Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 07/01/2010
E-mail     Bản in

Người anh hùng thủy điện Lưu Ban đã đi xa
Ngày 31/12/2009, "Anh hùng thủy điện" Lưu Ban (ảnh) đã về với đất, nơi ông cùng người dân xứ Quảng từng lập nên kỳ tích làm thủy điện nhỏ hòa vào điện lưới quốc gia từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khép lại ở tuổi 83, nhưng cuộc đời của người chủ nhiệm đầu tiên ở Duy Sơn 2 có nhiều câu chuyện thú vị chưa kể hết...

Gặp Lưu Ban khi ông đã vào ngưỡng bát tuần, còn thời điểm Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động (AHLĐ) cũng lùi xa hơn 20 năm, thấy mọi thứ đã đổi khác nhiều. Người anh hùng chân đất vang danh dạo nào trông hom hem, còn xứ sở Duy Sơn 2 cằn cỗi lại yên bình và xanh mướt lúa non...

Cây kẹo nhỏ của Lưu Ban 

Ông chống gậy chầm chậm bước ra ngõ, vừa đón khách vào nhà đã đánh tiếng: "Tánh tui ưa làm chứ không nói". Ông tự nhận mình là "dốt nát và mới qua yếu lược", nhưng vẫn thường chống gậy đi quanh thôn Chiêm Sơn, gõ cửa từng nhà mà "dằn mặt" các bậc phụ huynh: "Gia đình sắp bây có lo nổi cho con vô đại học không? Chừ sướng như ri mà không cho con học được thì mau... trả lại đất cho Nhà nước, dọn nhà lên núi mà ở đi, nghe!".

Nhắc lại ngày ra Hội trường Ba Đình (Hà Nội) đón nhận danh hiệu AHLĐ, năm 1985, nhiều kỷ niệm bắt đầu tuôn chảy. Có quá nhiều thông tin về ông suốt nhiều năm nay, về Duy Sơn 2, về thủy điện nhỏ... Nhưng có chuyện này hình như tôi mới nghe lần đầu. Chuyện rằng: phần thưởng kèm theo danh hiệu AHLĐ là 1.000 đồng, ông bỏ ra hết 700 đồng mua kẹo bánh về phát cho các cháu mẫu giáo ở Duy Sơn. Ông "tiêu bậy bạ" hết 200 đồng với anh em - tức nhâm nhi chút đỉnh. Còn 100 đồng, ông đưa vợ một nửa, nửa còn lại (50 đồng) ông mang tới biếu bà dì ruột gọi là cái tình của đứa cháu... Thế mới thấy trong Lưu Ban luôn có một phần của thế hệ trẻ đang sinh sôi.

Bất ngờ, ông tự vấn: Liệu có mấy đứa nhỏ ăn kẹo của anh hùng Lưu Ban ngày trước nay được vào đại học, cao đẳng?

"Làm" thủy điện

 
  Lưu Ban có tư duy táo bạo, nhìn xa trông rộng, nhất là ở vào thời điểm hơn 20 năm trước. Mặc dù là người ít học nhưng ông rất quyết đoán, và chính ông có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ của HTX bằng kinh phí HTX
 
  Phạm Văn Du, Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2
Lưu Ban đã thoát chết đầy may mắn trong đợt thảm sát bên chân đập Vĩnh Trinh ở Duy Xuyên hồi cuối tháng 1.1955. Cũng đã có lúc Lưu Ban bị tra tấn chết đi sống lại. Một lần, bị đánh từ 7 giờ tối đến 2 giờ chiều hôm sau, phát hiện Lưu Ban tắt thở, địch kêu người khiêng về nhà chôn. Khi láng giềng chuẩn bị mua hòm thì Lưu Ban tự nhiên cựa mình, than đau. Từ lúc ấy, có một người phụ nữ hằng ngày gánh mắm ra tận thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) đã tình nguyện đến chăm sóc ông. Rồi bà trở thành người vợ thứ hai, mãi đến ngày hôm nay lưng còng vẫn gắn bó...

Đất nước thống nhất, ông trải qua một vài công việc rồi chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2. Cũng từ đây, ông cùng nhiều người lao vào một mục tiêu mới, được xem như một kỳ tích: làm thủy điện. Và kỳ tích ấy, đương nhiên được "thêu dệt" bằng nhiều câu chuyện khác nhau. Đương kim Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2, ông Phạm Văn Du, nhắc lại vai trò của cựu Chủ nhiệm Lưu Ban đối với thủy điện Duy Sơn 2: "Lúc ấy, quả có việc ông Lưu Ban nghe nhắc đến chuyện "nước có thể làm ra thủy điện" nên quyết tâm theo đuổi. Và nhiều người đã đóng góp vào thời buổi ban đầu ấy với Lưu Ban, có thể kể đến kỹ sư điện than Nguyễn Đình Hảo - nguyên Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, ông Lê Đào - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Lê Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn...".

