Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 03/06/2013
E-mail     Bản in

Những giá trị truyền thống và hiện đại cần phát huy trong gia đình Việt Nam hiện nay
(TCCSĐT) - Ngày nay, khi các chức năng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của gia đình đang biến đổi trong điều kiện mới thì thiết chế gia đình cũng cần phải biến đổi cho phù hợp. Việc nâng cao vị thế, vai trò của các thành viên trong gia đình sẽ làm tăng thêm những giá trị cá nhân con người.


Trong lịch sử phát triển, gia đình vừa là một đơn vị kinh tế, vừa là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì và phát triển ở họ những quan hệ tình cảm đặc biệt và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với các thiết chế của xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa con người. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình mà còn kiến tạo một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội. Gia đình là nơi và là nguồn cung cấp lực lượng lao động cho xã hội để tham gia quá trình vận hành của xã hội từ sản xuất, phân phối, đến trao đổi và tiêu dùng. 

Rõ ràng gia đình là môi trường đầu tiên quan trọng nhất để con người hoàn thiện mình trước khi tham gia vào xã hội. Vì vậy, những giá trị, chuẩn mực, đạo đức trong gia đình cần được phân định và chọn lựa. Con người hiện đại có nhiều thuận lợi hơn cha ông trong việc xây dựng, học tập các giá trị, chuẩn mực, đạo đức trong gia đình. Một mặt, họ được kế thừa các giá trị truyền thống. Mặt khác, họ tự mình xây dựng các giá trị mới dựa trên sự phát triển của kinh tế, trí tuệ, khoa học, đó là các giá trị hiện đại. Sự kết hợp hài hòa hai yếu tố này sẽ hướng tới xây dựng gia đình văn minh mà trong đó cuộc sống của con người ngày càng hạnh phúc hơn; sự ứng xử giữa người với người ngày càng nhân hậu và công bằng hơn. 

Các giá trị truyền thống

Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em hòa thuận

Có thể nói, Nho giáo là một trong những tư tưởng triết học phương Đông đã đề cập đến trật tự xã hội và gia đình từ rất sớm. Tư tưởng Nho giáo về gia đình đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của văn hóa gia đình ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Nho giáo có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi xâm nhập vào các nước khác nó chịu ảnh hưởng của văn hóa bản địa, đương nhiên các nguyên tắc chính của nó vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Quan điểm của Nho giáo về quan hệ trong gia đình bao gồm quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh chị em. 

Quan hệ cha con, anh em được thể hiện bằng chữ hiếu và được coi là gốc của các đức khác: Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ giả kỳ vi nhân chi bản dư (theo Luận ngữ , học nhi, 2). Giữa hiếu và đễ thì hiếu làm đầu vì hành vi của con người không gì lớn bằng chữ hiếu, trong các tội của con người thì không có tội nào lớn hơn tội bất hiếu: (Ngũ hình chi thuộc tam thiên, nhi tội mạc đại ư bất hiếu). Người con có hiếu phải là người có ý thức đầy đủ về tình cảm và bổn phận của mình đối với cha mẹ. Đó là sự biết ơn sâu sắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, suốt đời phải biết làm cho cha mẹ vui sướng dù mình có phải chịu khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng cũng thỏa lòng. Đạo hiếu phải được biểu hiện bằng hành vi cụ thể như phải biết giữ gìn thân thể, sức khỏe của mình để cho cha mẹ yên lòng, không làm điều xấu gây phiền lụy cho cha mẹ; đặc biệt không làm điều bạo ngược để cha mẹ nguy khốn. Người con phải theo đuổi nghề nghiệp của cha, làm nên danh phận cho cha mẹ vui, phải sinh con. Khi cha mẹ còn sống không đi xa để có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ mất phải cúng giỗ, để tang trong ba năm. 

Về phía cha, mẹ, phải là những người nhân từ, tử tế, biết khuyến khích khi con làm điều tốt, bao dung khi con có lỗi, không chỉ giáo dục con bằng hiệu lệnh, lời nói mà phải bằng tấm gương của chính mình. Nho giáo đưa ra nguyên tắc là con người phải làm tốt các vai trò ở vị trí của mình: cha nên cha, con nên con, anh nên anh, em nên em, chồng nên chồng, vợ nên vợ thì đạo đức gia đình mới được bảo đảm (Phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ, nhi gia đạo chính - Kinh Dịch). Nho giáo cũng đặt nặng trách nhiệm cho người mẹ, đó là “Phúc đức tại mẫu” và cũng hàm ý trách cứ người mẹ nếu như gia đình không có phúc. Anh em trong một nhà thì người anh trai cả có quyền lớn nhất, có thể thay cha khi cần thiết, có quyền định đoạt số mệnh, gia đình của các em “ Quyền huynh thế phụ”, cúng giỗ, nối nghiệp dòng dõi và giao tiếp trong họ, ngoài làng…

