Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Thái Bình.
Đăng ngày 04/11/2013
E-mail     Bản in

Họ Lưu - Phú Ốc, xã Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình
(LUUTOC.VN) - Nhân ngày Mồng 01 tháng 10 Quý Tỵ (nhằm ngày 03/11/2013), Họ Lưu làng Phú Ốc tổ chức Giỗ Cụ Tổ Lưu Bá An. Ban nghiên cứu và Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam gồm TS. Lưu Văn Thành, Ông Lưu Vinh, Ông Lưu Đức Lượng và Lưu Quang Vĩnh đã về dâng hương tưởng niệm và dự Lễ tiến cúng và Thượng cờ Lưu Tộc VN tại Từ đường Họ Lưu - Phú Ốc, xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. BBT LUUTOC.VN giới thiệu bài viết của TS. Lưu Thị Tuyết Vân, hậu duệ Họ Lưu - Phú Ốc (nguyên cán bộ nghiên cứu của Viện KHLS Việt Nam) giới thiệu về dòng họ Lưu tại hai thôn Phú Ốc và Tống Xuyên, xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
 

Ban Liên lạc Lưu Tộc VN kính cẩn dâng Cờ Thần Lưu Tộc Việt Nam yết bái với Tổ tiên Họ Lưu - Phú Ốc


Đại diện dòng họ Lưu - Phú Ốc trân trọng tiếp nhận Đại kỳ Lưu Tộc Việt Nam

Lễ Thượng kỳ Lưu Tộc Việt Nam tại Từ đường Họ Lưu - Phú Ốc
 
VÀI NÉT VỀ HỌ LƯU - THÔN PHÚ ỐC VÀ THÔN TỐNG XUYÊN,THÁI HƯNG, HƯNG HÀ, THÁI BÌNH
           

Sơ đồ Phả hệ họ tộc Lưu Huy làng Phú Ốc, xã Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình


Thành viên hậu duệ Họ Lưu - Phú Ốc, Hưng Hà, Thái Bình chụp ảnh lưu niệm với Ban Liên lạc Lưu Tộc VN
  1. Vị trí địa lý, lịch sử:
Hai thôn Phú Ốc (thường gọi là làng Óc, thôn Óc) và Tống Xuyên (thường gọi là làng Tống, thôn Tống) thuộc xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nằm cạnh quốc lộ số 39. Theo đường bộ, hai thôn này cách thành phố Thái Bình 34 kilômét về phía Đông, cách thành phố Hưng Yên 20 kilômét và cầu Triều Dương 9 kilômét về phía Tây. Từ quốc lộ 39 đi vào trước tiên gặp thôn Phú Ốc, từ đó qua một cánh đồng là sang thôn Tống Xuyên. Từ Phú Ốc đi theo hướng Nam là đến các xã Thái Phương, Hùng An và tới bờ sông Hồng. Ở phía Bắc thôn Phú Ốc, cách đường 39, có Lăng Trần Thủ Độ và Lăng Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Theo các nhà Hán học thì Phú Ốc có nghĩa là Ngôi nhà giàu. Còn  Tống Xuyên, riêng chữ Tống có nhiều nghĩa: họ Tống, tống tiễn và Tống sáng. Cũng chưa biết chữ Tống Xuyên theo nghĩa nào nhưng chắc chắn là chỉ có hai nghĩa là họ Tống hoặc Tống sáng?

Vùng đất Hưng Hà trong đó có xã Thái Hưng hình thành từ bao giờ, như thế nào là đề tài rộng và đã có các công trình nghiên cứu trong nước và ở Thái Bình đề cập rồi.

Thôn Phú Ốc trước đây có 5 họ: Lưu, Hoàng, Trương, Nguyễn, Phùng và Lê. Nhưng chỉ có hai dòng họ Lưu và Hoàng là lớn nhất, mỗi họ sống ở một nửa đất của làng, họ Lưu ở phía Đông và họ Hoàng ở phía Tây. Sau hai họ Lưu, Hoàng là họ Trương. Còn các họ khác rất ít, hình như mỗi họ chỉ có vài hộ. Cư ngụ theo vị trí địa lý trên đã tồn tại rất lâu, vài chục năm trở lại đây mới có một ít sự đan xen khác họ do chuyển nhượng nhà ở, đất đai.

