Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 04/4/2020
E-mail     Bản in

Lưu Văn Lang (1880-1969): bác vật đầu tiên ở Đông Dương
Bác Vật Lưu Văn Lang sanh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Lưu Văn Lang là một nhà trí thức nổi tiếng của vùng Đất Phương Nam hồi đầu thế kỷ thứ XX. Ông sanh trưởng trong một gia đình nghèo, nhưng rất hiếu học Người Long Hồ (trích trong Hào kiệt đất phương Nam)

Kỹ sư LƯU VĂN LANG

Cha ông là ông Lưu Văn Cứng, một người thợ đục đá làm cối xay bột tại chợ Sa Đéc, nhưng ông quyết cho con mình được ăn học cho có chữ nghĩa với đời. Lại thêm Lưu Văn Lang là người có tư chất thông minh, học đâu biết đó, nên việc học hành của ông rất suôn sẻ.

Ngay từ nhỏ, khoảng 5 hay 6 tuổi ông đã được cha mẹ cho theo học chữ Nho, đến năm 10 tuổi thì bắt đầu học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Trong lớp, ông luôn tỏ ra là một trong những học sinh nổi trội. Do nhà nghèo nhưng siêng học và giỏi giang nên ngay từ lúc còn đang học trường tiểu học ở Sa Đéc, tiếng tăm của Lưu Văn Lang đã vang dội khắp nơi, nên ông rất được Chánh Tham Biện người Pháp yêu mến. Vì trường hợp của Lưu Văn Lang rất hy hữu, nên Chánh Tham Biện Sa Đéc đề nghị các quan chức địa phương cấp học bổng cho Lưu Văn Lang lên Sài Gòn học hết trung học. Sau đó, ông được tuyển thẳng vào trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Tại đây, ông đã làm rạng danh học sinh miền Tây, nhất là Sa Đéc. Ông học hành xuất sắc đến độ năm mới 17 tuổi khi vừa thi đậu bằng tú tài II với số điểm xuất sắc, đã được Thống Đốc Nam Kỳ cấp học bổng cho sang Pháp du học.

Sau khi đến Pháp, ông đã chăm chỉ học hành chứ không đua đòi ăn chơi như một số con nhà giàu thời đó. Ông được cho vào trường Bách Nghệ Trung Ương Ba Lê (Ingénieur Des Art Et Manufactures De L’École Centre de Paris). Năm 1904, ông tốt nghiệp hạng danh dự, hạng 8 trong số 250 sinh viên. Từ đó ông trở thành vị kỹ sư bá nghệ đầu tiên ở Đông Dương. Cũng chính từ đó, người dân miền đất phương Nam gọi ông là “Bác Vật Lang”. Biết ông là một nhân tài cho mẫu quốc Lang Sa, nên nhiều viên chức nhà trường đã khuyên ông nên ở lại Pháp; đồng thời rất nhiều công ty Pháp thời bấy giờ đã đưa ra những điều kiện ưu đãi đặc biệt nếu ông chịu làm việc cho họ, nhưng ông đã từ chối và quyết định lên đường về nước.

Khi về đến Việt Nam, dầu thực dân thời đó biết rõ tài của ông, nhưng họ vẫn còn đang bực tức về chuyện ông không chịu ở lại phục vụ cho mẫu quốc, nên lúc đó họ luôn luôn ém tài ông khi quyết định chuyển ông lên vùng biên giới Việt-Trung để khảo sát và thiết kế đường xe lửa qua Vân Nam. Tại đây ông đã chịu nhiều gian truân lắm mới hoàn tất tuyến đường xe lửa nối liền Việt Nam-Trung Hoa. Sau khi ông hoàn tất công trình mà những kỹ sư Pháp trước đây không làm nổi, năm 1909, người Pháp bèn đưa ông về Sài Gòn, làm việc tại Sở Công Chánh Đông Dương. Sau đó ít lâu ông được thăng chức Chánh sở Công Chánh(3) của sở này. Trong thời gian này, Bác Vật Lang thường đi công tác xem xét các công trình cầu đường và xây dựng tại các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau… Ông không chỉ được người dân miền Nam kính trọng gọi bằng “Quan Bác Vật Lang”, mà còn rất được các kỹ sư người Pháp kính nể.

