Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 09/6/2016
E-mail     Bản in

Lưu Văn Lợi - Con người uyên bác và giản dị
Uyên bác là điều ai cũng có thể cảm nhận từ cụ, nhưng giản dị thì phải ai đến nhà mới thấy hết được.


Năm 1990 khi tôi “vào nghề” thì cụ Lưu Văn Lợi đã nghỉ hưu nên tôi không có cơ hội được gặp cụ trong Bộ Ngoại giao. Chỉ đến khi tôi muốn phỏng vấn các lão thành ngoại giao cho đề tài nghiên cứu sinh, tôi mới tìm đến cụ.
Nghiên cứu về đề tài quan hệ Mỹ-Việt-Trung trong suốt gần 50 năm (1950-1995) nên tôi có nhiều câu hỏi muốn hỏi cụ, người đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng của Ngoại giao Việt Nam suốt từ những năm kháng chiến chống Pháp cho đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Từ điển sống của ngành Ngoại giao

Điều làm tôi ngạc nhiên là cụ kể tất cả mọi chuyện như thể mọi thứ mới xảy ra ngày hôm qua. Sau này gặp cụ nhiều lần, mỗi lần một câu chuyện, nhưng chuyện nào cụ cũng nhớ đến từng chi tiết. Từ câu chuyện Hội nghị Trung Giã (7/1954) giữa Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp tại Đông Dương - câu chuyện ngoại giao đầu tiên của cụ, cho đến việc tham gia đàm phán Geneve, đàm phán Paris, những vấn đề biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng,... tất cả đều được cụ kể rõ đến từng chi tiết.
Có chuyện nhiều người từng kể nhưng cũng có những chuyện tôi chưa từng được nghe bao giờ. Cụ nhớ không chỉ những câu chuyện cụ tham gia mà cả những câu chuyện cụ được đọc, được nghe. Một con người khi tôi gặp đã 85 tuổi đời, kinh qua không biết bao nhiêu sự kiện lịch sử, đọc không biết bao nhiêu điều mà tất cả cụ đều nhớ như in. Có thể hình dung ra khối lượng thông tin là khủng khiếp như thế nào!
Bộ óc cụ như một máy tính lưu giữ tất cả thông tin đó và khi cần là cụ có thể “truy cập” được ngay. Nhiều người gọi cụ là bách khoa toàn thư, từ điển sống của Ngoại giao Việt Nam quả không sai. Có cái gì trong lịch sử Ngoại giao Việt Nam từ 1945 là cụ không biết và không nhớ đâu? Uyên bác là vậy!