2. Về dòng họ Lưu ở thôn Phú Ốc:

Họ Lưu ở thôn Phú Ốc có hai Chi lớn là Lưu Huy Lưu Văn, chủ yếu là họ Lưu Huy. Có điều đáng chú ý là hai Chi họ Lưu này, cách nhau nhiều đời nên đã có vài trường hợp lấy nhau. Hiện nay, toàn bộ họ Lưu ở thôn Phú Ốc có 129 hộ (Theo số liệu do công an xã Thái Hưng cung cấp 24-9-2013).

 

Cụ Lưu Huy Cẩm (Trưởng họ - Trưởng Tộc) giới thiệu về Họ Lưu Huy làng Phú Ốc.

TS. Lưu Văn Thành - Phó ban Liên lạc Lưu Tộc VN giới thiệu khái quát về Họ Lưu Việt Nam.
 
Họ Lưu tồn tại ở đây không biết từ bao giờ. Nhưng tính theo Gia phả hiện có thì họ Lưu Huy đã tồn tại 11 đời. Cụ Tổ được thờ hiện nay là Cụ Lưu Bá An. Mộ Cụ Tổ Ông nằm ở cánh đồng Ngoài và mộ phu nhân của Cụ nằm ở nghĩa trang đồng Nội. Theo tương truyền khi Cụ Tổ mất, mộ của Cụ được kết rất lớn. Mộ của hai Cụ hiện được con cháu trong dòng họ tu bổ rất khang trang. Họ Lưu Huy đã xây Nhà thờ Họ, hiện nay là ông Lưu Huy Cẩm (62 tuổi) Trưởng tộc . Giỗ Tổ vào ngày Mùng 2 tháng Mười Âm lịch hàng năm. Từ nhiều đời nay, nhánh trưởng tộc luôn luôn đời nào cũng có con trai nối dõi tông đường.

Lưu gia tiên tổ cùng các họ khác trong làng đã xây dựng lên ngôi đình làng Phú Ốc.(Đình hướng đông, hình Vồ, nằm trên khuôn viên ba sào Bắc Bộ, sân rộng, có cây gạo phía bên phải; phía trước có con mương chảy qua, phía sau có cửa thông ra cầu ao; trong đình có hậu cung rất thâm nghiêm, hai bên cánh gà có hai sàn gỗ lim rất chắc chắn. Các trang trí mái, nóc, hoành phi, câu đối, đố đầu rồng, nền và hiên còn nguyên gạch cũ, mái đình cong và vẫn còn giữ nguyên kiến trúc xưa).

 Đình thờ hai vị Thành hoàng. Lễ tế Thành hoàng được tổ chức vào tháng Giêng và tháng Hai âm lịch hàng năm.

Căn cứ kiến trúc và hoa văn, các nhà nghiên cứu cho biết đình làng Phú Ốc được xây dựng từ thời Lê và được tu sửa vào thời Nguyễn – triều Tự Đức. Hiện nay đình còn lưu giữ 5 sắc phong. Nóc đình còn ghi năm Tự Đức thứ 29 (1876) sửa đình (Âm Hán: Hoàng triều Tự Đức nhị thập cửu niên tuế thứ Bính tí mạnh thu cát nhật lương thời kiên trụ thượng lương (Tạm dịch là: Làm vững chắc thượng lương ngày lành, tháng mạnh thu, năm 29 Tự Đức).

Nếu căn cứ theo Gia phả 11 đời của họ Lưu Huy hiện nay, mỗi đời là 20-25 năm, thì họ Lưu đã có mặt ở thôn Phú Ốc khoảng từ 220-270 năm. Cùng với căn cứ là việc sửa đình vào năm Tự Đức 29 (1876), thì có thể dự đoán rằng ít nhất họ Lưu  đã ở thôn Phú Ốc từ những năm cuối của thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Xuất sứ của việc viết gia phả là từ việc viết Kim chi ngọc điệp, viết gia phả của các dòng họ trong triều đình phong kiến. Các nhà nho đã học tập và về viết gia phả của dòng của mình. Vì vậy, rất có thể họ Lưu ở thôn Phú Ốc đã có mặt ở đây từ rất lâu. Nhưng những gia phả viết trước đó đã bị mất hoặc trước đó không có gia phả?

