Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 09/8/2014
E-mail     Bản in

Điều chỉnh giá viện phí để phục vụ lợi ích người bệnh
(Chinhphu.vn) - Bắt đầu từ ngày 10/8/2014, Hà Nội sẽ có hơn 1.300 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá và bổsung giá cho 135 dịch vụ kỹ thuật y tế cho các bệnh viện thuộc TP Hà Nội.

Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Tú Mai

Theo bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh giá này nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt quy định về y đức và quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các cơ sở y tế.

Giải thích về việc điều chỉnh giá, bà Lưu Thị Liên cho biết, do hiện nay tại các bệnh viện thuộc thành phố TP Hà Nội còn hơn 1.300 dịch vụ kỹ thuật y tế vẫn áp dụng mức giá từ năm 2006 (65%-80%), trong khi đó các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ ngành đã thực hiện mức giá từ 95%-100% theo Thông tư 03 của Bộ Y tế. Cùng với đó là giá cả thị trường ngày càng tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào của dịch vụ, vì vậy đã dẫn tới tình trạng bất cập là nguồn thu không đủ để bù chi cho các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó các cơ sở khám chữa bệnh rất khó khăn để có nguồn kinh phí tái đầu tư các trang thiết bị, máy móc... Do đó, ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội và Tài chính đã thống nhất xin điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh phê duyệt giá của 135 dịch vụ kỹ thuật mới mà các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã thực hiện được nhưng chưa có giá thanh toán với BHXH thành phố thanh quyết toán.

Tác động tích cực đối với người dân

Theo bà Lưu Thị Liên, qua những đánh giá, theo dõi và tính toán của ngành Y tế thì việc điều chỉnh giá viện phí này không có sự tác động tiêu cực đối với người dân mà ngược lại nó có tác động rất tích cực.

Cụ thể, khi điều chỉnh giá viện phí thì cơ sở khám chữa bệnh sẽ có thêm phần kinh phí để chi phí cho dịch vụ kỹ thuật, tất cả kinh phí này cho vào chi phí trực tiếp, không chi lương chi công cho cán bộ mà chi phí trực tiếp cho một dịch vụ kỹ thuật. Việc nâng cao chất lượng kỹ thuật đó đều phục vụ người dân, người dân chính là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng.

Đặc biệt, khi điều chỉnh giá thì toàn bộ giá dịch vụ này là do BHXH thanh toán, nếu phải đóng chi phí thì người dân cùng chi trả một phần, ít là 5%, nhiều nhất là 20%, điều đó không tác động gì nhiều tới người dân.

Còn đối với các đối tượng nghèo và cận nghèo, do hiện nay họ đã có thẻ bảo hiểm và BHXH sẽ thanh toán 100% nên không mất tiền chi phí. Vì vậy, việc điều chỉnh giá sẽ không ảnh hưởng tới các đối tượng này.

Riêng đối với những người dân không tham gia BHYT nhưng nằm trong diện nghèo và cận nghèo thì UBND thành phố đã chỉ đạo tất cả UBND các quận huyện, xã phường lập danh sách để thành phố cấp thẻ miễn phí cho họ, giúp họ tham gia BHYT và hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật y tế.

Bà Lưu Thị Liên cho biết thêm, một tác động rất tích cực của việc điều chỉnh giá viện phí này là sẽ giúp người dân tham gia BHYT và hướng tới toàn dân thực hiện BHYT. Vì việc điều chỉnh này có mục đích là để có sự chênh lệch, nếu người dân không mua BHYT thì họ sẽ phải trả chi phí rất cao, ngược lại, nếu có BHYT thì BHYT sẽ chi trả cho người bệnh. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp các ngành hướng tới BHYT toàn dân, theo đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kỹ thuật này sẽ góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Để chuẩn bị cho việc tăng giá dịch vụ kỹ thuật, toàn ngành y tế Hà Nội đã triển khai sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị cho các cơ sở y tế; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế từ thành phố đến cơ sở.

Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới theo hướng mũi nhọn và chuyên sâu; công khai số điện thoại đường dây nóng ở các nơi để người dân dễ tiếp cận, giải quyết kịp thời các thắc mắc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh.

Thực hiện rà soát, cập nhật phần mềm tại các đơn vị theo bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh, niêm yết công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Khoa khám bệnh trên các bảng, khoa lâm sàng, cận lâm sàng… Đồng thời cử các đoàn kiểm tra giám sát tiến độ triển khai của các đơn vị đến hết ngày 9/8, để từ 0h ngày 10/8 sẽ bắt đầu thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc TP Hà Nội.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là mục tiêu hàng đầu

Được biết, sau một năm điều chỉnh giá của gần 1.000 dịch vụ y tế, đến nay các cơ sở khám chữa bệnh của TP Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt: các cơ sở y tế đã chích được 15% của công khám và giường bệnh ra để tái đầu tư cho việc nâng cấp, sơn sửa nhà khám chữa bệnh, đặc biệt là khu khám bệnh, hiện đã có quạt mát, có ghế ngồi, có nước để uống, các phòng khám đã có điều hòa, có hệ thống gọi số tự động để đảm bảo việc ai đến trước ai đến sau, đội ngũ nhân viên tiêp đón bệnh nhân cũng có sự chuyển biến…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Thị Liên, việc nâng cấp tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được bắt đầu từ khoa khám bệnh sau đó sẽ đến khoa hồi sức cấp cứu và dần dần tới các khoa khác… Việc nâng cấp này cũng phải tiến hành từng bước, không thể nâng cấp đồng loạt cùng một lúc vì từ 15% của nguồn thu từ công khám và giường bệnh là con số không lớn để có thể chia đều cho 46 đơn vị thực hiện nâng cấp đồng bộ các dịch vụ kỹ thuật. Và đây cũng chính là một khó khăn của ngành Y tế Hà Nội.

Tuy vậy bà Lưu Thị Liên khẳng định, chắc chắn ngành Y tế Hà Nội và các đơn vị sẽ triển khai và sẽ thực hiện mọi biện pháp để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các đơn vị thuộc ngành Y tế Hà Nội sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Theo TÚ MAI


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)