Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Thái Nguyên.
Đăng ngày 04/3/2018
E-mail     Bản in

Gia phả gốc mới tìm thấy viết về dòng họ Tể tướng Lưu Nhân Chú
(VNTN) – Cách đây 600 năm, vào tháng giêng năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh. Cuộc kháng chiến trường kỳ 10 năm đã kết thúc thắng lợi, dựng lên triều đại Nhà Hậu Lê, triều đại có thời thịnh trị dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Để có được thành quả to lớn ấy, Lê Lợi đã thu phục được nhiều nhân tài, văn võ song toàn, trong đó có Lưu Nhân Chú người Thái Nguyên. Nhân kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng này xin giới thiệu cuốn Gia phả gốc mới tìm thấy viết về dòng họ Tể tướng Lưu Nhân Chú, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Cũng là để nhắc nhớ cho các thế hệ về công lao của một danh nhân lịch sử tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn gốc và hình thức cuốn Gia phả

20 năm trước, trong một lần đi kiểm kê khảo sát di tích, chúng tôi tình cờ được tiếp xúc với ông Lương Văn Đổng, nguyên Trưởng Công an huyện Đại Từ và được ông Đổng cho biết: Năm 1956 gia đình hậu duệ cụ Phạm Cuống quê ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ đã có gửi một cuốn Gia phả viết tay bằng chữ Hán Nôm cho ủy ban Hành chính huyện. Sau đó không rõ tài liệu được lưu giữ ở đâu. Năm 1997, con cháu hậu duệ dòng họ Phạm Cuống được cụ Đổng cho biết bản Gia phả xưa đó đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ và gia đình đã đề nghị lãnh đạo Bảo tàng cho sao lại để làm kỷ niệm.
Lời kể của cụ Đổng hoàn toàn trùng khớp với lời kể của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn. Năm 1966, Giáo sư Vạn đưa đoàn sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về thực tập tại xã Vân Yên và đã tìm thấy Gia phả của dòng họ Lưu Nhân Chú. Năm 1967 ông đã viết giới thiệu cuốn Gia phả trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 12. Đó là bản sao cuốn Gia phả dòng họ Lưu xã Vân Yên, ghi chép về dòng họ này, nay vẫn được con cháu ở quê lưu giữ. Còn cuốn Gia phả gốc được xác định là đang được lưu tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Và cuốn này được ghi chú là: “Thần phả của Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đời Quang Thuận thứ 10 (1470)(?) ở Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Đáng tiếc cuốn Gia phả này không còn được đầy đủ, phần đầu mất nhiều, chỉ còn lại phần cuối.

Trang đầu cuốn Gia phả gốc dòng họ Lưu xã Vân Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên)
đang lưu tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

Cuốn Gia phả gốc gáy đóng bằng dây gai, có kích thước 15 x 25 cm, đã rách nát nhiều, thủng lỗ ở giữa. Cuốn Gia phả còn 6 trang giấy dó mỏng, chất giấy rất dai. Sát dây gai của trang đầu có dòng chữ viết bằng mực tím là: “Sách cổ nhà Lê của ông Phạm Văn Hội xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng”. Cuốn Gia phả có tất cả 300 chữ Hán Nôm và ở trang 5 có 7 dòng chữ đã bị mờ. Những chữ còn lại trên Gia phả được viết bằng bút lông còn rõ nét. Đó là những chữ Hán Nôm viết theo kiểu chữ chân – dạng chữ to, rõ ràng và đặc biệt, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thư pháp thời Lê sơ.

