Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. DI TÍCH, SỬ LIỆU LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 04/01/2012
E-mail     Bản in

Đà Nẵng vươn tầm cao mới từ những con đường
(Dân Việt) - Thấm thoắt đã mười lăm năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Một thời gian không dài nhưng biết bao đổi thay kỳ diệu bên dòng sông Hàn...

Bạn bè tôi đến Đà Nẵng ngỡ ngàng đi trên những con đường rộng thênh thang, lấp lánh ánh đèn khi màn đêm buông xuống. Quả thật, Đà Nẵng đã rộng lớn thêm và vươn lên tầm cao mới từ những con đường.

Những con đường Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Tất Thành như vòng cung biển ôm ấp, chở che cho thành phố, những con đường lan tỏa từ bắc xuống nam từ đông sang tây mở rộng không gian Đà Nẵng trước thềm biển...

Da Nang vuon tam cao moi tu nhung con duong
Đường Bạch Đằng ven sông Hàn.

Những con đường tạo nên thành phố

Trong ký ức của nhiều người, Đà Nẵng một thời với những con đường nhỏ hẹp, những ngã ba, ngã tư chật chội, những phố phường quẩn quanh một màu xưa cũ. Hàng trăm năm cũng chỉ có vài chục con đường nắng nôi, bụi bặm. Nếu như vào năm 1954, sau hơn 69 năm kiến thiết và xây dựng, người ta tính có tất cả 45 đường phố lớn nhỏ ở đây được đặt tên.

Còn bây giờ, Đà Nẵng có bao nhiêu con đường, rất ít người có thể trả lời chính xác. Cuốn từ điển “Đường phố Đà Nẵng” xuất bản lần đầu tiên vào năm 2002 thống kê được 212 con đường có tên. Tuy nhiên đến nay, sau 10 năm, con số này đã trở thành lạc hậu, khi con số đường phố có tên của Đà Nẵng đã lên đến hàng nghìn.

Có một vấn đề luôn được đặt ra trong các kỳ họp HĐND thành phố trong những năm gần đây là việc đặt tên cho những đường phố mới. Chỉ riêng kỳ họp vào tháng 12.2011 đã có hơn 150 con đường được đặt tên. Nhiều người nói vui, các thành viên trong Hội đồng thẩm định và đặt tên đường Đà Nẵng phải “xới tung” lịch sử 4.000 nghìn năm của dân tộc để có đủ lượng tên đường cho các khu dân cư mới hình thành.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương, người đã gắn bó với thành phố này từ những năm tháng tuổi thơ, đã có nhiều tác phẩm viết về đất và người Đà Nẵng, trước sự thay đổi của thành phố quê hương một cách nhanh chóng đã tâm sự trong bài thơ “Lời con đường mới mở”: Ơi thành phố mọc lên từ biển cát - Xen lẫn hố bom, bãi rác, ao bèo - Thương làm sao những mái tôn nghèo, ngõ hẹp nắng nung thèm làn gió mát! - Biển rộng thế mà đời sao quá chật - Trời cao trên hẻm nhỏ vẫn khao khát bao la? - Và mắt nhìn có vươn tới tầm xa.

Thật khó hình dung, khu vực của những con đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi sầm uất với nhiều cao ốc, ngân hàng, bệnh viện, trường đại học... xưa kia là những hẻm nhỏ tù túng bên bàu Vĩnh Trung - Thạc Gián. Cũng từ quá trình xây dựng mở mang của Đà Nẵng, bản thân nhà thơ Lưu Trùng Dương có thêm niềm vui, khi mỗi lần về quê Hòa Quý, đến viếng mộ cha mẹ lại có dịp đi trên con đường mang tên người cháu yêu quý của mình - nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ sinh ra ở Phú Thọ, lớn lên ở Hà Nội, nhưng mảnh đất này chính là quê hương anh, là nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà tổ tiên. Và quê hương này trân trọng tài năng của anh, nơi đầu tiên trong cả nước lấy tên anh đặt cho một con đường. Lúc ấy ông Dương viết: Ơi Hòa Quý đất nghèo! Ơi xóm nhỏ Mân Quang - Đứa con xa nay đã về rồi! Đã về với quê cha đất tổ - Con đường mới! Chính là thịt xương, là tâm hồn con đó - Đã hòa quyện trong mạch đất, khí trời...