Sau đó, ông cùng nhiều trí thức thành lập Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội và ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được du học, trở thành những nhà khoa học giúp ích cho đất nước về sau này. Năm 1930, chính phủ Pháp ủy nhiệm Bộ Lao Động và Vệ Sinh thưởng huy chương bạc cho phu nhân của kỹ sư Lưu Văn Lang vì bà đã giáo dục 9 người con thành tài. Những tờ báo ở Sài Gòn thời đó như tờ Phụ Nữ Tân Văn số 49 có đăng hình cả gia đình cụ Lưu Văn Lang và bài viết về tài đức của gia đình cụ Lang. Cùng năm 1930, ông và một số phú gia đương thời như các ông Huỳnh Đình Khiêm và Trần Trinh Trạch là ba nhà sáng lập Việt Nam Ngân Hàng ở Sài Gòn và ông được cử làm Chủ tịch. Năm 1933, Bác Vật Lang được bổ nhiệm làm Hội Viên Hội Đồng Danh Dự Cố Vấn và ở trong chức vụ này cho đến năm 1942. Đến năm 1940, ông hưu trí ở Sở Trường Tiền Sài Gòn.

Trong suốt thời gian còn tại chức ông đã hoàn tất những công trình mà người Pháp ở chính quốc cũng phải nễ phục. Chuyện là có một vị kỹ sư người Pháp làm kỹ sư trưởng trong công trình xây dựng một cây cầu trong vùng Khánh Hội, nay là quận 4 Sài Gòn. Sau khi thông xe, mỗi lần xe qua lại cầu đều bị rung rinh, người Pháp đã phái những kỹ sư bên Pháp qua để cố khắc phục nhưng vẫn không xong. Pháp đành mời Bác Vật Lang đến xem xét để chỉnh sửa lại. Sau khi khảo sát và thẩm định, Bác vật Lang đã áp dụng những kỹ thuật riêng của mình và kết quả hoàn mãn là cầu không còn rung rinh nữa. Một lần khác, cây cầu An Hữu nằm trên quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1, trong vùng Cổ Cò, quận Giáo Đức, tỉnh Mỹ Tho, cũng do một vị kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng, nhưng chân và móng cầu cứ bị sụp lún mãi, mà không có cách gì làm cho hết được. Sở Trường Tiền Mỹ Tho phải mời Bác Vật Lang đến chỉnh sửa, và chính ông đã làm cho chân cầu và móng cầu vững chắc đến ngày nay. Một lần về thăm quê hương Sa Đéc, khi đi ngang qua mũi Cần Dố, nay thuộc phường 3, thị xã Sa Đéc, đứng nhìn dòng chảy của sông Tiền Giang, Bác Vật Lang tiên đoán rồi đây khu vực này sẽ bị sạt lở, có thể sâu vô đất liền cả chục công đất.

Khi đó, người ta đều ngờ ngợ chứ không mấy tin lời ông nói, nhưng đến đầu thập niên 1950s thì những gì ông tiên đoán đều thành sự thật.

