môi trường như chiến dịch “Nâng cao nhận thức của các bạn trẻ Hà Nội về môi trường” trên diễn đàn Trái tim Việt Nam Online, Greenzoom (Lăng kính xanh) – dự án “nhiếp ảnh nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường”. Ban đầu tôi chỉ nghĩ mình đang theo đuổi sở thích để thỏa mãn đam mê của mình về môi trường, nhưng nó ngấm vào tôi lúc nào không hay.

Sau khi tốt nghiệp, tôi trăn trở làm sao để biến mong muốn “kết hợp xây dựng và môi trường” thành hiện thực. Vậy là tôi “khăn gói quả mướp” sang Úc học một khóa về “Xây dựng bền vững”.Những cái gọi là sở thích, nhiệt huyết sẽ phát triển qua thời gian. Phải không ngừng tìm kiếm và sẽ tìm thấy sở thích của mình, và khi đã tìm ra rồi thì hãy nắm lấy nó và hãy làm nó. Có thể thử bằng một việc rất nhỏ. Tất cả chỉ bắt đầu từ những hiểu biết của mình về vấn đề này, từ những hành động rất nhỏ để hiện thực hóa điều mình muốn, đó là cách hay nhất để bắt đầu hành trình theo đuổi đam mê.

Làm sao để các bạn chọn chúng tôi thay vì Harry Potter…

Khi về tới Việt Nam, tôi nghĩ “Tại sao lại không thử một cái gì đó của riêng mình?”  Làm việc gì cũng vậy, kể cả việc thay đổi thế giới, giống như muốn đi từ điểm A đến điểm B, chúng ta phải tính đến nhiều con đường, nhiều phương tiện khác nhau. Từ trước đến giờ tôi rất hâm mộ các tổ chức phi chính phủ. Ban đầu tôi muốn thành lập một NGO và thay đổi thế giới tuy nhiên điều này không hề dễ dàng với một người trẻ. Cuối cùng tôi và vài người bạn cùng chung đam mê với môi trường, xây dựng và phát triển bền vững đã quyết định mở công ty Greennocom. Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi mất hơn một năm rưỡi để tìm định hướng cho doanh nghiệp. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người, từ ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè đồng nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp đã làm tư vấn về môi trường, nhưng tôi là người nói nhiều nhất về kinh doanh xanh, xây dựng xanh và bền vững. Chúng tôi muốn phát triển Greennocom thành một cái gì đó lớn hơn một doanh nghiệp, một cái gì đó có tác động tích cực đến xã hội.

Greennocom tập trung vào 2 mảng
+ Truyền thông: phổ biến khái niệm về kinh doanh xanh và phát triển bền vững
+ Tư vấn: tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng và vận hành tòa nhà thân thiện với môi trường hơn.

Năm 2009, tôi cảm thấy làm việc với các doanh nghiệp là chưa đủ và muốn tiếp cận với các bạn sinh viên, bởi sinh viên chính là những người tham gia các doanh nghiệp và tổ chức trong tương lai. Chúng tôi viết dự án, xin tài trợ, mất ba tháng để tìm người cùng làm. Lúc đầu rất khó khăn bởi chưa ai hiểu nhiều về vấn đề này, và thiếu định hướng: làm thế nào để chuyển tải thông điệp một cách thật sáng tạo và mạnh mẽ đến giới trẻ. Cuối cùng nhờ sự nỗ lực của mọi người, sau rất nhiều nghiên cứu, mày mò, học hỏi từ người này người kia, chúng tôi bắt đầu chương trình YESE – một chương trình giáo dục về kinh doanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Ban tổ chức và thành viên YESE F2
YESE gồm 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: tổ chức hội thảo về doanh nhân xã hội, kinh doanh và phát triển bền vững;
+ Giai đoạn 2: tổ chức cho các bạn sinh viên đi thăm quan những doanh nghiệp xã hội ở Hà Nội
+ Giai đoạn 3: phát triển kinh doanh nhỏ từ những ý tưởng kinh doanh xã hội.
+ Tổng kết: ngày hội kinh doanh xã hội để các bạn YESErs trình bày về ý tưởng kinh doanh xã hội của mình.

Tôi tin là sẽ đến một lúc nào đó, những cái chúng tôi đang làm sẽ trở thành một việc bình thường. Mọi người sẽ cảm thấy “Tại sao lại không?” Cách đây 20 năm, khái niệm tài chính kiểm toán không có ở Việt Nam, nhưng đến bây giờ đã trở thành một cái chuẩn mà mọi người phải theo, một lẽ đương nhiên ở trên đời.

Tại sao những cái như kinh doanh bền vững, xây dựng bền vững không trở thành một lẽ thường tình? Tại sao mọi người không đến với nó như một cái gì đó bình thường, không phải điều gì to tát?

Nếu chúng ta không làm thì sẽ trở thành tụt hậu.

Như tất cả các công ty mới xây dựng khác, Greennocom và YESE gặp rất nhiều khó khăn.  Nhưng những khó khăn của Greennocom không giống như của các doanh nghiệp khác. Đầu tiên là khái niệm kinh doanh bền vững và doanh nhân xã hội còn khá mới. Các bạn tổ chức đến với mình luôn thắc mắc “Doanh nhân xã hội là gì? Phát triển bền vững là gì”.