Tình yêu thương, sự tôn trọng trong gia đình 

Ở Việt Nam, sự hòa trộn giữa bản sắc của dân tộc với đạo lý Nho giáo đã tạo ra văn hóa gia đình với những nét độc đáo mà nền tảng căn bản chính là tình thương yêu và ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên. Từ tình thương yêu đối với gia đình dẫn tới tình thương yêu đối với cộng đồng, xã hội Tổ quốc. Chính tình thương yêu đó là chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại, phát triển của gia đình, đất nước trước những biến cố của lịch sử. Việt Nam khi tiếp thu Nho giáo cũng lược bỏ nhiều quy tắc cứng nhắc, cực đoan của nó. Việt Nam có gia giáo, gia lễ, gia phong song không có gia pháp như Trung Quốc. Gia pháp Trung Quốc cho phép cha mẹ có thể xử chết con cái, nhất là con dâu mà không cần tòa án, vì vậy đã có rất nhiều người con bị hại chết oan khuất khi không làm vừa lòng cha mẹ. 

Người Việt thường giải quyết tất cả các mối quan hệ không phải chỉ theo giáo lý và luật pháp mà còn trên cơ sở của tình nghĩa. Trong gia đình Việt Nam “hiếu đễ” được coi là cái gốc của đạo lý. Người Việt cũng cho rằng kẻ nào bất hiếu với cha mẹ, tàn nhẫn với anh chị em mình thì không thể là người tốt và đáng được tin cậy trong xã hội. Bên cạnh đó, mối quan hệ trên dưới trong gia đình được quy định rất rõ ràng. Con người, trước hết là một bộ phận của gia đình, là một mắt xích của một xâu chuỗi dài bắt nguồn từ tổ tiên đến con cháu sau này. Ở những vị trí cụ thể của mình là cha, con, chồng, vợ đều phải ứng xử theo phận sự của mình, cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, thủy chung, anh nhường nhịn em, em kính trọng anh... Nếu tất cả các thành viên đều giữ đúng những nguyên tắc tình nghĩa đó thì xã hội tất ổn định, thái bình. 

Điều này thể hiện rất rõ trong các câu chuyện lịch sử, trong văn chương bác học và văn học dân gian ở Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết “Gia huấn ca” trong đó đưa ra nhiều nguyên tắc xây dựng gia đình và giáo dục gia đình vừa theo quan điểm của Nho giáo vừa kết hợp với những giá trị truyền thống của dân tộc. Phan Bội Châu trong cuốn “Khổng học đăng” cho rằng: “Tề, trị chỉ có một lẽ, gia, quốc chung nhau một gốc”. Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to, nước phải có phép tắc, nhà phải có gia phong và chính cái gia phong này cũng ràng buộc con người không kém gì phép nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến vấn đề gia đình. Trong nhiều tác phẩm của mình, Người đã đề cập rất rõ đến vai trò của gia đình đối với con người và xã hội. Gia đình là nơi con người xây dựng mối quan hệ yêu thương, bình đẳng, hòa thuận. Nho giáo khuyến khích và đề cao những người con có chí, nỗ lực phát triển gia đình người Việt Nam có câu “con hơn cha là nhà có phúc”. 

Ngày nay, chúng ta cần kế thừa những chuẩn mực về hiếu đễ của truyền thống dân tộc vì đây chính là điểm căn bản của con người có tri thức. Cần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ là những người đã cho chúng ta cả cuộc đời và công ơn ấy không ai sánh bằng. Chúng ta cũng cần xây dựng tôn ti trật tự trong gia đình mà trong đó mỗi người đều làm tốt trách nhiệm của mình. Một sự biến đổi lớn trong gia đình là vị trí quan trọng nhất trong gia đình không thuộc về ông bà, cha mẹ nữa mà thuộc về những đứa trẻ. Chúng không chỉ là tương lai của gia đình mà còn là tương lai của đất nước. Các gia đình thường dồn sự chăm lo cho con trẻ mà nhiều khi sao nhãng trách nhiệm với cha mẹ già. Đây cũng là một lệch lạc cần điều chỉnh sửa chữa vì sự cân bằng trong gia đình.