Vào khoảng năm 1930, cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu, được một viên kỹ sư người Pháp thiết kế và trông coi xây dựng. Sau khi hoàn tất và lệnh thông cầu sắp được ban ra. Nhân lần ấy, Bác Vật Lang đi công tác ở Bạc Liêu có ghé lại thăm. Trong khi nói chuyện với viên kỹ sư người Pháp, ông lấy gậy gõ vào thành cầu, rồi bảo viên kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu này sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp nghe xong nổi giận và không thèm nói chuyện với Bác Vật Lang nữa. Quả tình, khoảng một tháng sau thì cầu sập. Từ đó đến nay, dân địa phương không kêu cầu Long Thạnh nữa mà kêu bằng tên “Cầu Sập”. Sau khi xảy ra việc này, viên tham biện tỉnh Bạc Liêu rất khâm phục và đối xử với Bác Vật Lang rất hậu hỷ. Để đáp lại tấm thạnh tình này, Bác Vật Lang đã xây tặng viên tỉnh trưởng một chiếc đồng hồ mặt trời(4) ngay trong dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu. Hiện nay chiếc đồng hồ này vẫn còn trong Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên của tỉnh Bạc Liêu, số 84 đường Hai Bà Trưng, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Một lần khác, Bác Vật Lang đi công tác trên vùng Châu Đốc, lúc về có ghé qua dinh quận và đi thăm chợ Tân Châu(5). Đi xong một vòng, trở về Bác Vật Lang liền nói với viên chủ quận: “Sau chợ này sẽ bị đổ sập xuống sông hết.” Quả nhiên đến khoảng năm 1974 hay 1975, tự nhiên đất bị sụp lỡ, lôi cả mấy dãy phố xuống sông hết. Ngay cả nhà Đốc Học, bộ Chỉ Huy Cảnh Sát… cũng bị đổ nhào hết xuống sông. Sau đó, người ta phải dời đi nơi khác để xây dựng ngôi chợ mới. Hồi năm 1937, ở vùng Hậu Giang, người Pháp dự tính đào một con kinh mang tên Kinh Xáng Vịnh Tre, từ bên bờ hữu ngạn sông Hậu đến tận biển Hà Tiên, chiều dài khoảng trên 100 cây số. Tuy nhiên, sau khi đi quan sát và nghiên cứu thế đất, Bác Vật Lang bảo: “Con kinh này không thể đào ra biển được, chỉ đào chừng nửa đoạn rồi thôi.” Quả nhiên, đến năm 1945, phong trào Thanh Niên Tiền Phong và Việt Minh nổi lên cướp hết tất cả những chiếc xáng và đốt đi, coi như công việc đào Kinh Xáng Vịnh Tre của người Pháp đến đây là phải ngưng vĩnh viễn. Về sau này, mỗi lần nhắc tới lời tiên đoán của Bác Vật Lang, các bô lão trong vùng này hết sức thán phục ông.

Một hôm, Bác Vật Lang đang ngồi xe hơi đi từ Châu Đốc về Long Xuyên (An Giang). Khi đến Mương Khai Lấp, thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Đột nhiên, ông bảo tài xế dừng xe lại, rồi bước xuống xe, dùng cây gậy gõ gõ trên mặt đường vài cái, xong ông làm dấu chỗ này, rồi lên xe về thẳng Long Xuyên. Đến Long Xuyên, ông dùng điện thoại gọi lên Châu Đốc, gặp Trưởng ty Công Chánh báo cho người đến Mương Khai Lấp, chỗ ông đã làm dấu, đào lấy vật gì lên, nếu không, sau này nguyên khúc lộ này sẽ bị sụp. Quả nhiên, sau khi đào lên thấy một thân cây dầu cổ thụ rất lớn, không biết đã ngã nằm xuống chỗ này từ đời nào.