Tôi đã phải giành rất nhiều thời gian để giảng giải và thuyết phục họ rằng nếu doanh nhân chỉ kinh doanh thôi thì không bền vững. Nếu các nhà hoạt động xã hội chỉ hoạt động xã hội thôi thì cũng không bền vững. Việc cần thiết là làm thế nào để hai đối tượng này đến với nhau.

Khó khăn thứ hai là tìm đội ngũ nòng cốt cho YESE. Tôi muốn các bạn từ 20 – 25 tuổi chạy dự án này và tôi chỉ là người hỗ trợ. Các bạn phải rất “máu”, phải rất nhiệt huyết thì mới làm “xương sống” cho một chương trình dài hơi như thế. Khó khăn thứ ba là có nhiều doanh nghiệp không quan tâm lắm đến những gì chúng tôi đang làm hoặc không coi phát triển bền vững là quan trọng, là một vấn đề cần được ưu tiên. Khó khăn cuối cùng là YESE phải cạnh tranh với rất nhiều các chương trình khác. Ví dụ như các chương trình giải trí, học tiếng Anh, các chương trình nghe có vẻ thực tiễn hơn là những gì YESE đang làm.

Các bạn sẽ gặp phải những lựa chọn như “Hôm nay phim Harry Potter mới ra rồi, lại vướng buổi học YESE, chọn cái nào bây giờ?” Nếu chọn phát triển YESE như một mô hình, mình phải làm sao để YESE chạy hiệu quả như một doanh nghiệp, làm thế nào để YESE đủ hấp dẫn để các bạn chọn chúng tôi thay vì Harry Potter. Thử thách này không hề dễ vượt qua, đòi hỏi nhiều thời gian và các tiếp cận sáng tạo với các bạn trẻ.

Cùng xây dựng hệ sinh thái để thay đổi

Làm trong lĩnh vực này đi đến đâu cũng thấy toàn những người quen cũ, quanh đi quẩn lại chỉ có từng đấy người đang đi chung đường với mình. Tôi chỉ mong ngày càng có nhiều “gương mặt mới”, những người có chung hoài bão và nhiệt huyết giống chúng tôi.

Có những lúc tôi cũng thấy chán nản, nhưng cũng có những lúc tôi cảm thấy “xuyên nóc”, sao cuộc đời lại đẹp thế, có những người tuyệt vời và họ cũng đang làm những việc như mình. Tôi may mắn có được sự hỗ trợ lớn từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Họ là nguồn động viên, nguồn cảm hứng cho tôi tiến lên. Tôi cố gắng tiếp cận với sự chán nản và hy vọng để giữ mình ở thế là mình hiểu những thực tế đang diễn ra và hiểu là vẫn có hy vọng ở phía trước. Như là đang đi trên dây. Khi bắt đầu làm một việc gì thì đều phải như thế.

"Khi bắt đầu làm việc gì thì phải bắt đầu ngay, bắt đầu ngay bây giờ, phải thay đổi thế giới ngay trong phút này. Khi bắt tay vào việc rồi thì phải từ từ mà làm, kiên nhẫn mà làm. Ngã lại đứng dậy, ngã lại đứng dậy, ngã lại đứng dậy."

Kết quả những cái tôi làm được là những giá trị vô hình. Tôi không hề có huân chương huy chương gì cho những việc mình làm. Bố tôi có lần hỏi “Tôi thấy anh làm mà đường vẫn bụi lắm.” Những cái tôi làm vẫn rất bé, nó chưa đạt được tầm ảnh hưởng như tôi mong muốn. Cái tôi đạt được là có một tầm nhìn rõ ràng hơn. Tôi biết được là làm cách nào để đi được từ điểm A đến điểm B. Kết quả quan trọng nhất là mọi người thấy là có hy vọng để làm việc này. Nếu họ bảo “việc anh làm là vô vọng” thì phải xem lại cách mình đi.

Nếu một nhà tài trợ đến và nói “tôi cho anh hàng trăm tỉ và hai tháng để thực hiện một thay đổi xã hội” thì tôi sẽ nói “anh cho tôi 20 năm và vài trăm nghìn cũng được”. Phải kiên nhẫn khi làm những công việc về xã hội và phát triển niềm tin của mình một cách vững chắc để thành một kim chỉ nam cho mình, để mình tiếp tục tiến về phía trước.

Tôi tin là mỗi người Việt Nam đều có tình thần độc lập tự chủ, chỉ có điều là chưa được phát huy đúng mức. Nếu vào một lớp học và hỏi ở trong này có bao nhiêu người muốn khởi nghiệp, tôi tin là 70% giơ tay, có khi còn nhiều hơn. Điểm yếu của chúng ta là, trong thời bình, làm thế nào để những người có tinh thần độc lập tự chủ làm việc với nhau một cách có hiệu quả (làm việc nhóm, làm việc trong cộng động). Liệu cộng đồng ấy có thể hỗ trợ lẫn nhau được không? Ở nước khác, thành công không phải của một cá nhân mà là thành công do cộng đồng có thể làm việc với nhau, đẩy nó lên thành một trào lưu lớn. Ví dụ những câu chuyện thành công của Bill Gates, nhưng những thành công như thế phải có một hệ sinh thái, một mảnh đất để nuôi dưỡng. Chúng ta bây giờ đang cần những cái như vậy. Những cái như YESE hay Greennocom có thể được coi là những cái cây, một phần của hệ sinh thái, đất hiện rất hoang sơ và chúng ta cần phải xây dựng nó lên để thay đổi xã hội, thay đổi thế giới.

 

 

Theo http://inspiringyouths.wordpress.com/