Tư duy logic và chiến lược

Đôi lúc thử lý giải tại sao cụ lại nhớ nhiều đến thế, tôi nghĩ có hai điều giúp cụ nhớ nhiều việc: Thứ nhất, cụ luôn nghiền ngẫm các thông tin. Các thông tin đến là được phân tích, mổ xẻ nhiều lần và thành “nếp nhăn” trong não không thể phai mờ. Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, Chiến tranh Lạnh cho đến các sự kiện xảy ra trong khung thời gian đó, cụ đều nghiền ngẫm và xếp nó theo một logic nhân-quả, logic thời gian. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ đến các trận chiến lớn, đến các hoạt động ngoại giao chắc đều được cụ nghiền ngẫm và sắp xếp như vậy. Chính vì thế, khi cụ nói chuyện bao giờ cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự logic trong câu chuyện của cụ, mọi chuyện đều gắn với nhau thành một mạch, hấp dẫn có lập luận, logic…
Ông Lưu Văn Lợi trong một phiên đàm phán hòa bình tại Paris (người đeo kính ngồi thứ hai từ trái sang).
Điều thứ hai giúp cụ nhớ nhiều có lẽ là do trời phú cho cụ một trí nhớ như chiếc máy ảnh. Cái gì vào mắt cụ như được chụp và lưu vào trong bộ nhớ tạm thời vậy. Khi biết tôi đi gặp phỏng vấn cụ, cha tôi - người đã từng làm việc với cụ, nói cụ có cách làm việc kỳ lạ, rất ít khi thấy cụ đọc tin nhưng tin gì cụ cũng nắm. Đấy là người được thiên phú, có cách đọc lướt rất nhanh và chụp tất cả vào trong não.
Một ví dụ mà tôi không thể nào quên là khi đi dự Hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở bang Texas (Mỹ) năm 2002, cụ hỏi lại tôi một thông tin bạn mới cung cấp, tôi nhớ là tôi ghi vào một tờ giấy trong tập giấy tôi đang cầm. Cụ thấy tôi đi tìm thì nói luôn cháu ghi ở mặt sau của tờ chương trình! Lúc này cụ đã 89 tuổi (90 theo tuổi mụ), mà còn để ý và nhớ đến từng chi tiết, hơn nữa đấy không phải chi tiết của việc cụ làm mà là của người đi cùng. Đúng là trí nhớ siêu phàm!
Sau này đọc hồi ký “Gió bụi đường hoa” của cụ cứ ngẫm cụ viết hồi ký chắc đơn giản lắm vì tất cả ở trong đầu rồi cứ thế “chép” ra thôi. Ai đọc hồi ký của cụ đều thấy rất chi tiết chứ không chung chung. Tất cả đều được cụ lưu giữ trong đầu. Tôi cam đoan tất cả những chi tiết đấy, những câu chuyện đấy, nếu dựng cụ dậy vào nửa đêm hỏi thì cụ cũng sẽ nói vanh vách y như vậy.
Không chỉ là từ điển sống, cụ còn là người có tầm nhìn chiến lược. Cách đây đến cả 10 năm, có lần cụ tâm sự: “Bác đã đặt vấn đề phải đưa người của ta vào làm việc ở các tổ chức quốc tế từ lâu rồi”, chắc phải từ thời cụ còn làm việc là những năm 1980. Bây giờ vấn đề này vẫn đang là thời sự. Trong khi các nước láng giềng cũng có rất nhiều người làm ở các tổ chức quốc tế, còn Việt Nam chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lần khác, khi bàn về Biển Đông, cụ bảo chúng ta phải có chiến lược biển. Gần đây chúng ta đã có chiến lược biển, nhưng cứ nhìn tình hình Biển Đông hiện nay thì thấy vấn đề chiến lược cụ nói thể hiện tầm nhìn xa của cụ ra sao.