Chuyện sau đó thì ai cũng đã rõ: những ngày nhóm họp, đề xuất, quyết định, vận động nhân dân trong vùng nô nức "đi làm thủy điện nhỏ". Tưởng đơn giản vậy, nhưng đấy là cả một quãng thời gian dài khảo sát, thử nghiệm, thăm dò, thậm chí... bàn cãi. Thời bị giặc bắt nhốt ở Hòn Bằng (Duy Sơn), Lưu Ban nhìn đồi núi có cây cối xanh um trên tảng đá, dưới lòng suối cạn lại thấy đá nhẵn thín... thì quả quyết nơi này hẳn phải dồi dào nguồn nước. Cuối cùng, công trình thủy điện nhỏ công suất 400 kW đã thành công năm 1983, trở thành điểm sáng của cả nước. Muốn nâng công suất 1.200 kW, cần nguồn vốn đến 500 triệu đồng - số tiền khổng lồ bằng một nửa sản lượng lương thực cả năm của HTX giai đoạn ấy. Trong một lần đến thăm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) đã chịu trách nhiệm đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng "phá cơ chế" cho Duy Sơn 2 vay. Bây giờ thì nhà máy heo hút ấy đã "nâng" công suất lên 3.300 kW, mỗi năm chiếm đến 60% khoản lãi của HTX, tức hơn 1 tỉ đồng!

Duy Sơn 2 bán được điện, có nước sản xuất, và tên tuổi Lưu Ban bắt đầu lan xa. Khoảng năm 1991, công trình thủy điện nhỏ này hòa vào lưới điện quốc gia, hai năm trước khi Lưu Ban nghỉ. "Bây giờ vô trạm, anh em kỹ thuật sẽ mở cho nghe thông tin qua lại giữa Sông Đà và các thủy điện lớn khác, vui lắm!" - ông khoe.

Tâm anh hùng

Tôi lên thôn Chiêm Sơn và mang theo câu hỏi: Liệu danh hiệu anh hùng có là một "gánh nặng" suốt hơn 20 năm qua? Những ngày còn khỏe, buổi sáng lão anh hùng Lưu Ban vẫn chống gậy bước xuống mấy bậc thềm, rồi leo lên chiếc xe đạp cũ đi dạo quanh xóm. Ông bảo, danh hiệu anh hùng quan trọng lắm, nhưng ông không nghĩ đến nhiều "bởi danh hiệu là của mọi người". Hèn gì có người đã từng nói Lưu Ban có "tâm anh hùng". Ông động viên cả những người phụ nữ đang gò lưng đạp xe chở bó củi đi bán vì "kể cũng sướng hơn nếu so với cái thời còn gánh trên vai, đường không trải nhựa như bây giờ". Đến nước trộn hồ xây nhà, ông khoái chí bảo dân Duy Sơn "dám" lấy nước sạch để dùng. Và chúng tôi hiểu vì sao ở tuổi gần đất xa trời rồi mà ông vẫn luôn nghĩ tới chuyện nông dân Duy Sơn cần làm nghề dệt may mạnh hơn, phải giỏi như bên xã Duy Trinh (nơi có làng dệt truyền thống) để mau khấm khá...

Lưu Ban vẫn thế, với những câu chuyện gần gũi, chất phác. Chất phác như đã từng thể hiện ở cái thời làm thủy điện. Thời đó, ông kể với chúng tôi rằng để nài nỉ Tổng công ty Điện lực bán mấy ống sắt mang về xây bể áp lực dẫn nước vào tuốc-bin phát điện, trong giỏ xách làm quà mà Lưu Ban mang theo chỉ có trái đu đủ và mấy bó mía chặt khúc - tấm tình của một người nông dân chính hiệu.

Những ngày tuổi cao sức yếu, cụ Lưu Ban vẫn "bầu bạn" với chiếc xe đạp mà ông Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tặng từ hàng chục năm trước. Mỗi ngày, ông chọn cách đi bộ cho đôi chân khỏi bị teo cơ...
 

Phần mộ Anh hùng Lao động LƯU BAN

 

Theo Hứa Xuyên Huỳnh


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)