Ξ|Ξ   DOANH NHÂN ::. DOANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 08/7/2019
E-mail     Bản in

Chân dung doanh nhân kín tiếng Lưu Quang Lãm
(Nhàđầutư) - Trước khi lập CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP) với loạt hợp đồng “khủng” trong lĩnh vực giao thông vận tải, doanh nhân Lưu Quang Lãm từng có nhiều năm công tác tại Tổng công ty Sông đà rồi Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC).

Doanh nhân LƯU QUANG LÃM
Trước khi lập CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP) với loạt hợp đồng “khủng” trong lĩnh vực giao thông vận tải, doanh nhân Lưu Quang Lãm từng có nhiều năm công tác tại Tổng công ty Sông đà rồi Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC).
Doanh nhân kín tiếng
Ông Lưu Quang Lãm, sinh năm 1959, quê quán tại làng Thanh Hà, xã An Thịnh, Lương Tài, Bắc Ninh. Học hết cấp III, ông nhập ngũ và công tác tại Cục xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) vào cuối năm 1977. Sau 4 năm, ông xuất ngũ và học lớp đạo diễn sân khấu Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc. Giai đoạn 1984-1987, ông công tác tại Phòng Vật tư – CNV Quốc Phòng (Quân chủng Không quân) rồi Công ty Thiết bị Phụ tùng TP.HCM suốt nhiều năm sau đó.
Sự nghiệp của doanh nhân năm nay 60 tuổi bước sang một trang mới khi đảm trách Trưởng phòng dự án Tổng công ty Sông Đà chi nhánh TP.HCM từ năm 2003-2007. Khi ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Sông Đà) được Trung ương điều chuyển từ Phó Bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, ông Lãm cũng rút lui khỏi Tổng công ty Sông Đà và "tay ngang" sang Phó Giám đốc (sau là Giám đốc) Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) chi nhánh TP.HCM rồi Trưởng ban Rà soát hoạt động đầu tư & Tín dụng của PVFC TP.HCM trong 2 năm 2007-2008.
Doanh nhân họ Lưu sau đó không gắn bó với ngành dầu khí nữa, mà tới năm 2010 thành lập CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP) - hoạt động mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải - mảng kinh doanh mà trước đó ông chưa có nhiều trải nghiệm. 1 năm sau, "sếp cũ" của ông - ông Đinh La Thăng chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT.
Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện IMP hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do ông Lưu Quang Lãm làm Chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 74%.
Dù còn khá non trẻ, song với nguồn lực tài chính khá dồi dào, CTCP Đầu tư khai thác Cảng (IMP) đã liên tiếp trúng nhiều dự án lớn như liên danh với CTCP Xây dựng số 2, CTCP Ligogi 16 triển khai dự án BOT Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương có tổng vốn 1.679 tỷ đồng, trong đó IMP là nhà đầu tư lớn nhất với 40% cổ phần; Dự án nạo vét cửa sông Cổ Chiên (Châu Thành, Trà Vinh); Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp (Hải Phòng) giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BT với Cục Hàng hải Việt Nam; Dự án nạo vét thông luồng cửa biển Lễ Thịnh tại Phú Yên; Dự án luồng Soài Rạp dài 54 km, độ sâu 9,5 m đi qua Tiền Giang, Long An và TP.HCM.
Ở thời kỳ phát triển cực thịnh, IMP năm 2015 từng có ý định liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Công Italian Thai (ITD) của Thái Lan để thực hiện dự án đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức PPP với kinh phí khoảng 800 triệu USD.
Một mẩu tin trên Báo Giao thông đề cập về sự kiện này:"Ngay sau cuộc họp của Chủ tịch ITD với Bộ trưởng Đinh La Thăng hôm 13/2/2015 vừa qua, hợp đồng liên doanh đã được ký kết giữa công ty Thái Lan ITD và doanh nghiệp của Việt Nam là IMP", tuy nhiên cho đến nay không có nhiều thông tin về "số phận" của dự án gần tỷ đô này.
Thương vụ "1 vốn, 5 lời"
Đáng chú ý hơn cả, IMP cùng doanh nhân Lưu Quang Lãm ghi dấu ấn lớn trong thương vụ "1 vốn, 5 lời" đã được Nhadautu.vn đề cập.
Cụ thể, cuối năm 2013, đầu năm 2014, ngành giao thông có chủ trương cổ phần hoá Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN). Quyết định số 2189/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng phê duyệt giá trị cổ phần hóa SGN tính đến 31/3/2014 là 231,2 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 140,5 tỷ đồng.
Phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của SGN được coi là một trong những phiên IPO thành công nhất khi khối lượng đặt mua gấp 15 lần chào bán, giúp giá trúng bình quân lên tới 44.693 đồng/CP.
Tuy nhiên trước đó, 3 nhà đầu tư chiến lược đã "âm thầm" được lựa chọn là IMP mua 13% vốn với mức giá theo hợp đồng là 14.100 đồng/CP, CTCP Hàng không Vietjet mua 4% và CTCP Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt (2,25%).
Việc bán chỉ định cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược với giá thấp hơn nhiều so với phiên IPO gây ra nhiều dị nghị trong nội bộ ngành giao thông vận tải suốt nhiều năm sau đó mà cho tới nay các băn khoăn về tính minh bạch vẫn không có lời giải thích công khai.
Như đã biết, IMP của ông Lưu Quang Lãm vừa qua đã bán bớt 1,74 triệu cổ phần SGN cho Vietjet và thu về 141,5 tỷ đồng, tương đương 81.400 đồng/CP, gấp gần 6 lần giá vốn bỏ ra năm 2014. Sau thương vụ này, IMP vẫn còn 5,56 triệu cổ phần, tương ứng 7,6% vốn SGN có thị giá hiện nay là 230 tỷ đồng.
Được biết, toàn bộ 13% cổ phần SGN của IMP từng được thế chấp tại một ngân hàng ở Bắc Ninh - một pháp nhân có nhiều liên quan tới Viejet.
Hiện tại, ngoài IMP, doanh nhân gốc Bắc Ninh đang là chủ sở hữu/ đứng tên CTCP Đầu tư khai thác Cảng biển hàng hải An Thới, Công ty TNHH MTV Khai thác Cảng Kim Chân, Công ty TNHH MTV Khai thác Cảng – 287, CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng và Năng lượng, CTCP Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM) – đơn vị sở hữu hai kênh truyền hình Thethao TV và Bongda TV.
 
HÓA KHOA