Một lần, vào khoảng năm 1930, một lần Bác Vật Lang theo phái đoàn người Pháp đi thám sát các hang trên Núi Cấm. Khi đoàn đến một hang sâu gần đỉnh núi(7), họ cho cột một con khỉ vào một sợi dây rất dài, rồi thả con khỉ xuống hang. Một lúc sau, khi dây được thả thì người giữ dây nghe như nhẹ hẳn, không còn sức kéo của con khỉ nữa. Khi kéo dây lên thì chẳng thấy con khỉ đâu nữa. Mọi người liền quan sát dấu vết của dây thì thấy không phải dây đứt, vì chiều dài dây vẫn còn đủ, xem xét kỹ lại thì thấy giống như có ai đó mở trói cho con khỉ. Đoàn tiếp tục thả thêm một con chó xuống hang, thì kết quả cũng giống như lần thả con khỉ. Cả đoàn không ai hiểu được chuyện gì đã xảy ra bên dưới hang sâu, nghi là có ác thú bên dưới nên không ai dám xuống. Bác Vật Lang tự nguyện để cho mọi người cột mình dây và đi xuống hang sâu. Một lúc sau, mọi người hoảng kinh hồn vía, vì cũng như hai lần trước, sợi dây được kéo lên nhẹ tênh, không thấy Bác Vật Lang đâu cả. Mọi người giờ chỉ biết ngồi nơi miệng hang mà chờ, và rồi họ thiêm thiếp ngủ. Mãi đến khi trời sáng thì Bác Vật Lang mới từ dưới hang bò lên. Vậy là ông vẫn còn sống, nhưng chỉ ú ớ, chứ không nói được lời nào. Ngay lập tức, Bác Vật Lang được đưa về bệnh viện chữa trị. Một lúc sau, sức khỏe có phần bình phục, nhưng cũng chẳng nói năng được. Về sau có một đoàn đại diện giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương tới thăm ông và hỏi xem ông đã thấy gì trong hang. Bác Vật Lang chậm rãi trả lời: “Ở dưới núi là một… mâm cơm…dọn sẵn. Trên núi là một… cái lồng bàn, giở ra là…ăn… Các ông rán…tu”. Đó là những câu nói cuối cùng của ông cho đến ngày ông nhắm mắt. Từ đó về sau, người ta xem cái hang mà Bác Vật Lang từng đi xuống là “Hang Thần”. Có người còn cho rằng hang này ăn ra tận đến Hà Tiên. Lúc nhỏ, người viết bài này có nghe ông bà kể lại là sau khi Bác Vật Lang từ dưới hang này trở lên rồi tịnh khẩu luôn cho đến chết, nên đoàn thám hiểm người Pháp chẳng biết có thứ gì bên dưới. Họ bèn cho thả những trái dừa khô đã được làm dấu kỹ càng. một thời gian sau đó, thì những quả dừa này lại xuất hiện dọc trên bãi biển Hà Tiên, từ núi Tô Châu đến Mũi Nai. Vì do ông bà kể lại, nên không biết chuyện thả dừa này hư thực thế nào? Ngoài ra hãy còn nhiều giai thoại rất lý thú về Bác Vật Lang, được nhiều nhà văn và nhà báo kể lại; tuy nhiên, trong phạm vi bài viết ngắn này, tác giả chỉ đơn cử một vài giai thoại điển hình mà thôi.

Trong khi còn đang làm cho sở Công Chánh, ông là một kỹ sư rất có lòng và luôn tận tâm với nghề nghiệp, luôn nghĩ đến sự an nguy của người dân trên những tuyến giao thông. Mỗi khi coi một công trình làm một tuyến đường nào, lúc nào ông cũng theo dõi và buộc các nhà thầu phải đào lấy lên bỏ những lớp đất bùn và đất sét trước khi đổ đá vôi lên. Trước khi thu nhận một công trình xây dựng cầu nào, ông cũng đều kiểm tra và buộc các nhà thầu phải đào bỏ những lớp đất xấu và thay vào bằng cát hai bên dốc cầu. Với những cây cầu có sẵn, do những kỹ sư người Pháp trước đó chỉ huy, ông có thể tiên đoán trước sự sụp lở của nó. Ngoài vai trò của một kỹ sư xây dựng cầu đường, Lưu Văn Lang còn tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội và từ thiện như hội Khai Trí Tiến Đức, hội Samipic ở Sài Gòn. Ông luôn kêu gọi những người giàu có đóng góp vào quỹ học bổng giúp các học sinh nghèo hiếu học.