Để làm được việc này, Nhà nước và xã hội cần có những chính sách cụ thể cho gia đình. Cần nêu gương và khen thưởng cho những gia đình mẫu mực, đồng thời phải lên án, phê phán nặng những gia đình đồi bại, cha mẹ bỏ rơi, ngược đãi con cáí hoặc con cái bất hiếu, hành hạ cha mẹ...

Các giá trị hiện đại

Bình đẳng giới và quyền của trẻ em

Quan hệ giới trong gia đình theo Nho giáo cũng hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc. Đây lại là điểm yếu lớn nhất của Nho giáo. Một mặt, Nho giáo đề cao chữ hiếu nhưng mặt khác Nho giáo lại phân biệt, hạ thấp thân phận phụ nữ. Mâu thuẫn này khiến những quan điểm về giới của Nho giáo là một điển hình của chủ nghĩa gia trưởng, sự vô lý và thiếu nhân đạo của chủ thuyết về đạo làm người.

Phụ nữ trong con mắt của Nho giáo là hạng “khó dạy”. Khổng Tử nói: chỉ có đàn bà và hạng tiểu nhân là hạng khó dạy, khi ta gần thì họ sinh nhờn, khi ta xa thì họ mắc oán. Khổng Tử đặt đàn bà ngang với tiểu nhân.

Nho giáo chia các thành viên trong gia đình thành hai loại người: “sử “và “sự”. “Sử” là những ông chủ trong gia đình có quyền uy tuyệt đối trong đối nội và đối ngoại, có quyền giáo dục người khác. Đó là ông, cha, anh, con trai, còn “sự” là những người thứ bậc dưới như cháu, con, em, phụ nữ, con gái. Mọi người đàn ông trong gia đình khi sinh ra thì thuộc hàng “sự” nhưng đến khi lớn lên, có gia đình riêng, anh ta sẽ thuộc hàng Sử còn mọi người phụ nữ trong suốt cuộc đời mình chỉ là hạng sự, không bao giờ thuộc hạng sửcả. Họ cũn bị trói buộc bởi các nguyên tắc tam tòng (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) để rèn luyện kỹ năng nội trợ, trang điểm dung nhan, nói năng mềm mỏng, phục tùng và giữ gìn trinh tiết để chỉ phục vụ cho người chồng và gia đình. Trong khi Nho giáo đề cao chủ nghĩa đa thê của đàn ông thì đối với phụ nữ, họ coi trinh tiết quý hơn sinh mệnh. Nho giáo dạy phụ nữ: đói chết là việc cực nhỏ, giữ gìn trinh tiết mới là việc cực lớn (Nhiên ngạc tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại). Các nguyên tắc này đã trở thành luật, phong tục và đã chôn vùi bao thế hệ phụ nữ trong nhà tù của gia đình và xã hội trước kia. Nho giáo còn có quan điểm: Anh em như chân tay, vợ chồng như quần áo nghĩa là vợ hoặc chồng có thể bỏ, có thể thay thế vì không phải ruột thịt còn anh em thì không thể chặt bỏ được.

Ngược lại với Nho giáo, truyền thống Việt Nam là “Trọng Mẫu”, thờ Mẫu. Phụ nữ Việt Nam không chỉ là vợ, là mẹ, là bà mà còn là các anh hùng dân tộc như hai bà Trưng, bà Triệu. Phụ nữ được thờ cúng trong đền thờ các vua Hùng và các đền thờ khác nằm rải rác ở khắp đất nước. Phụ nữ được tôn vinh làm thành hoàng nhiều làng, là bạn chiến đấu của nam giới trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai và địch họa. Phụ nữ luôn là bạn đồng hành của nam giới trong suốt chiều dài lịch sử. Trong nhiều gia đình, phụ nữ là người nắm giữ tài chính “tay hòm chìa khóa’ dân gian có câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Người Việt Nam cũng coi trọng trinh tiết của người phụ nữ nhưng không quá cực đoan như Nho giáo. Ca dao Việt Nam đã phản kháng sự khắt khe của Nho giáo trên vấn đề này: “Gió đưa cành trúc ngã quỳ; Ba năm trực tiết còn gì là xuân” hay “Chính chuyên chết cũng ra ma; Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng”. Rõ ràng là, ngay trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam thì mối quan hệ giới trong gia đình cũng không khắt khe và tàn nhẫn như một số nước khác. 

Bình đẳng giới là một nguyên tắc được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra ngay từ Luận cương chính trị năm 1930 và được quan tâm đến nay. Cùng với sự mở rộng của giáo dục và phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, phụ nữ ngày nay cũng ít phụ thuộc hơn vào những hủ tục của gia đình truyền thống. Việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em đã làm biến đổi trật tự gia đình cũ. Sự phát triển của những hoạt động dịch vụ và thị trường cũng làm tăng cơ hội để phụ nữ thoát khỏi sự trói buộc của các hoạt động nội trợ, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Sự thay đổi trong quan hệ giới đã dẫn đến những tiến bộ trong gia đình cả về phát triển kinh tế, văn hóa và quyền của phụ nữ và trẻ em.

Việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội và bình đẳng về kinh tế, chính trị với nam giới, cũng làm cho họ vắng bóng nhiều hơn trong môi trường gia đình. Điều này khiến cho nhiều người đàn ông gia trưởng và cả những phụ nữ “xưa” không vừa lòng. Tuy nhiên, khoa học về giới đã chứng minh rằng công việc trong gia đình không phải của riêng phụ nữ. Họ cũng gánh trọng trách ngoài xã hội như nam giới và họ cũng có quyền chia sẻ gánh nặng gia đình như người chồng và các thành viên khác. Điều này đã trở thành bình thường trong các gia đình có văn hóa cao và trở thành bất thường trong các gia đình gia trưởng. Vì vậy, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình không chỉ là tôn vinh một giá trị hiện đại mà đây cũng là sự kế thừa truyền thống, đồng thời là cơ sở và là một đóng góp to lớn để thực hiện bình đẳng giới ngoài xã hội. 

Liên quan đến bình đẳng giới, một chuẩn mực đạo đức được đề cao trong gia đình là tình yêu chung thủy vợ chồng. Trước đây người ta chỉ đòi hỏi phía phụ nữ “Trai năm thê bảy thiếp còn gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Đây là một quan điểm bất công và tình trạng bất công đó đã kéo dài hàng chục thế kỷ. Lòng chung thủy và chế độ hôn nhân một vợ một chồng chính là tiến bộ vượt bậc của con người trong lịch sử hôn nhân mà con người phải rất khó khăn mới đạt được.

Cơ hội bình đẳng và công bằng cho các thành viên - quyền và trách nhiệm

Một vấn đề hiện đại nữa cần được phát huy trong gia đình là tạo cơ hội bình đẳng và công bằng cho các thành viên, thực hiện quyền tự do cá nhân của họ. Trước đây, quyền lực tập trung trong tay người gia trưởng có nghĩa là chỉ người gia trưởng mới có quyền và cơ hội phát triển. Ngày nay, các quyền cá nhân được luật pháp bảo vệ. Quyền cá nhân là một quyền cơ bản trong gia đình và xã hội. Khi còn nhỏ con người đã có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được học tập. Khi lớn lên, có quyền được lựa chọn nghề nghiệp, hôn nhân và định đoạt tương lai của chính mình. Tất cả những gì vi phạm vào quyền cá nhân, tước đoạt quyền quyết định của cá nhân, đó không chỉ là những sai sót về đạo đức mà còn là sự phạm pháp. Khát vọng đó không chỉ cho mỗi cá nhân mà là khát vọng cho gia đình, xã hội, đó cũng chính là thể hiện quyền cá nhân của con người được bảo vệ.

Ê-mê-li Đu-khem (1858-1917), nhà xã hội học Pháp đã tranh luận: Con người cần định nghĩa rõ ràng là trách nhiệm sẽ trói buộc họ với nhau trong một cộng đồng đạo đức. Ông tin rằng con người được kế thừa tính ích kỷ vì thế có thể hình thành các mối quan hệ với người khác chỉ khi họ có tình cảm tự nhiên hoặc sống trong sự kiểm tra bởi các quy tắc xã hội. Hai yếu tố này sẽ kết hợp chặt chẽ với nhau để con người hoàn thành trách nhiệm với gia đình và tham gia vào xây dựng đạo đức xã hội.

Quyền và trách nhiệm thường không giống nhau nhưng có quan hệ với nhau. Chẳng hạn, cha mẹ có quyền chăm sóc con cái nhưng cái quyền đó cũng bao hàm các trách nhiệm. Họ có thể bị coi là vi phạm pháp luật và đạo đức nếu không thực hiện tốt các quyền của mình. Thực chất các quyền và trách nhiệm này rất phức tạp. Đó không chỉ là cung cấp thức ăn, quần áo, nhà cửa cho con cái mà còn biết cách đáp ứng các đòi hỏi hợp lý của con, biết tạo lập nhân cách cho con, chú ý tới những mối quan tâm của con cái, chịu khó tâm sự với con, tôn trọng quyền riêng tư của con, thưởng phạt công minh, biết cách vui đùa, dạy con niềm vui khi được tham gia cộng đồng, không bất hòa với người khác... Muốn làm cha mẹ tốt phải là một quá trình học hỏi và có nghệ thuật cao.