Một đời gió bụi giản đơn

Uyên bác là điều ai cũng có thể cảm nhận từ cụ, nhưng giản dị thì phải ai đến nhà mới thấy hết được. Gần 20 năm đi lại thăm cụ ở căn phòng nhỏ trên gác hai, ngôi nhà gần đầu đường Trần Hưng Đạo, tôi gần như không thấy thay đổi gì ngoài bộ bàn thờ dựng lên khi bác gái mất. Tất cả đồ đạc trong nhà đều từ những năm 1980. Trong ngôi nhà này, thời gian dường như ngừng trôi từ những năm 1980.
Điều này thực ra không có gì là khó hiểu, mấy chục năm làm ngoại giao nhưng chưa một lần “đi sứ”. Những lúc đi công tác là những lúc đất nước còn khó khăn, may lắm thì có thể tiết kiệm được vài đồng. Nghỉ hưu khi đất nước mới chuyển mình. Lương hưu dù có là lương hàm bộ trưởng thì cũng chỉ đủ ăn.
Cụ hay viết sách, báo cũng có một chút nhuận bút. Có lần, hai cụ cháu cùng nhau viết một cuốn sách, cụ cũng chia cho tôi một nửa nhuận bút. Nhưng tôi không nhận vì có đáng là bao. Khi tái bản tôi cũng kiên quyết không nhận phần của mình.
Hoàn cảnh của cụ vất vả lắm chứ. Cụ có cô con gái út hơn tôi vài tuổi nhưng ốm đau từ nhỏ, chỉ quanh quẩn ở nhà. Khi cụ bà còn sống, cụ còn được chăm chút. Nhưng khi cụ bà ra đi, mặc dù chị Tâm con dâu cụ vẫn chăm nom tận tụy và đầy đủ, nhưng chắc cũng không thể được như khi còn cụ bà. Ấy thế mà không khi nào cụ phàn nàn với tôi về đãi ngộ, về cuộc sống. Cụ gần như không có nhu cầu vật chất.
Năm 2002, khi Trường Đại học Kỹ thuật Texas (TTU) của Mỹ mời cụ tham gia Hội thảo chiến tranh Việt Nam ở thành phố nhỏ Lubbox, tôi nghe theo lời dặn của Thứ trưởng Trần Quang Cơ lúc đó đã nghỉ hưu, bay từ Washington xuống để giúp cụ.
Cụ đã 89 tuổi đi hơn 24 tiếng máy bay để tham dự Hội thảo. Tôi thực sự bất ngờ vì đến lúc ra về ban tổ chức không có đến 1 USD “pocket money” cho cụ. Người Mỹ có nguyên tắc của họ. Khi tôi hỏi tại sao lại đối xử như vậy với một cụ già đi nửa vòng trái đất đóng góp cho hội thảo, họ chỉ trả lời cho qua chuyện. Và kết quả vẫn là con số không.
Tôi đành mua ít bánh kẹo để biếu cụ mang làm quà cho người nhà. Nhưng cụ không mảy may kêu ca hay bức xúc. Chính tính giản dị đó của cụ đã thu phục được tình cảm của nhiều Việt kiều tham gia Hội thảo “ở phía bên kia”. Không những gặp gỡ quý mến nhau khi tham gia hội thảo, mà cả sau này có dịp về Hà Nội một số người vẫn tìm đến gặp cụ và hỏi thăm sức khỏe của cụ.
Trái tim đến với trái tim đơn giản là vậy. Cụ giản dị nhưng rất tinh tế. Có lần tôi mời cụ và cụ bà lại nhà dùng cơm, khi tôi hỏi cụ muốn uống gì thì cụ trả lời cụ thích Cognac (một loại rượu sản xuất tại vùng Cognac của Pháp, thường được biết đến với tên “Rượu Hoàng Đế” hay là vua rượu Brandy). Có lẽ thời trẻ, cụ đã theo gu Pháp. Thật tinh tế bởi không phải ai cũng biết cách thưởng thức loại rượu này. Cụ tuổi cao nên sau này tôi không dám biếu cụ rượu Cognac nhưng vẫn ấn tượng bởi sự tinh tế của cụ.
Có thể mọi người sẽ dùng rất nhiều tính từ để ca ngợi cụ, nhưng riêng tôi xin dùng hai chữ: uyên bác và giản dị. Sống giản dị mới có thời gian đọc và nghiền ngẫm để thành uyên bác. Dành hết thời gian để đọc để nghiền ngẫm trở nên uyên bác, làm sao còn thời gian vào những việc khác. Và như vậy, giản dị là đương nhiên!
Xin vĩnh biệt Cụ, nhà ngoại giao uyên bác và giản dị.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đến chào cụ Lưu Văn Lợi trước khi đi nhận nhiệm vụ tại Iran.
Ông Lưu Văn Lợi (1/7/1913-2/6/2016), quê quán Gia Lâm (Hà Nội). Tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, ông đã từng kinh qua các cương vị công tác: Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân; Vụ trưởng Vụ châu Á 2 và Chánh Văn phòng, Bộ Ngoại giao; thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris; Phó đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Ủy ban Liên hiệp bốn bên thi hành Hiệp định Paris; Phó Trưởng ban, Trưởng ban Biên giới của Chính phủ (nay là Ủy ban biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao). Ông Lưu Văn Lợi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương khác.
Nguyễn Hồng Thạch
Đại sứ Việt Nam tại Iran


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)