Da Nang vuon tam cao moi tu nhung con duong
Đường Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ đã trở về với thành phố quê hương, lưu danh trên một con đường nơi mai kia sẽ là một khu đô thị đại học khang trang, hiện đại, trở về nơi cha anh - nhà thơ Lưu Quang Thuận đã ra đi mang nặng nỗi niềm của người dân mất nước, trở về nơi mà người vợ thân yêu của anh - nhà thơ Xuân Quỳnh đã đến sau ngày giải phòng và chợt hiểu: Thành phố xa đó ơi, nơi anh không hề ở, nơi anh không hề sinh, mà sao anh vẫn nhớ.

Một loài hoa đặc trưng cho đường phố Đà Nẵng

Đà Nẵng mười lăm năm qua đã đi một bước dài từ một thành phố tương đương cấp huyện nhỏ bé trở thành đô thị loại một trực thuộc trung ương; một trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, có tác động lan toả đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, đông bắc Thái Lan; một đầu mối quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Sự đổi thay của Đà Nẵng có thể cảm nhận được ở khắp nơi. Người Đà Nẵng đi xa về ngỡ ngàng không nhận ra lối cũ. Người địa phương khác đến Đà Nẵng sinh cơ lập nghiệp ngày càng nhiều.

Enzo Falcone - người đàn ông gốc Ý, quê ở TP.Milan, hiện là Chủ tịch của Tổ chức từ thiện Care the people. Gặp gỡ và lập gia đình với người con gái Đà Nẵng tên Tâm, anh đã đến sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng hơn 10 năm nay.

Enzo nói: "Tôi bắt đầu yêu Đà Nẵng từ khi quen biết Tâm. Những năm tháng ở đây, tôi thấy Đà Nẵng thay đổi rất nhanh, nhất là đường sá, cơ sở kiến trúc hạ tầng. Đi đâu xa tôi cũng nhớ về Đà Nẵng và cảm thấy không thể rời xa nó".

Những ngày cuối năm 2011, Enzo có thêm niềm hạnh phúc khi anh được công nhận quốc tịch Việt Nam với cái tên Lưu Hòa Bình. Người Đà Nẵng cũng dần quen với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc hoa râm, nụ cười thân thiện của ông Hòa Bình. Khát vọng hòa bình của một thành phố bên bờ sóng không chỉ ở mỗi con người cụ thể, mà qua từng việc làm như nuôi và thuần dưỡng hàng nghìn cánh chim bồ câu trên công viên biển Đông, là sự hiện diện của những cái tên Morison, Loseby trên những con đường thành phố.

Một điều nữa, Đà Nẵng vẫn chưa có một phố đi bộ đúng nghĩa. Đã thử nghiệm chợ đêm và phố đi bộ trên một vài con đường như Nguyễn Thái Học, Hùng Vương nhưng không thành công, đã có dự án phố đi bộ Bạch Đằng nhưng chưa đủ sức thuyết phục khi con đường này là một trục giao thông chính của thành phố... Nói vậy để thấy, Đà Nẵng đã lớn lên, đã sầm uất và tráng lệ hơn, nhưng còn biết bao điều nghĩ suy cho Đà Nẵng.

 

Mười lăm năm qua, hàng nghìn con đường được xây dựng và đặt tên là rất nhiều vấn đề, đó không chỉ là những cánh tay đồng thuận trong mỗi kỳ họp, mà còn là những niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc và cả những nỗi lo toan từ những ngày đầu tạo dựng. Đà Nẵng lớn lên trong bụi bặm, có được và có mất. Bài toán quy hoạch đô thị và những hệ lụy của nó vẫn được nhiều người đề cập đến, ngay cả trong các cuộc thảo luận của HĐND thành phố.

Dù bây giờ tỷ lệ xanh hóa đường phố ở Đà Nẵng đã tăng lên rất nhiều, nhưng người viết vẫn tiếc những hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Lê Duẩn, những hàng dương bên bờ biển, giá mà khi mở đường có những cách làm hợp lý hơn... Bây giờ cây xanh được trồng nhiều, nhưng Đà Nẵng vẫn loay hoay trong việc tìm ra một loại cây đặc trưng và thích hợp.

Sau thất bại của việc trồng ồ ạt cây hoa sữa, phố phường Đà Nẵng giờ ngập tràn muồng tím và lim xẹt, nhưng đến bao giờ người Đà Nẵng mới có thể ngân nga như người anh em Hải Phòng: “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố quê ta...”.

 

Theo Trà Xuân Phương


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)