Ξ|Ξ   VƯỜN THƠ NHẠC ::. Góc Nhạc - Thơ.
Đăng ngày 06/10/2019
E-mail     Bản in

Thi sĩ Xuân Quỳnh: Còn mãi một tình yêu
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 06/10/2019, trên trang chủ Google xuất hiện hình ảnh nữ sĩ Xuân Quỳnh với hình ảnh sóng, thuyền và biển, như trong bài thơ nổi tiếng của bà. Đó là cách Google vinh danh nữ sĩ của tình yêu nhân Kỷ niệm Sinh nhật thi sĩ 6/10/1942 - 6/10/2019.
 Trong các thi nhân Việt Nam hiện đại nếu có thể dùng một chữ YÊU áp vào cho cuộc đời và thơ của họ thì một người không thể thiếu trong đó là Xuân Quỳnh. Một trong số ít. Yêu thực trong đời, yêu có hình hài con người cụ thể và đem cái người thực đời thực yêu ấy vào thơ. Yêu cho đến nỗi tiếng thơ là tiếng thổn thức đau đớn của lòng yêu.
Xuân Quỳnh yêu từ buổi ban đầu: Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh, đến tuổi ngả chiều: Chỉ còn em và anh/ Cùng tình yêu ở lại.

Hình ảnh nữ sĩ Xuân Quỳnh trên trang chủ Google ngày 06/10/2019
   Yêu từ ảo tưởng: Chẳng có thời gian, chẳng có không gian/ Chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn, đến xóa ảo tưởng: Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi.Yêu từ nỗi nhủ lòng: Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại/ Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh, đến linh cảm phấp phỏng: Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay? Yêu và tự biết tình yêu của mình “rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu được hết”, dẫu đã “em yêu anh, yêu anh như điên” và “nếu tôi yêu được một người / tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm”. Đó là chân dung Xuân Quỳnh trong đời và trong thơ.
   Yêu đối với Xuân Quỳnh đồng nghĩa với thơ. Và trong em không thể còn anh / Nếu ngày mai em không làm thơ nữa. Tương quan cặp đôi Thơ và Yêu, Anh và Em này đã cho nhà thơ dự cảm đúng những bài thơ chị viết khi yêu nhau về sau đọc chúng “có người còn xúc động”. Phải nói là có nhiều người còn xúc động đến nay và về sau nữa, khi đọc thơ tình của Xuân Quỳnh, của Lưu Quang Vũ.
   Người yêu, yêu thực người và yêu người thực, do đó là cảm xúc ý nghĩ thực trong tình yêu, luôn quên mình cho đối tượng yêu. Trong thơ Xuân Quỳnh thấy rõ sự hy sinh yêu này. Em có đem gì theo đâu/ em gửi lại cho anh tất cả. Tất cả là từ một chiều phố phường nổi gió, từ một đêm mất ngủ hát ru chồng, từ sân ga chiều em đi, từ một màu hoa cúc xanh hư thực... Từ tất cả những gì liên quan, gợi nhớ, nhắc nhở về người yêu và về tình yêu. Hạnh phúc nhất là được sống bằng yêu.
   Chỉ riêng điều được sống cùng nhau/ Niềm sung sướng với em là lớn nhất/ Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực/ Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.
Trong thơ Xuân Quỳnh hình ảnh “trái tim” là bình thường, vì ai cũng có nó trong lồng ngực, nhưng lại khác thường vì nó là trái tim không bình yên, “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Bốn câu thơ trên đây ai cũng vận được cho mình, nhưng đúng nhất là cho người viết ra chúng. Bởi câu thơ “chỉ riêng điều được sống cùng nhau” là một khát khao lớn, khát khao ngay cả khi đã thành hiện thực.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh
   Khi yêu, thời gian là một mối đe dọa. Càng đe dọa khi yêu luôn thắc thỏm lo âu về tình yêu thay đổi theo dòng thời gian. Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc. Đó là cảm thức thời gian trong chia ly của những cuộc ra đi. Đó cũng là cảm thức thời gian của những ngăn cách, trắc trở đời người. Xuân Quỳnh sống hết mình trong tình yêu và trong nỗi yêu trên cái chảy trôi ấy của năm tháng cuộc đời mình. Cho nên trong thơ chị, hiện hữu hạnh phúc được tính đếm bằng những khoảnh khắc anh ở bên em lúc này, tại đây. Khi đó và chỉ khi đó “niềm vui sướng trong ta là có thật”.
   Từ trái tim yêu một người, nhà thơ biết dạy con “yêu mẹ bằng con dế” gần gũi, thân thuộc. Đây cao hơn chuyện yêu, còn là chuyện tư duy cuộc đời. Một tư duy thơ Xuân Quỳnh.