Trong khi đó, những đứa con cũng không chỉ có quyền được huởng sự chăm sóc của cha mẹ mà còn có trách nhiệm với gia đình, bố mẹ. Về phương diện này, sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại là vô cùng cần thiết. Người con phải thấu hiểu quyền và trách nhiệm của mình, học những nét đẹp truyền thống của đạo hiếu và tránh những biểu hiện cực đoan. Khái niệm bất hiếu” là để chỉ những người con vô trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. 

Văn hóa tập thể và văn hóa cá nhân

Việc cân bằng giữa quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình là khác nhau từ xã hội đến xã hội. Các học giả và các chính trị gia thường phân biệt giữa văn hóa tập thể và văn hóa cá nhân. Văn hóa tập thể là cái mà trong đó các mục đích cá nhân phụ thuộc vào mục đích của nhóm lớn và trách nhiệm đến những người khác được nhấn mạnh trên sự tự do cá nhân. Ngược lại, văn hóa cá nhân là cái mà trong đó quyền cá nhân, sự tự thực hiện, tự quản và sự xác định cá nhân được giành quyền ưu tiên. Văn hóa tập thể trước đây cho rằng các thành viên gia đình là phụ thuộc lẫn nhau và cuộc sống của một người là của cả người khác. Trách nhiệm, sự nhường nhịn, sự hy sinh và sự hòa giải đã được coi là các hoạt động cơ bản của văn hóa tập thể. Chủ nghĩa tập thể không có nghĩa là hoàn toàn tiêu cực đối với cuộc sống cá nhân hoặc quyền lợi của họ. Ngược lại nó là cơ sở, là sự củng cố lối sống của nhóm, bảo đảm một cách cơ bản cho cuộc sống của cá nhân. Văn hóa tập thể là sự phản ánh những hành động của cá nhân cho cả nhóm, các hành vi thường nhật của cá nhân có thể gây ra sự xấu hổ hoặc sự tự hào cho mọi người trong nhóm. Như vậy là, các thành viên gia đình có vai trò quan trọng trong mối quan hệ với các thành viên khác của gia đình. Mỗi người trước khi hành động cần suy nghĩ rằng việc này có lợi hay mang bất lợi cho gia đình. Sự thể hiện không tốt trong ứng xử của một cá nhân có thể làm mất danh dự của tổ tiên cũng như của thế hệ tương lai. “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Vì vậy, trong văn hóa tập thể, sự tồn tại của cá nhân thường được xếp vào bên trong gia đình. Các giá trị của gia đình được đặt lên trên các thành tích của cá nhân. Trong nhiều cộng đồng, con người đã rất trung thành với mối quan hệ thân tộc thân thích mà các quan hệ này đã giúp đỡ cho các thành viên vào đúng lúc mà họ cần.

Ngược lại với phương Đông, văn hóa cá nhân được đề cao ở phương Tây ngày càng phổ biến ở các nước đang phát triển khác. Theo đó, con người đang hướng tới các giá trị của sự tự do cá nhân, độc lập, phát triển cá nhân hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ với nhóm, tập thể và của gia đình. Ở các xã hội này, những người độc thân thành đạt, thường là trên cơ sở các cố gắng của cá nhân. Thời thơ ấu đôi khi được xem là một sự chuẩn bị cho các sự kiện quyết định của việc rời khỏi gia đình khi đủ 18 tuổi; thậm chí sớm hơn. Họ coi rằng đó là bước đi cần thiết của thời trưởng thành. 

Việc kết hợp hài hòa văn hóa tập thể với văn hóa cá nhân là hết sức cần thiết trong gia đình hiện đại và nó đòi hỏi con người phải học hỏi và sống có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình. Những tấm gương sáng như gia đình chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình mẹ Nguyễn Thị Thứ, gia đình anh hùng Trần Thị Lý, và nhiều gia đình khác không phải là những “hiện tượng” kỳ lạ và siêu thực mà họ là những con người cụ thể, xuất thân trong các gia đình cụ thể, bình thường. Ngoài những đóng góp to lớn cho xã hội, họ còn thể hiện tính trách nhiệm rất cao đối với gia đình. Đó chính là những giá trị mà trong một xã hội phát triển cần được coi trọng và tôn vinh để gia đình - tế bào của xã hội được coi trọng. Ở Việt Nam cấu trúc Nhà - Làng - Nước phải là một “hằng số” cho sự phát triển bền vững ./.

 
 
Theo GS,TS. LÊ THỊ QUÝ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)