Theo sách Đất và người Thái Bình (Tác giả Bùi Duy Lan và Phạm Minh Đức) thì cho rằng ba thôn Phú Ốc, Tống Xuyên và Chiềng của xã Thái Hưng xưa kia vốn là nơi của những quan Lang từ miền núi về. Điều này chưa biết đúng sai thế nào cần nghiên cứu thêm. Một thần tích của thôn Tống Xuyên (ở Viện Hán nôm) viết rằng có một vị thần bay ngang qua vùng đất này thấy cảnh đẹp có cánh đồng, có sông bao quanh đã giáng xuống thôn Tống Xuyên và dạy cho dân ba làng Chiềng, Tống, Phú Ốc nghề giáo viên và nghề thầy thuốc. Nơi thần giáng hạ chính là miếu Tống vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Theo quan sát của chúng tôi thì thấy quả là ở ba thôn trước đây có rất nhiều người theo nghề giáo và nghề y. Đời sống có những nét sung túc khác thường so với các làng khác. Chỉ riêng kiến trúc nhà ở thì thấy có nhiều ngôi nhà rất thâm nghiêm (của các gia đình họ Lưu và cả của các dòng họ khác) được xây dựng bằng gỗ lim, cửa bức bàn hoặc xây bằng gạch. Nhiều nhà còn có sân gạch, bể nước, tường hoa… đã tồn tại hàng trăm năm. Vốn là vùng đất chiêm trũng, thường xuyên bị ngập lụt và nạn vỡ đê sông Hồng đe dọa, những ngôi nhà này thường được xây dựng trên phần đất được đắp rất cao. Cho đến những năm nửa cuối thế kỷ XX, những nét cổ xưa vẫn còn đậm nét trong các thôn này. Nếu không phải là quan chức, địa chủ hoặc được hưởng lộc từ các triều đình phong kiến thì trong xã hội nông nghiệp xưa không thể có những nếp nhà như vậy. Con gái dòng họ Lưu thuộc các thế hệ (khoảng trên 70 tuổi trở về trước) đa số có dáng cao dỏng, yểu điệu, tóc dài, da trắng. Hiện nay thì không còn được như vậy.

Về con người, suy ngẫm từ trước đến hiện nay cho thấy các thế hệ con cháu họ Lưu tham gia hoạt động và có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y học, khoa học, công - nông - lâm nghiệp, an ninh - quốc phòng… trên khắp các miền đất nước. Số người ở lại quê hương thì rất cần cù trong lao động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển nghề phụ, chăm lo cho con em học hành. Có điều như vậy vì những người họ Lưu có đất tổ ở thôn Phú Ốc nhưng nếu có cơ hội là họ tìm cách để di dời khỏi nông thôn - vốn nghèo nàn vất vả, cuộc sống khó khăn. Bằng các con đường khác nhau như học hành, tham gia quân đội, đi lao động và học tập ở nước ngoài, đi kinh tế mới, hầm mỏ… những người trong họ luôn luôn tìm cách lập nghiệp nơi mới để có cuộc sống tốt hơn và rất ít người trở lại quê hương. Hiện tại ở thôn Phú Ốc có nhiều phần nhà đất của các gia đình họ Lưu không có người ở, hoặc đã nhiều lần được chuyển nhượng. Hiện nay, có thể tìm thấy những người thuộc họ Lưu - thôn Phú Ốc ở khắp nơi trên đất nước. Dưới đây là những dòng mà chúng tôi biết, nhớ và quan sát được.

