Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 1/1/2012
E-mail     Bản in

Đạo diễn LƯU TRỌNG NINH - Tôi thỏa hiệp !
“Lúc đầu, kịch bản phim “Khát vọng Thăng Long” kể về chuyện tình tay ba giữa Lý Công Uẩn, Lê Ngọa Triều và một cô gái thành Đại La. Nhưng nhà đầu tư nói, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đó phải là bộ phim về một vị hoàng đế chứ không phải con người đơn giản. Và tôi đã thỏa hiệp” - Lưu Trọng Ninh, đạo diễn phim “Khát vọng Thăng Long” nói.
Vì sao Lưu Trọng Ninh thỏa hiệp ?

12 năm mới trở lại là phim nhựa với Khát vọng Thăng Long, nhưng có vẻ bộ phim hơi khác với con người Lưu Trọng Ninh?

Phải nói là rất khác. Lúc đầu, tôi muốn dựng phim về câu chuyện tình tay ba giữa Lý Công Uẩn, Lê Ngọa Triều và một cô gái thành Đại La. Nhưng nhà đầu tư nói, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đó phải là bộ phim về một vị hoàng đế chứ không phải con người đơn giản. Tôi thỏa hiệp.

Có người sẽ nói, nếu là Lưu Trọng Ninh của 12 năm trước, chắc chắn sẽ không có chuyện như thế?

Phải thẳng thắn rằng, không như vậy họ sẽ không đầu tư. Trong khi ngẫm lại, 1000 năm có một, qua dịp này có thể sẽ không ai nghĩ đến chuyện làm phim về chủ đề này nữa. Vì vậy tôi quyết tâm làm.

Mà cuối cùng chúng ta là những người đi làm thuê, có nghĩa là phải chiều theo một cái gì đó của ai đó. Trong cái đó, phải tìm cái của mình. Vậy thôi.  
 

2.jpg

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ảnh Huấn Cao

Cách đây 10 năm, không ai nghĩ anh sẽ làm phim truyền hình, cũng như giờ đây, nhiều người bất ngờ khi anh làm phim lịch sử?

Tôi thấy làm phim truyền hình kiếm sống tốt lắm. Còn một lý do nữa là đời mình làm phim chẳng lẽ không có ai xem. Làm phim nhựa rất tốt nhưng không có người xem mà phương tiện truyền hình đến được nhiều người.

Anh có bằng lòng với bộ phim này không?

Chẳng ai bằng lòng với tác phẩm của mình. Chỉ có điều là làm xong phim tôi và nhà đầu tư ngồi với nhau được. Và cô ấy nói, mời tôi làm đạo diễn phim là lựa chọn chính xác.

Nó chỉ đạt tới mức độ đấy thôi chứ bây giờ tôi bảo phim tôi hay thì thật vô duyên.

Chỉ manh nha nói được về thời kỳ trí thức thực sự có quyền lực

Để dựng phim, anh có đọc sách sử, nói chuyện với các nhà sử học nhiều không?

Đọc quá nhiều và trao đổi quá nhiều. Sau đó thấy là vô nghĩa. Bởi vì nếu dựa vào họ mình không bao giờ làm được phim. Mỗi người nói theo một cảm quan khác nhau mà kết lại cũng chỉ chừng này câu chuyện: sinh ra năm bao nhiêu, lên ngôi năm bao nhiêu…

 1.jpg

 

"Tại sao hỏi một đạo diễn phim có xem phim,sách Trung Quốc không ?" Ảnh :Huấn Cao

Anh lý giải nhân vật, lý giải triều đại đó theo cách hiểu của anh?

Bộ phim này không nhằm chứng minh lịch sử. Nếu đúng lịch sử thì phụ nữ phải nhuộm răng đen, Lý Công Uẩn cao 1,55m, cưỡi ngựa… thành quách nhà Tiền Lê thật là sơ sài, người dân thật là nhỏ bé… Nhưng tất cả những chuyện đó đều không quan trọng, nhu cầu người xem là quan trọng nhất.

Nghĩa là đạo diễn chỉ có thể gửi gắm điều gì đó vào bộ phim thôi?

Cũng không cao siêu gì chuyện gửi gắm. Nhưng theo tôi, triều Lý là triều đại mà trí thức thực sự có quyền lực và quyền lực lớn nhất. Theo tôi, đây là điểm lớn nhất của triều đại này. Trí thức ở đây là tinh hoa Phật giáo, nhà chùa không chỉ là nhà chùa mà còn là trường học, bệnh viện, là nơi tế lễ, tết nhất.

Đứng sau Lý Công Uẩn là sức mạnh của trí thức Phật giáo, ông lên ngôi vì được hậu thuẫn bởi sức mạnh đó. Và cũng không phải Công Uẩn dời đô mà sức mạnh ấy dời đô. Bộ phim “chạm nhẹ” được đến điều đó.

Đừng đặt vấn đề khác Trung Quốc

Anh có hay xem phim Trung Quốc và đọc sách Trung Quốc?

Đó là một câu hỏi sai. Tại sao hỏi một đạo diễn phim có xem phim Trung Quốc, sách Trung Quốc không.

Phim Trung Quốc có hay không? Hay! Chính vì nó hay mới là nỗi sợ của mình. Tại sao mình phải tránh nó?