Bên cạnh đó, Lưu Văn Lang còn tích cực tham gia vào Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Khoảng những năm 1943 đến 1944, ông tích cực giúp đỡ phong trào truyền bá chữ quốc ngữ ở Sài Gòn và các tỉnh 2 miền Đông và Tây Nam Phần. Đến tháng 3 năm 1945, sau khi Nhật Bản đảo chánh Tây, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia vào nội các của chánh phủ Trần Trọng Kim trong chức vụ Bộ Trưởng Công Chánh, nhưng ông viện cớ cao tuổi mà từ chối. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp lại đổ bộ lên tái chiếm Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, hồi này là người sáng lập ra Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ, đã tiếp xúc với các trí thức Nam Kỳ trong đó có kỹ sư Lưu Văn Lang hầu tìm sự ủng hộ, nhưng cụ Lang đã dứt khoát trả lời: “Tôi đã quá già để làm tay sai (Je suis trop vieux pour servir de valet!)(9).” Đến khi thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, cũng như đa số các trí thức có liêm sĩ khác ở Nam Kỳ, cụ Lang luôn tỏ thái độ bất hợp tác. Hồi này chẳng những người Pháp không tìm ra được người hợp tác, mà hầu như tất cả trí thức Nam Kỳ luôn tỏ thái độ bất hợp tác và chống đối trên mọi bình diện. Một nhà báo Pháp tên Devillers đã phải bình luận như sau: “Tuyệt đại đa số những người trí thức Việt Nam còn lại ở Sài Gòn không muốn hợp tác với Pháp.”

Từ năm 1947 đến năm 1950, ở miền Nam, kỹ sư Lưu Văn Lang là một trí thức luôn đi đầu trong phong trào đòi thực dân Pháp phải ngưng bắn và phải rút khỏi Việt Nam, trao trả nền độc lập cho đất nước này theo trào lưu trao trả độc lập không đổ máu của nhiều quốc gia trên thế giới thời đó. Đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi theo hiệp định Genève, nhà trí thức Lưu Văn Lang tiếp tục đấu tranh đòi hai phía Nam Bắc phải thi hành đúng hiệp định Genève để thống nhất đất nước, chứ không thôn tính nhau bằng vũ lực. Ông thường nói, hãy nhìn những nước đã bị chia cắt trước đó như Đông Đức-Tây Đức, Bắc Hàn-Nam Hàn… Hãy cố gắng phát triển xứ sở mình đến chỗ thịnh vượng và giàu có, hãy để cho toàn dân Việt Nam quyết định thống nhất bằng con đường phổ thông đầu phiếu có quốc tế giám sát đúng như những điều khoản đã được ghi trong hiệp định Genève 1954. Bất cứ bên nào, vì lợi ích của bè nhóm, dùng võ lực để thôn tính bên kia, đi ngược lại với lòng dân, dầu có chiến thắng đi nữa, đều sẽ trở thành những tên tội đồ trong lịch sử của dân tộc.

Sau đó, Bác Vật Lang tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình, đòi thi hành hiệp định Genève 1954, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, và ông được cử làm chủ tịch danh dự. Đến tháng 11 năm 1954, ông cùng một số trí thức thiên tả ở miền Nam bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt giam. Ít lâu sau đó, thì ông cùng tất cả nhóm trí thức đều được thả ra vì thiếu bằng chứng buộc tội. Sau khi được thả ra, đến tháng 7 năm 1955, một lần nữa Bác Vật Lang cùng phong trào Hòa Bình lại đứng lên chống đối chính quyền của ông Diệm, nhưng lúc đó thấy ông đã già nên chính phủ ông Diệm chỉ cho quản thúc chặt chẽ chứ không bắt ông nữa.

Lưu Văn Lang mất tại Sài Gòn vào ngày 03 tháng 8 năm 1969, thọ 89 tuổi. Phải thực tình mà nói, người Pháp đào tạo dân bản xứ chỉ muốn họ ra làm tay sai, nhưng với Bác Vật Lang, tất cả những gì liên hệ tới việc phát triển đô thị Việt Nam, ông không từ chối, nhưng bất cứ việc gì có liên hệ đến chính trị mà có lợi cho Tây thì ông đều từ chối. Khi ông qua đời, hầu hết các tờ báo lớn ở Sài Gòn đều có đăng tin tức và tiểu sử của ông. Ngày 8 tháng 8 năm 1969, tờ Đuốc Nhà Nam do Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm, có đăng một bài về ông nơi trang nhất với nhan đề: “Kính điếu cụ Lưu Văn Lang, một sĩ khí miền Nam” với lời lẽ chân tình và vô cùng cảm xúc như sau: Chúng tôi băn khoăn mãi trước cái chết của cụ Lưu Văn Lang. Kéo nhau đến lạy trước linh cữu của cụ, chưa nói hết được lòng kính trọng của mình đối với cụ. Đăng tin chia buồn trên báo, dầu trình bày trang trọng cách nào, cũng có vẻ thường tình quá. Thôi thì, vốn con nhà báo, sẵn giấy mực trong tay xin kính điếu cụ Lang bằng một bài báo vậy.