 - Vào đời thứ 6 (theo Gia phả), trong dòng họ Lưu có cụ Lưu Huy Đồng, làm quan tri phủ (không rõ phủ nào - thuộc Chi Nhà báo Lưu Vinh. Cháu ngoại của Cụ Phủ Lưu Huy Đồng là Cụ bà Ngọc, 93 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội.
- Trong thời Pháp thuộc , rất nhiều đàn ông trong họ Lưu Huy bị giặc bắt đi lính và không bao giờ được trở về, để lại những người vợ góa con côi như Cụ Lưu Huy Do, Cụ Lưu Huy Đáo, Cụ Lưu Văn Chính…
- Trước cải cách ruộng đất, có các địa chủ Lưu Huy Ngơm, Lưu Huy Thức, Lưu Huy Minh, phú nông Lưu Huy Sước. (Cụ Lưu Huy Thức là địa chủ kháng chiến).
- Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều nam giới trong họ Luu - Phú Ốc tham gia lực lượng vũ trang, dân quân du kích. Tại quê hương, phụ nữ tích cực lao động sản xuất và làm nhiệm vụ hậu phương, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, các thương bệnh binh.
- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều nam giới tòng quân vào miền Nam chiến đấu và có những người đã hy sinh tại chiến trường.  Chỉ tính hơn chục nóc nhà ở dọc một đoạn đường của hai Chi họ Lưu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có các liệt sĩ: Liệt sĩ Lưu Huy Vát, Lưu Huy Cán, Lưu Huy Ban, Lưu Huy Thanh, Lưu Huy Mùa, Lưu Huy Tuyến, Lưu Huy Nuôi, Lưu Văn Vinh…
- Từ năm 1954 đến nay trong mọi hoàn cảnh, những người con họ Lưu ở tại thôn Phú Ốc đã có nhiều đóng góp trong xây dựng kinh tế - xã hội – văn hóa, an ninh - quốc phòng. Có những người giữ chức vụ lãnh đạo trong xã, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán trong từng thời kỳ… như Cụ Lưu Văn Trinh, Cụ Lưu Huy Hức, Cụ Lưu Huy Trắc, Lưu Huy Thân …

Trong số 129 hộ họ Lưu - Phú Ốc, hiện nay chủ yếu là hộ thuần nông, nghề nông vẫn là nghề chính. Nhìn chung đời sống của các hộ đã dần dần khá giả hơn, có những hộ giàu nhưng vẫn còn một số hộ nghèo và cận nghèo. Đan xen có một số hộ làm ngành nghề, dịch vụ như cơ khí, xây dựng, xay xát, mộc, dệt, nấu rượu, làm đậu phụ, sửa chữa xe đạp, xe máy, làm đầu tóc, bán hàng tạp hóa, một vài hộ chuyển đổi ruộng đất triển khai bước đầu mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi lớn… Nhưng số trên vẫn còn quá ít. Chủ yếu là lao động nông nghiệp và thời gian nông nhàn thì làm công hoặc nhận gia công dệt khăn cho làng nghề Phương La. Hạt nhân cho phong trào làm kinh tế gia đình phải nói đến những thành viên trong họ Lưu – Phú Ốc làm việc ở các lĩnh vực như công nhân viên chức, bộ đội về nghỉ hưu, nghỉ mất sức, xuất ngũ, các gia đình có nghề truyền thống mộc, xây dựng, buôn bán nhỏ…

Tiếp sau thế hệ trước, trong những năm vừa qua vẫn có những người được đảm nhận chức vụ chủ chốt ở địa phương như: Ông Lưu Huy Thành (sinh 1959), nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hưng nhiều khóa cho đến nay. Bà Lưu Thị Mét hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch xã Thái Hưng…

Nhiều hộ gia đình có thành tích học tập, sản xuất tốt, có cách chuyển đổi cơ cấu lao động trong gia đình: Gia đình Cụ Cố Lưu Huy Úc (sinh 1913) – nguyên là cán bộ địa bạ thôn, hầu hết con cháu làm nghề giáo viên các cấp. Gia đình Cụ Lưu Huy Nhung, có nghề xây dựng truyền thống, hiện có hai con là Lưu Huy Cẩm và Lưu Huy Đại vẫn nối tiếp nghề này. Gia đình Cụ Lưu Huy Tiểu chuyên lao động nông nghiệp, từng là “kiện tướng” gánh gồng rất khỏe trong dòng họ. Gia đình Cụ Lưu Huy Kiểu, bộ đội về hưu, có nghề nấu rượu, làm đậu phụ và chăn nuôi lợn quy mô trang trại. Gia đình ông Lưu Huy Sớp có các con cũng làm nghề mộc, xây dựng và có 3 máy dệt khăn. Anh Lưu Huy Hường, nguyên là bộ đội xuất ngũ có nghề thợ xây và kinh doanh máy tuốt lúa… Ông Lưu Văn Vĩnh làm nghề thợ mộc. Anh Lưu Văn Luân kinh doanh dịch vụ và xay xát. Các con Cụ Cố Lưu Văn Minh kinh doanh nhiều nghề hàn sắt, máy xay xát.. Một số người nhận ruộng chuyển đổi kinh doanh trang trại như ông Lưu Huy Hùng, Lưu Huy Tuân…

Mặc dù cuộc sống nơi nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các gia đình đều đã xây dựng được nhà ở khang trang, trang bị nội thất ngày càng theo hướng hiện đại. Một điều đáng chú ý là ai ai cũng chăm lo cho con cháu học hành. Nền kinh tế thị trường cũng như công ăn, việc làm ngày càng khó khăn, mối quan hệ họ tộc phần nào đó có sự giãn cách, nhưng nhìn chung trong dòng họ vẫn có sự kết nối, đoàn kết quan tâm, giúp đỡ chia sẻ lẫn nhau trong chuyện vui cũng như chuyện buồn...