   Từ trái tim yêu người, nhà thơ biết hòa mình vào cuộc đời rộng lớn của nhân dân: Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt, biết trân trọng những cái nhỏ mọn, khuất lấp như ngọn cỏ dại trên lối ta đi “không nghĩ đến nhưng mà vẫn có”, như loài hoa dại trên dãy Hoàng Liên Sơn “đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ”.
   Trái tim yêu ấy của Xuân Quỳnh đã ngừng đập vĩnh viễn bên chồng, nhà thơ Lưu Quang Vũ và đứa con chung của hai người, cháu Lưu Quỳnh Thơ, trong cái buổi chiều 29/8/1988 sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường 5, bên cầu Phú Lương (Hải Dương). Khi đó Xuân Quỳnh 46 tuổi, Lưu Quang Vũ 40 và cháu Mí 13.
   Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu từng là chủ đề của buổi tọa đàm nhân dịp 70 năm ngày sinh nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) do Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình cố nữ sĩ tổ chức năm 2012. Tấm ảnh trên phông nền buổi tọa đàm là của một Xuân Quỳnh trẻ trung khi mới bước vào thơ. Vì “sẽ có mãi cô bé mười sáu tuổi/ dẫu tóc em năm tháng đổi thay màu”. Vì người yêu là người trẻ, mà Xuân Quỳnh mãi là người yêu. Vì Xuân Quỳnh vẫn đang rất gần chúng ta, nếu nhà thơ còn sống, tuổi 70 chưa thể gọi bằng bà, chúng ta vẫn có chị để sẻ chia những nỗi niềm.
   Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu là để nói đến nốt nhạc ngân mạnh nhất, da diết nhất, vang xa nhất trong cuộc đời và trong thơ chị. Đồng thời, tên gọi đó cũng để biểu thị niềm đồng cảm và nỗi nhớ tiếc khôn nguôi của các đồng nghiệp và bạn đọc đối với chị - một nhà thơ sống bằng một TÌNH YÊU khát khao và khắc khoải.
   Yêu đối với Xuân Quỳnh không bao giờ là cuối khi đã có thể nói cùng người mình yêu: Sau bao điều cay cực nhất/ Anh là hạnh phúc đời em.
Yêu đối với Xuân Quỳnh là luôn lại bắt đầu: Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện/ Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu. Lời thơ viết gần hai năm trước khi nhà thơ qua đời bây giờ có thể đọc như một di chúc của Xuân Quỳnh. Về cuộc đời. Về tình yêu. Về thơ. Như Lưu Quang Vũ đã tiên cảm “bài hát ấy vẫn còn là dang dở”, nhưng cả hai anh chị đã như cùng nhắn nhủ “tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn”. Bởi vậy, Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu.
   Xuân Quỳnh (tên khai sinh Nguyễn Thị Xuân Quỳnh) sinh 06/10/1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Mất 29/8/1988. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1967). Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.
   Thơ:
- Tơ tằm- Chồi biếc (in chung, 1963)- Hoa dọc chiến hào (1968)- Gió Lào cát trắng (1974)- Lời ru trên mặt đất (1978)- Sân ga chiều em đi (1984)- Hoa cỏ may (1989, giải thưởng Hội Nhà văn VN 1990)- Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)- Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
   Sáng tác cho thiếu nhi:
- Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)- Mùa xuân trên cánh đồng (truyện, 1981)- Bầu trời trong quả trứng (thơ, 1982-1983)- Bến tàu trong thành phố (truyện, 1984)- Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)- Vẫn có ông trăng khác (truyện, 1986)
   Xuân Quỳnh từng kết hôn hai lần. Bà kết hôn lần đầu với nhạc công chơi đàn violon Lưu Quang Tuấn. Xuân Quỳnh và Lưu Quang Tuấn có một con trai tên là Lưu Tuấn    Anh. Sau khi li hôn chồng, bà vẫn ở chung một tòa nhà với chồng con ở phố Huế, Hà Nội.
   Lần thứ hai bà kết hôn với Lưu Quang Vũ (1948–1988) vào năm 1973. Lưu Quang Vũ kém Xuân Quỳnh 6 tuổi, đã ly dị vợ là NSƯT Tố Uyên (1948) vào năm 1972 và có một con trai riêng với Tố Uyên tên là Lưu Minh Vũ. Tháng 2 năm 1975, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có với nhau một con trai đặt tên là Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí). Lưu Quỳnh Thơ sau đó mất lúc 13 tuổi cùng với cha mẹ trong vụ tai nạn năm 1988.
X.N - Báo Thể thao & Văn hóa