Khi người Pháp trở lại, muốn tái chiếm Việt Nam, trước hết họ nghĩ ngay tới những người thượng lưu trí thức do họ đào tạo, trong số đó có cụ Lưu Văn Lang là người số một, được họ lưu ý tới. Cụ xuất thân nhà nghèo, thi đỗ được học bổng ở một trong những trường danh tiếng nhất, đậu kỹ sư từ trường Art Et Manufactures De L’École Centre de Paris, làm việc tại sở trường tiền, đã tỏ ra thanh liêm, mẫn cán, tài năng, suốt một đời công chức của cụ, cụ về hưu trí sau khi đã đóng góp rất nhiều trong việc kiến thiết xứ sở. Người Pháp cho rằng họ đã đào tạo được một nhân tài bản xứ và họ có quyền đòi hỏi ở nhân tài đó một công tác cần thiết: Một công tác chính trị. Nhưng cụ Lưu Văn Lang đã khẳng khái từ chối. Cụ Nói: “Tôi già rồi, không làm đầy tớ cho ai được nữa.” Cụ nói thế vì cụ nghĩ rằng cụ không mắc nợ gì với người Pháp cả. Họ muốn đào tạo một người giúp việc cho họ về chuyên môn và kỹ thuật, nhưng do thiên tư của cụ mà cụ đã thành đạt trên ý muốn của họ. Đồng lương mà người ta trả cho cụ không xứng đáng với những công việc cụ đã làm. Vã lại, cụ phục vụ xứ sở hơn là làm việc cho Tây. Cụ không mắc nợ ai cả, không ai có quyền lợi dụng cụ để mưu toan trở lại đô hộ đất nước của ông cha. Cụ không phải là một nhà cách mạng. Cụ không bằng lòng người ta gọi cụ là một nhà chí sĩ. Cụ không thích làm chính trị, nhưng cụ thực tâm yêu nước và rất có cảm tình với những ai dám hy sinh cho đất nước. Do đó mà suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cụ tuyệt đối không hợp tác với kẻ xâm lăng, không nhận lãnh một chức vụ gì trong những chính phủ bù nhìn do thực dân dựng lên. Mỗi lần họ mời cụ là cụ từ chối. Chẳng những thế, cụ còn ký tên vào những bản kiến nghị đòi Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, và phải chấm dứt cuộc chiến tranh dơ bẩn do thực dân Pháp gây nên. Thực dân Pháp rất giận cụ nhưng cũng rất kính nễ cụ. Những người Pháp dân chủ kính trọng và một mực thương yêu cụ, giáo sư Préton, hội trưởng Hội Nhân Quyền, là một người bạn thân của cụ, luôn xem cụ là một điển hình của lòng yêu nước, một tinh hoa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của miền Nam nước Việt. Thật vậy, sĩ khí của miền Nam có thể tượng trưng ở cụ, ở những con người như cụ. Mấy năm về trước, cụ thường hay mặc quần ngắn, chống gậy đi bộ trên những đường phố lớn Thủ Đô Sài Gòn, còn hiên ngang mạnh khỏe. Gần đây, cụ mặc quần dài, vẫn chống gậy đi bộ, nhưng lưng đã hơi khòm và có vẻ mệt nhọc. Chỉ thiếu mười năm nữa là cụ đã sống trọn một thế kỷ, một thế kỷ vong quốc và phục quốc. Có những con người đã thay đổi tiết tháo để chạy theo thời cuộc. Có nhiều người lợi dụng thời cuộc để vinh thân phì gia. Họ buôn dân bán nước mà họ vẫn cho là họ thức thời và yêu nước. Trái lại, cũng có những anh hùng hào kiệt làm vẻ vang cho dân tộc. Nhưng ở thời loạn, làm anh hùng dễ hơn làm người quân tử. Do đó mà chúng tôi kính trọng cụ Lưu Văn Lang, vẫn thường lấy cụ làm gương trong đạo tu thân xử thế. Cụ từ trần ở tuổi 90, không có gì phải ân hận, chỉ tiếc rằng sau khi cụ ra đi, khó kiếm được người quân tử như cụ. Tên cụ đáng ghi vào lịch sử và đáng được thay thế cho nhiều tên đường phố ở thủ đô. Chúng tôi cầu chúc anh linh cụ sớm tiêu diêu cực lạc và xin thành thật chia buồn cùng tang gia, Đuốc Nhà Nam, ngày 8 tháng 8 năm 1969.