Những nơi tập trung nhiều nhất người họ Lưu ở thôn Phú ốc tại Thủ đô Hà Nội:

- Gia đình cố bác sĩ Lưu Huy Viêm, nguyên Trưởng ty Y tế tỉnh Tuyên Quang. Cụ Viêm là một trong những cán bộ thuộc thế hệ đầu ngành của nền y tế cách mạng Việt Nam. Trong cách mạng tháng Tám, Cụ là người lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền tại thôn Phú Ốc (21-8-1945) trong lúc làng bị ngập lụt do vỡ đê Đìa. Hiện tại chắc chắn con cháu chắt của Cụ rất đông.
- Cụ Cố Lưu Huy Bảo (Nguyễn Quang Huy), nguyên giám đốc Xưởng phim Tài liệu và thời sự Trung ương. Cụ cũng là một trong những cán bộ thuộc thế hệ đầu ngành xây dựng ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam. Một trong những phu nhân của Cụ tại Hà Nội là diễn viên Phi Nga. Cụ không có con.
- Gia đình cố bác sĩ Lưu Huy Dệnh (Lưu Huy Phú), nhà ở Hà Đông. Hiện nay con cháu Cụ có người làm việc ở Đài Truyền hình Hà Đông.
- Nhà nông học Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Huy Tề (ông còn có tên là Lương Định Tề), Nguyên giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, là người thân cận của nhà nông học Lương Định Của. Ông Tề hiện nay khoảng gần 80 tuổi, sống ở phố Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.
- Gia đình Liệt sĩ công an nhân dân Lưu Huy Vát, có các con là  Lưu Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập báo CAND, hiện nay là Tổng biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật; Lưu Quang Chung, bác sĩ bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội…
- Ông Lưu Huy Khương, nguyên là cán bộ thuộc lĩnh vực văn nghệ, nghệ  thuật quân đội, nhà ở tại Như Quỳnh. 
- Các con của Cụ Lưu Huy Bình là Lưu Huy Thường, Lưu Thị Còn (Gia Lâm).
- Gia đình cụ Lưu Thị Đắc (73 tuổi), nguyên là giáo viên, nhà ở Lý Nam Đế.
- Gia đình các Cụ Lưu Thị Lệch (73 tuổi), nguyên cán bộ Viện địa chất và khoáng sản, nhà ở đường Chiến Thắng.
- Gia đình Cụ Lưu Thị Chếch (70 tuổi), Nguyên cán bộ địa chất, nhà ở phố Hàng Chiếu.
- Gia đình ông Lưu Huy Hội (72 tuổi), hiện ở Thạch Bàn (Gia Lâm), có nhiều con trai và gái làm trong ngành giáo dục và an ninh.
- Gia đình ông Lưu Huy Sánh (70 tuổi) - (Tập thể Thành Công)
- Gia đình ông Lưu Huy Bằng (72 tuổi), -  phường Thanh Lương.
- Gia đình Cụ Cố Lưu Huy Trắc, có các con là Lưu Huy Lịch, làm việc tại nhà máy quốc phòng Z176 và Lưu Thị Tuyết Vân - Tiến sĩ Lịch sử, nguyên là cán bộ Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…
-  Lưu Thi Hoa, nguyên cán bộ Cục xăng dầu, nhà ở Ngã Tư Vọng.
-  Lưu Thị Lơ (con Cụ Cố Lưu Huy Hức) sống và làm việc ở Đông Anh, Hà Nội.
Và còn nhiều người nữa…

* Tại thành phố Thái Bình:

- Gia đình Cụ Cố Lưu Huy Lựu, có các con Lưu Thị Uyên, Lưu Huy Nghĩa, Lưu Minh Sơn, Lưu Huy Hà, Lưu Thị Lương, Lưu Huy Tứ. Hiện ông Lưu Huy Hà có doanh nghiệp vận tải lớn là Công ty cổ phần Hoàng Hà, thành lập năm 2001, chuyên kinh doanh vận tải hành khách. Doanh nghiệp đã từng đoạt giải Sao vàng đất Việt và nhiều giải thưởng khác, là người tài trợ chính xây dựng Nhà thờ Tổ Chi họ Lưu Huy; ông Lưu Minh Sơn, hiện là Giám đốc Đài Truyền hình cáp Thái Bình…
- Gia đình ông Lưu Huy Đấu, có công ty tư nhân kinh doanh vận tải đường thủy.