Giải mã Gia phả
Vào những năm 1980 – 1991, Phòng bảo tồn, bảo tàng trực thuộc Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái, sau là Sở Văn hóa Thông tin đã nhờ các cụ cao tuổi biết chữ Hán Nôm phiên dịch sơ bộ tài liệu, lời phiên dịch được đánh máy lại khoảng 1 trang giấy và đính kèm với văn bản Gia phả. Lời dịch kể chuyện về cụ Phạm Cuống đi theo vua Lê Lợi đánh giặc Minh tham gia nhiều trận đánh lớn, khi thắng lợi đều được vua phong thưởng làm tướng, vợ được phong phu nhân.
Qua nghiên cứu văn bản, tham khảo bản sao của cuốn Gia phả đang được dòng họ Lưu ở xã Vân Yên lưu giữ, đối chiếu với bản gốc ở Bảo tàng tỉnh thì rõ ràng đây là một phần nội dung cuốn Gia phả thực lục dòng họ Lưu xã Vân Yên. Nguyên văn văn bản còn lại khoảng trên 300 chữ Hán Nôm. Vì văn bản còn lại không đầy đủ, để cho thông mạch phần dịch nghĩa văn bản chúng tôi đã tham khảo bản dịch cuốn Gia phả dòng họ Lưu ở xã Vân Yên của Tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ và Thạc sỹ Nguyễn Hữu Tâm thì thấy nội dung văn bản này cũng tương tự như văn bản sao được in trong sách Kỷ yếu Hội thảo Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú của Sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên, xuất bản năm 2004.

Phát huy giá trị di sản
Nội dung cuốn Gia phả gốc quả thật là những lời vàng, ý ngọc vô cùng quý giá ghi chép về dòng họ Lưu Nhân Chú. Hiện trạng văn bản, phong cách nghệ thuật thư pháp thể hiện trên văn bản đã khẳng định đây chính là một phần của cuốn Gia phả gốc dòng họ Lưu Nhân Chú được soạn vào thời Lê sơ (thế kỷ XV). Cuốn sách không những là văn bản ghi lại Gia phả của một dòng họ có những danh nhân lịch sử nổi tiếng – những người đã góp phần to lớn trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Và hơn thế nó còn như cuốn lịch sử sống ghi lại những sự kiện và nhân vật, khẳng định tính chân thực công lao của các nhân vật lịch sử. Ghép phần còn lại của tài liệu gốc với bản sao của cuốn Gia phả, chúng ta biết chính xác Gia phả kể về dòng họ gồm 3 cha con là: Lưu Trung cha đẻ của Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống (con rể Lưu Trung) đã có công lớn tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV. Trong đó đặc biệt là Lưu Nhân Chú, một nhân tài xuất chúng. Về công lao đức độ của Lưu Nhân Chú đã được các cuốn sử sách như: Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí đã ghi. Lê Thái Tổ đã phong Lưu Nhân Chú là Công thần hạng hai và ban quốc tính (1428); ban chức Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự (1428) với tước vị Lũng Quốc công, Á Thượng hầu, Nhập nội Tư khấu (1431). Năm 1434 Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên thay vì còn nhỏ nên Tư đồ Lê Sát đã làm phụ chính. Lê Sát ghen ghét Lưu Nhân Chú, ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại ông. Năm 1437, Lê Thái Tông khôn lớn và tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của ông, bèn trị tội giết Lê Sát. Kế đến năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông là Thái phó Vinh quốc công. Cả gia đình Lưu Nhân Chú gồm 4 đại quan của triều đình, bố ông là Lưu Trung, em cùng mẹ là Trịnh Khắc Phục và em rể là Phạm Cuống đều là đại quan “Khai quốc công thần” nhà Hậu Lê thời Lê Lợi và đều được ban họ vua.
Trong tâm thức người dân Thái Nguyên, hình ảnh Lưu Nhân Chú đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, niềm tự hào dân tộc về một vùng đất đã sinh ra một đấng Anh hùng. Con cháu hậu duệ dòng họ Lưu tại Văn Yên ngày nay vẫn lưu giữ cuốn Gia phả thực lục dòng họ Lưu của tổ tông truyền lại, coi như một báu vật.
Trải bao biến cố thăng trầm lăng mộ, bia ký về Lưu Nhân Chú cũng không còn nhưng con cháu hậu duệ dòng họ Lưu, nhân dân các dân tộc xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và nhân dân cả nước vẫn không quên công lao sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lưu Nhân Chú. Năm 2014, tượng đồng tạc chân dung Tể tướng Lưu Nhân Chú đã được đúc và an vị tại đền góp phần vào công cuộc tôn tạo nâng cấp di tích để xứng tầm với giá trị lịch sử, phát huy giá trị của khu di tích, cũng là thể hiện một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

 

Nguyễn Đình Hưng


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)