Bác Vật Lang là một trong số rất ít kỹ sư người Việt Nam được người Pháp nễ trọng. Bên cạnh đó, ông cũng được hầu hết nhân sĩ Việt Nam kính phục như là một bậc sĩ phu với tài đức vẹn toàn. Năm 1930, nhân kỷ niệm đệ nhất chu niên, tuần báo Phụ Nữ Tân Văn có mở một cuộc thăm dò về 10 nhân sĩ đang ra ứng cử, độc giả sẽ chọn những ai? Kết quả cho thấy Bác Vật Lang được chọn hàng thứ 5 sau các ông Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ; và trên các ông Bùi Quang Chiêu, Trần Trọng Kim, Dương Văn Giáo, Trần Trinh Trạch và Phạm Quỳnh. Tưởng cũng nên nhắc lại, Bác Vật Lang cũng là một trong ba nhân vật đầu tiên đã sáng lập ra Việt Nam Ngân Hàng; đó là các ông Huỳnh Đình Khiêm, Trần Trinh Trạch và Lưu Văn Lang.

Dầu không được vinh danh như những anh hùng trực diện chống kẻ thù như Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, vân vân, nhưng ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Bác Vật Lang là một trong những hào kiệt của đất phương Nam, một người thông minh xuất chúng, một vị kỹ sư cầu đường đầu tiên của Việt Nam, một trí thức nồng nàn yêu nước khi ông quyết định từ chối ở lại mẫu quốc để hưởng vinh hoa phú quí khi vừa mới ra trường. Đối với người dân Đất Phương Nam, Bác Vật Lang được xem như một vị thánh sống, nhìn địa thế đất đai và các cấu trúc đã được xây dựng, ông có thể tiên đoán như thần vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ sụp đổ và quả núi nào sẽ nứt… Riêng người viết tập sách Hào Kiệt Đất Phương Nam này rất trân trọng viết về một bậc kỳ tài như Bác Vật Lưu Văn Lang, một con người có nghĩa khí của đất phương Nam. Nếu để qua một bên khuynh hướng chính trị của ông vào thời đó, thì ai trong chúng ta cũng thấy trân trọng và kính yêu, tấm lòng trung trinh yêu nước của ông!
Ghi Chú:
1/ Danh xưng Bác Vật là từ ngữ mà người Việt Nam vào thế kỷ thứ XIX dùng để gọi những vị kỹ sư đi du học từ Pháp về.
2/ Lưu Văn Lang thừa hưởng từ cha mình tính thông minh, cần cù, nhẫn nại và chăm chỉ. Tương truyền, người dân Sa Đéc kể lại rằng ngay từ nhỏ, thỉnh thoảng theo cha đến chỗ làm, mà Lưu Văn Lang đã đưa ra với cha những đề nghị nên để cây đục lên đá thế nào, hoặc theo chiều nào cho không bị văng trúng mắt và không bị bể bậy. Thậm chí ông còn đề nghị cha mình nên đục lại những lằn giữa hai mặt cối cho bột được nhuyễn hơn.
3/ Lúc bấy giờ những sở công chánh được gọi là sở trường tiền.
4/ Chiếc đồng hồ này được xây bằng gạch tàu và xi măng, cao khoảng 1 mét, rộng 0,8 mét, quay mặt về phía đông, ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiều xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt sáng này là số giờ lúc ấy.
5/ Chợ Tân Châu là một ngôi chợ quận, nằm bên bờ hữu ngạn sông Tiền, nằm về hướng đông nam của tỉnh lỵ Châu Đốc thời đó, cách vùng biên giới Việt-Miên khoảng 15 cây số. Tuy là ngôi chợ quận, nhưng lại là một ngôi chợ rất trù phú, không khác chi chợ tỉnh, nhờ lượng hàng hóa từ bên Miên đổ về. Nên dân chúng ở đây rất giàu có. Nhà lầu được cất lên san sát nơi bờ sông, người người qua lại tấp nập.