* Tại thành phố Hải Phòng:

Có các gia đình bà Lưu Thị Tỉnh, ông Lưu Văn Chánh, ông Lưu Văn Ba, bà Lưu Thị The.
Bà Lưu Thị The là nhà tài trợ chính xây dựng chùa Phú Ốc, hoàn thành 2011…

* Tại Quảng Ninh:

Có nhiều gia đình làm việc trong lĩnh vực khai thác than như các gia đình ông Lưu Huy Cỏn, gia đình bà Lưu Thị Tếnh, ông Lưu Văn Chủ, bà Lưu Thị Đê và các con của cụ Lưu Huy Đủ, các con ông Lưu Huy Hức là Lưu Thị Thơ, Lưu Thị Mít …

* Thành phố Thái Nguyên:

Có gia đình cụ cố Lưu Huy Cử (sinh khoảng năm 1925), là thợ mộc. Gia đình ông Lưu Huy Hợp (60 tuổi), vốn tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, nguyên Giám đốc Lâm trường…

* Tại thành phố Hồ Chí Minh:

Có các gia đình ông Lưu Huy Thênh (khoảng 75 tuổi), Lưu Huy Chiêm (55 tuổi), Lưu Huy Huân (62 tuổi)– các ông vốn tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp và đại học nông nghiệp…
* Cực nam Trung Bộ, thuộc tỉnh Bình Thuận, có các gia đình Cụ Cố Lưu Huy Nhật, bà Lưu Thị Lụt…

*Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ:

Có các gia đình ông Lưu Huy Trí (80 tuổi) – làm nông nghiệp; gia đình Lưu Huy Hoàng (53 tuổi) - giáo viên.

* Ở các tỉnh núi phía Bắc:

Có một số gia đình đi khai hoang từ những năm 60 thế kỷ trước…?

* Ở Tây Nguyên:

Sau năm 1975 có các gia đình: Ông Lưu Huy Canh , Lưu Huy Thiềm, Lưu Huy Lý, Lưu Huy Long, Lưu Thị Phương, Lưu Thị Chín (Đắc Lắc), Lưu Huy Tuấn (Lâm Hà, Lâm Đồng), Lưu Thị Minh Tứ (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và các con trai và gái của cụ cố Lưu Huy Thân… Tại thành phố Đà Lạt, có Lưu Tuấn Tú, tốt nghiệp đại học nông nghiệp, hiện công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Những người này khoảng từ trên dưới 50 tuổi đến 62 tuổi …

3. Về dòng họ Lưu ở thôn Tống Xuyên:

Theo sổ hộ khẩu thường trú của xã Thái Hưng, hiện tại (09-2013) thôn Tống Xuyên có 62 hộ họ Lưu.
Tình hình cụ thể ở đây chưa nghiên cứu khảo sát được nhiều, nhưng chắc chắn họ Lưu ở thôn Tống Xuyên đã có mặt ở đây từ rất lâu đời.
Theo Cụ Cố Lưu Huy Trắc thì mỗi dịp tế Thành hoành làng Phú Ốc thường có lễ rước vị thần cụt đầu từ đình làng Tống Xuyên về đình Óc. Như vậy hai họ Lưu ở Óc và Tống chắc chắc có sự liên quan đến nhau và có lẽ cùng đến cư ngụ tại vùng đất này từ lâu đời.

Thông tin về Họ Lưu hai thôn Phú Ốc và Tống Xuyên chưa được đầy đủ và cần rất nhiều sự bổ sung, đóng góp ý kiến của các Cụ, các ông bà, và các anh chị trong dòng họ. Các góp ý xin gửi về địa chỉ Email của Ban nghiên cứu Lưu Tộc VN hoặc BBT LUUTOC.VN Xin trân trọng cảm ơn!
 

 
TS. LƯU THỊ TUYẾT VÂN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)