Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 1/1/2012
E-mail     Bản in

Lưu Trọng Ninh thích chơi với người điều tiếng
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh : "Tôi thích chơi với những người điều tiếng vì tôi nghĩ họ có những điểm để mình học. Còn tôi sợ những người tốt quá, không làm mếch lòng ai cả, có lẽ đó là những người quá khôn", đạo diễn của "Dốc tình" tâm sự.

 

- Anh đã "mất hút" chính xác là mấy năm trên phim trường điện ảnh?

- 6 năm. Vì không muốn làm phim bao cấp. Còn tư nhân làm phim mới rộ lên vài năm nay, với họ, đạo diễn phía Bắc chưa đáng tin cậy lắm vì cách tư duy và môi trường sống. Tôi cũng có một số lời dạm hỏi, nhưng làm phim tư nhân như một canh bạc vì không thể thất bại. Tôi chưa đủ lực để làm chuyện đó. Điện ảnh đến với người xem đầy phiêu lưu và thị trường thì quá đỏng đảnh. 

- Đang yên lành ở Hà Nội, anh vù vào TP HCM, 2 năm làm một phim truyền hình ("Dốc tình" dài 54 tập - 30 phút/tập) thế là nhiều hay ít?

- Ít, nhưng tôi thích thú với Dốc tình vì làm phim về đề tài trẻ và diễn viên hầu hết là trẻ. 

- Đang làm phim nhựa, ngoặt sang phim truyền hình. Người ta nói đó là bước lùi sự nghiệp của anh. Anh nghĩ sao?

- Không bao giờ tôi coi thường phim truyền hình. Làm phim nhựa nhiều khi cũng chỉ là phù phiếm, quanh quẩn mấy liên hoan, mấy giải nhỏ quốc tế. Trong khi làm phim truyền hình hữu dụng hơn nhiều, đóng góp cho đời nhiều hơn, dù nghe có vẻ văn vở.

- Anh quan tâm gì đến thời sự điện ảnh nước nhà?

- Tôi hơi bị xa. Cũng nghe nói vài chuyện về LHP 14 vừa qua, theo tôi, người thua giải cũng không nên buồn và người được cũng chẳng nên quá hãnh diện. Những cô gái chân dài tôi có xem, nhiều sức trẻ nhưng cóp nhặt lung tung phim nước ngoài. Dù đạt mục đích ăn khách đã là giỏi.

- Vì sao anh không "dám" làm phim ăn khách?

- Tôi không nghĩ làm phim ăn khách nhất thiết phải là đề tài về gái, khai thác hết thì làm gì? Để thuyết phục khán giả thì tận cùng vẫn là phim hay. Mà khán giả VN thì tuyệt vời lắm, khó có đâu bằng vì họ vẫn yêu điện ảnh VN đến thế, trong khi chất lượng phim chỉ vậy!

- Với anh, thế nào là hay?

- Điện ảnh đến với khán giả trẻ là chính, và họ không thể xem những câu chuyện không phải của họ. Những chàng trai, cô gái với ý chí quyết liệt vươn lên trong cuộc sống đặc biệt là trong nghịch cảnh không hấp dẫn sao? Nhưng hay có hai dạng. Một là cuốn hút khán giả vào câu chuyện phim (xung đột, tiết tấu, kỹ xảo...). Hai là tạo sự đồng cảm với khán giả. Họ cảm nhận số phận của nhân vật có sự gần gũi, tương đồng với mình.

- Anh theo loại nào?

- Loại một khó vì điện ảnh là công nghệ, ta khó vươn tới. Loại một là dạng phim Mỹ, còn loại hai như phim Trung Quốc, Hàn Quốc dễ đồng cảm với ta hơn.

- Anh cho rằng mình đã đi đến cùng trong nghệ thuật?

- Chưa, vì con người là sản phẩm của xã hội. Tôi đã sống trong một giai đoạn dài cái chung lớn hơn cái riêng, mà muốn đến tận cùng nghệ thuật phải đi đến tận cùng cái riêng. 

Người ta nói Lưu Trọng Ninh là một đạo diễn giàu cá tính và thật sự cũng nhiều "tai tiếng" từ chuyện kiện tụng, va chạm...? Anh nói sao?

- Tôi đã quá thấm cái bi kịch của một người nổi tiếng. Khi nổi tiếng, anh trở thành hàng hoá và người khác có quyền xét đoán. Tôi là nguời sống theo bản năng, thích gì làm nấy. Cái hay là bạn thân hiểu tôi, còn người ở xa thì không hiểu. Nhiều chuyện rất đơn giản cũng bị thêm giấm, ớt vào.

- Hồi nhỏ, anh nghĩ gì về sự nổi tiếng?

- Đến giờ tôi vẫn thích sự nổi tiếng, đúng hơn là sự khẳng định. Marx nói: "Những người mạnh mẽ, có tài thường toả chút hào quang".  

- Khán giả còn có thể chờ đợi gì ở anh nữa?

- Đợt này ra Bắc, tôi sẽ làm phim nhựa. Tôi đang muốn vượt qua chính mình. Cảm giác muốn thế, còn qua được không lại khác.

Theo Báo Lao động