Vì có những thứ mình bị nhiễm lúc nào không biết?

Đôi khi sự khác nó chỉ cách nhau chút xíu, phải kỹ lắm mới thể hiện qua hình ảnh được. Ví dụ như màu sắc, Trung Quốc lấy sông Hoàng là triết học, mình lấy sông Hồng. Trung Quốc lấy màu vàng, mình lấy màu đỏ, kiến trúc Trung Quốc thì cao và kín, mình thì thấp và mở, ngói mộc, gỗ mộc, gạch mộc, không sơn son thiếp vàng được.

Mà cũng có thể vua chúa cũng sơn son thiếp vàng nhưng nếu có có chi tiết sơn son thiếp vàng trong phim Việt là người ta lại bảo giống Trung Quốc.

Vậy thì Việt Nam khác các nước ở cái gì là đặc trưng nhất?

Theo tôi, điều đó không nằm nhiều ở công trình kiến trúc, phục trang mà nó là tâm hồn Việt. Đó là làng quê Việt, chợ Việt, trường học Việt - nơi đó hồn Việt vẫn tồn tại tới bây giờ. Cái hồn Việt đó không chỉ là hình ảnh. Nếu anh làm phim cho ra được cái hồn Việt người ta sẽ nhận ra ngay và mặc nhiên công nhận. Lúc đó sẽ không cần phải đặt vấn đề giống hay khác Trung Quốc nữa. 

 Có một điều phải nói là người Việt xem phim Trung Quốc nhiều quá cho nên ám ảnh về sự giống nhau. Ví dụ như ngôn ngữ, khi phim Trung Quốc dịch ra tiếng Việt thì vẫn nguyên vẹn các từ: “Hoàng thượng giá lâm!”. Nếu nghe lại 4 chữ này từ phim Việt lại bảo là giống Trung Quốc. Thì “Hoàng thượng giá lâm” có nghĩa là “ông vua đến”, có gì khác đâu.

Đó là một bài toán cực kỳ khó. Cái quan trọng nhất tôi nghĩ báo chí nên ủng hộ là: Đây là bộ phim tư nhân bỏ tiền ra mặc dù nhà đầu tư thừa biết là không bao giờ thu hồi đủ vốn. Tôi có thiện cảm với tư nhân bỏ tiền ra làm phim về những đề tài lớn của đất nước.

Sắp tới ngày công chiếu, anh có lo lắng bộ phim sẽ gặp phải “búa rìu” dư luận?

Một bộ phim không thể nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Với một bộ phim phải gánh quá nhiều sứ mạng như “Khát vọng Thăng Long”, làm xong là “bước lên đoạn đầu đài”, trở thành tâm điểm của dư luận.

Nhưng như tôi hay nói đùa rằng, đã làm thì chấp nhận thôi, có chết cũng chết cho anh hùng (cười).
 

 

Khát vọng Thăng Long là bộ phim nhựa lịch sử lấy bối cảnh 1000 năm về trước, kể về cuộc đời của vua Lý Thái Tổ, người đã có công dời đô từ cố đô Hoa Lư về Đại La (Thủ đô Hà Nội bây giờ). Nội dung phim khắc họa hình ảnh Lý Thái Tổ ở bốn giai đoạn: Từ lúc còn nhỏ, trưởng thành, vào cung cho tới khi ông ban chiếu dời đô.

 
“Khát vọng Thăng Long” không phải là một bộ phim, nó mang quá nhiều chức năng sứ mạng.  Dù chỉ là một đóng góp nhỏ cho Đại lễ nhưng bộ phim là hình ảnh, tuyên ngôn duy nhất về thời điểm lịch sử cách đây 1000 năm: Lý Công Uẩn là ai, sống ra sao, người dân khi đó sống như thế nào… Khán giả muốn xem đúng lịch sử thế nào và điều đó là cực khó.

Cuộc đời của Lý Công Uẩn không có những âm mưu, hoặc giả có nhưng họ đã che giấu nó. Ông bước ra từ đạo Phật hiền lành, lên ngôi, không chiến tranh, không có ngoại xâm. Đây là triều vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam không có chiến tranh. Hình ảnh Lý Công Uẩn trong dân gian, trong lịch sử tròn như mặt trời. Đạo diễn không thể làm khác mong muốn của người xem trong khi, thông thường, cá tính nhân vật được bộc lộ tốt nhất qua những cái xấu.

 

Khát vọng Thăng Long dài 110 phút, được thực hiện trong 12 tháng do công ty CP Kỷ Nguyên Sáng sản xuất và đầu tư. Kịch bản: Charlie Nguyễn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn võ thuật Johnny Trí Nguyễn. Diễn viên: Ngô Mỹ Uyên (vai Hoàng Hậu), Thạch Kim Long (vua Lê Đại Hành), siêu mẫu Quách Ngọc Ngoan (Lý Công Uẩn), MC Đình Toàn (Lê Long Đĩnh), Leon Quang Lê (Lê Long Cân), Thu Trang (Dạ Hương)… và hơn 1000 diễn viên quần chúng.

Bộ phim được công chiếu ngày 7/10/2011

  

Theo Bee.net.vn