6/ Rất có thể khi khảo sát vùng Núi Sập và Thất Sơn, Bác Vật Lang biết là bên dưới có rất nhiều đá ngầm, muốn hoàn thành chỉ với phương tiện xáng múc như lúc đó cũng rất khó. Hơn nữa, một nhà trí thức thông minh bậc nhất như Bác Vật Lang, ông thấy rõ thời cuộc biến chuyển, Tây rồi sẽ phải rút trước khi con kinh này được hoàn tất.
7/ Đó là hang Tuk Dup trên Núi Cấm, thời chiến tranh Việt Nam, quân đội Bắc Việt và du kích địa phương lấy hang này làm hành dinh, vì rất kín đáo và không thể nào phát hiện được. Không quân VNCH, từ trên máy bay nhìn xuống chỉ thấy bốn tảng đá lớn, chen vào nhau, chứ không thấy được miệng hang. Nếu lẫn trốn trong hang này thì không có bom đạn nào có thể phá được, ngay cả B52 cũng không hề hấn gì, chỉ có bom CBU, tức là loại bom rút hết không khí trong đường bán kính một cây số ở vùng đồng bằng, hoặc 1/2 cây số trên vùng núi non. Tuy nhiên, loại bom này theo qui ước chiến tranh thì không được sử dụng dầu hồi đó VNCH sở hữu rất nhiều (khoảng trên dưới 1.000 quả).
8/ Giai thoại thứ nhất là Bác Vật Lang sửa cầu Hàm Rồng, được nhà văn gốc Huế là Võ Hương An, tên thật là Võ Văn Dật, cựu Thanh Tra Giám Sát Viện tại miền Trung thời VNCH, hiện đang sống tại San Jose, California, U.S.A., đã kể lại: Chính thân phụ của ông là ông Võ Văn Lang làm quan dưới cuối triều nhà Nguyễn, đã từng giữ chức Nhất Đẳng Thị Vệ. Kể lại cho ông nghe như sau: “Cầu Hàm Rồng là cây cầu sắt một vài, tức một nhịp, không có trụ móng ở giữa cầu, trên Quốc lộ 1, bắt qua sông Mã ở Thanh Hóa, do các kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng năm 1904 (chiếc cầu này đã bị Việt Minh phá sập hồi năm 1946, chứ không phải là cây cầu hiện nay), sử dụng cho cả đường bộ lẫn đường xe lửa. Sau khi cầu làm xong, bắt đầu cho xe chạy, thì phát hiện là cầu bị rung. Các kỹ sư Pháp xem kỹ lại hồ sơ nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, họ phải mời Bác Vật Lang ra giúp. Sau khi khảo sát, Bác Vật Lang ra lệnh siết lại tất cả bù lon, và ngay sau đó, cầu hết rung. Sau sự việc này, các kỹ sư và chính quyền thực dân vô cùng nễ trọng Bác Vật Lang.”
9/ Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ Trưởng Công Chánh vì ông cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là công cụ của người Nhật. Tuy nhiên, đến khi Việt Minh cướp chính quyền thì ông lại tỏ ra có sự đồng tình với chính quyền Việt Minh, vì ông cho rằng đây là chính quyền độc lập của người Việt. Chính vì thế mà sau khi người Pháp tái chiếm miền Nam, để chia rẽ người Việt, họ đã cho mời Bác Vật Lang tham gia Hội Đồng Tư Vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ Quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu. Bác Vật Lang đã trả lời: “Tôi đã quá già để làm tay sai (Je suis trop vieux pour servir de valet!)”.
 
NGƯỜI LONG HỒ